Chính sách tiền tệ giữ một vai trò trực tiếp và gián tiếp trong những cố gắng của chính phủ về mở rộng và giảm bớt hoạt động kinh doanh. Mời các bạn cùng tham khảo bài giảng Bài 3: Chính sách tiền tệ để tìm hiểu về các nguyên tắc hoạt độngn hạn chế của chính sách tiền tệ.
Tóm tắt lý thuyết
1. Mục tiêu
Chính sách tiền tệ giữ một vai trò trực tiếp và gián tiếp trong những cố gắng của chính phủ, nhằm mở rộng hoạt động kinh tế trong những thời kỳ thất nghiệp và công suất dư thừa, và giảm bớt hoạt động đó trong những thời kỳ tổng cầu quá lớn và lạm phát.
2. Công cụ
Như phần trên đã đề cập, Ngân hàng Trung Ương là cơ quan công quyền có chức năng thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Về cơ bản, chính sách tiền tệ tác động đến hai biến số kinh tế chính là mức cung tiền và lãi suất. Để kiểm soát mức cung tiền và do đó điều chỉnh được lãi suất trong nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương có thể sử dụng ba công cụ chính là: hoạt động trên thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất chiết khấu.
a. Hoạt động trên thị trường mở (OMO): là hoạt động mua bán các trái phiếu của chính phủ do NHTW tiền hành, nhằm làm thay đổi lượng tiền mạnh, tạo ra một sự thay đổi trong lượng cung tiền lớn hơn, thông qua số nhân của tiền.
Bằng cách mua một số trái phiếu nhất định bằng tiền của NHTW, tiền được đưa thêm vào lưu thông, đồng thời làm tăng số tài sản và số nợ của NHTW, do đó làm tăng lượng tiền mạnh. Bằng cách bán các trái phiếu, NHTW đồng thời làm giảm số tài sản và số nợ của mình, do đó làm giảm lượng tiền mạnh.
b. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: là tỷ lệ dự trữ tối thiếu trên tổng số tiền gửi mà NHTW buộc các tổ chức có nhận tiền gửi phải giữ lại như là một khoản dự trữ.
Như đã phân tích ở phần trên, số nhân tiền tệ quyết định độ lớn của mức cung tiền; mà số nhân này lại có quan hệ nghịch biến với tỷ lệ dự trữ. Do vậy, việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương sẽ làm thay đổi số nhân tiền tệ, và do đó làm thay đổi lượng cung tiền trong nền kinh tế. Cụ thể là, nếu NHTW điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sẽ làm giảm số nhân tiền tệ và do đó làm giảm lượng cung tiền. Ngược lại, NHTW cũng có thể làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
c. Lãi suất chiết khấu: là mức lãi suất mà ngân hàng trung gian phải trả khi vay tiền của ngân hàng trung ương.
Lãi suất chiết khấu tác động đến mức cung tiền qua sự thay đổi của lượng tiền mạnh (H) và cả số nhân tiền (kM). Việc NHTW qui định một mức lãi suất chiết khấu cao hơn, có thể làm cho các NHTG nhanh chóng trả lại các khoản vay trước đây, nghĩa là một lượng tiền mạnh bị rút khỏi lưu thông, và do đó mức cung tiền sẽ giảm gấp kM lần mức giảm của tiền mạnh. Mặt khác, mức lãi suất cao hơn cũng dẫn đến hệ quả là các NHTG thận trọng hơn trong việc cho vay, bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ tùy ý lên cao hơn để tránh thiếu tiền trong việc chi trả món tiền phải vay của NHTW, điều này dẫn đến làm giảm cả số nhân của tiền. Ngược lại, một mức lãi suất chiết khấu đươc qui định thấp hơn, có thể làm tăng mức cung tiền do tác động từ việc tăng lượng tiền mạnh và tăng số nhân của tiền.
Tóm lại, các NHTG quyết định vay bao nhiêu từ NHTW và dự trữ tùy ý cao hay thấp, phụ thuộc vào kết quả so sánh lãi suất chiết khấu với lãi suất mà nó có thể nhận được khi cho vay hay đầu tư số tiền đó.
3. Nguyên tắc hoạch định chính sách
Trong phần này, chúng ta nghiên cứu xem NHTW có thể vận hành chính sách tiền tệ của mình như thế nào để làm thay đổi lãi suất và, do đó gián tiếp làm thay đổi tổng cầu tự định theo kế hoạch và mức thu nhập thực tế.
Chúng ta giả định rằng nền kinh tế đang trong tình trạng không ổn định: hoặc suy thoái với mức GDP thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc GDP tăng quá cao và tỷ lệ lạm phát ở mức cao trầm trọng.
- Khi nền kinh tế suy thoái (Y< Yp): NHTW có thể thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để tăng lượng cung tiền bằng cách sử dụng các công cụ:
- Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
- Giảm lãi suất chiết khấu.
- Mua trái phiếu vào
- Sẽ làm lượng cung tiền tăng, lãi suất giảm, do đó đầu tư tăng, tổng cầu tăng. Tổng cầu tăng, đến lượt nó, sẽ làm sản lượng quốc gia tăng, mức nhân dụng tăng, mức giá chung tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm.
- Khi nền kinh tế lạm phát cao (Y> Yp): NHTW có thể thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để giảm lượng cung tiền bằng cách sử dụng các công cụ:
- Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
- Tăng lãi suất chiết khấu.
- Bán ra trái phiếu.
- Do đó lượng cung tiền giảm, lãi suất tăng, do đó đầu tư giảm, tổng cầu giảm. Tổng cầu giảm, đến lượt nó, sẽ làm sản lượng quốc gia giảm, mức nhân dụng giảm, mức giá chung giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Ví dụ: Trong năm 2008 Ngân hàng nhà nước VN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt bằng cách: điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản; tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bán trái phiếu ra.
4. Định lượng cho chính sách tiền tệ
Trước hết cần xác định mức sản lượng cần thay đổi để đạt mục tiêu ổn định, so sánh GDP thực tế với GDP tiềm năng. Số liệu về GDP thực tế luôn có sẵn ở các cơ quan thống kê, nhưng GDP tiềm năng lại là một con số trừu tượng, có nhiều bất đồng trong việc định ra mức này một cách cụ thể.
Nếu định được mức sản lượng cần phải tăng lên (giảm xuống) thì phải xem xét thời gian là ngắn hạn hay dài hạn.
Nếu trong ngắn hạn, có thể điều chỉnh mức sản lượng qua việc tác động làm thay đổi tổng cầu. Theo lý thuyết của Keynes, chỉ cẩn thay đổi tổng cầu 1 đơn vị, thì mức sản lượng sẽ thay đổi theo cấp số nhân. Như vậy việc xác định chính xác mức cầu tăng lên (giảm xuống) hay không, không chỉ phụ thuộc kết quả tính toán ở bước 1, mà còn phụ thuộc vào các dữ liệu được tập hợp để tính số nhân của tổng cầu. Tiếp theo với các dữ liệu về độ nhạy cảm của đầu tư theo lãi suất, độ nhạy cảm của cầu tiền, chúng ta có thể bằng phép toán đơn giản tính được liều lượng của chính sách tiền tệ.
Như vậy, nguyên lý và thuật toán là vấn đề đã được các nhà kinh tế đưa vào sách giáo khoa. Vấn đề quan trọng là các quan điểm đánh giá để lựa chọn mẫu và công tác thống kê để có những cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.
Để có thể nhìn vấn đề rõ ràng, việc định lượng có thể tóm tắt như sau:
- Để Y =Yp cần điều chỉnh: \(\Delta Y = Yp - Y\)
- Để \(\uparrow \downarrow Y\) một lượng \(\Delta Y\), thì Ao phải \(\uparrow \downarrow\) một lượng: \(\Delta Ao = \frac{\Delta Y}{k}\)
- Để \(\uparrow \downarrow AD\) một lượng \(\Delta Ao\), thì I phải \(\uparrow \downarrow\) một lượng: \(\Delta Io = \Delta Ao\)
- Để \(\uparrow \downarrow I\) môt lượng \(\Delta I\), thì r phải \(\uparrow \downarrow\) một lượng: \(\Delta r = \frac{\Delta Io}{I^r_m}\)
- Để \(\uparrow \downarrow r\) một lượng \(\Delta r\), thì \(\overline{M}\) phải \(\uparrow \downarrow\) một lượng: \(\Delta \overline{M} = L^r_m \times \Delta r\)
\(\implies \Delta \overline{M} = \frac{L^r_m \times \Delta Io}{I^r_m} = \frac{L^r_m \times \Delta Ao}{I^r_m}\)
\(\implies \Delta \overline{M} = \frac{L^r_m \times \Delta Y}{I^r_m \times k}\)
\(\implies \frac{\Delta Y}{\Delta \overline{M}} = \frac{I^r_m \times k}{L^r_m} = \beta\)
Khi cung tiền tăng thêm 1 đơn vị, thì sản lượng cân bằng sẽ tăng \(\beta\) đơn vị
5. Những hạn chế của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ không phải luôn luôn có hiệu quả vì một số chậm trễ có thể xảy ra, ngăn chặn sự thay đổi trong cầu về hàng hóa hay tiền tệ:
- Vấn đề thứ nhất là, mức độ tác động của chính sách tiền tệ phụ thuộc vào độ nhạy cảm của cầu tiền đói với lãi suất (Lmr): khi lãi suất tăng lên (giảm xuống) 1%, sẽ làm lượng cầu tiền giảm xuống (tăng lên) bao nhiêu đơn vị tiền?
- Vấn đề tiếp theo là, sự nhạy cảm của đầu tư đối với lãi suất (Imr). Thông thường độ nhạy cảm này cũng dao động theo tâm lý của các nhà đầu tư (đặc biệt đối với các nước đang phát triển). Lòng tin của họ đối với các chính sách của chính phủ còn quan trọng hơn bản thân của chính sách. Vẫn có trường hợp chính sách tiền tệ không phát huy dưực tác dụng. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp bi quan với những rủi ro, ngay khi lãi suất thấp họ cũng không dám đầu tư. Ngược lại khi nền kinh tế lạm phát cao, các doanh nghiệp có thể sẵn sàng trả lãi cao để tránh chi phí cao trong tương lai.