Bài 2: Truyền thông đại chúng

Bài học có nội dung trình bày về các khái niệm cơ bản của truyền thông, truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông; quá trình hình thành và phát triển của các phương tiện truyền tải thông tin; đặc điểm của thông tin và phương tiện thông tin đại chúng,... Để tìm hiểu sâu hơn về nội dung bài học, mời các bạn cùng tham khảo Bài 2: Truyền thông đại chúng sau đây.

Tóm tắt lý thuyết

1. Các khái niệm cơ bản

  • Truyền thông:
    • Truyền thông là quá trình truyền đạt thông tin. Quá trình này diễn ra liên tục, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng liên kết với nhau. Đây là một quá trình phức tạp, qua nhiều khâu, giữa các khâu có sự chuyển đổi tương đối linh hoạt để hướng tới nhận thức và hành vi của con người.
    • Truyền thông là một dạng hoạt động căn bản của bất cứ một tổ chức nào mang tính xã hội và là quá trình truyền đạt thông tin. Quá trình này diễn ra bằng lời hoặc không lời.
    • Truyền thông được chia làm ba loại:
      • Truyền thông cá nhân:
        Truyền thông cá nhân là truyền đạt thông tin giữa người này với người khác thông qua lời nói, chữ viết, cử chỉ, hoặc điệu bộ v.v... Truyền thông cá nhân được chia hai cách: truyền thông bằng lời nói và truyền thông không bằng lời nói.
      • Truyền thông tập thể:
        Truyền thông tập thể là thông tin nội bộ được thông báo trong một cơ quan, một tổ chức hay một nhóm xã hội nào đó. Thông tin trong truyền thông tập thể được nhiều người biết hơn thông tin trong truyền thông đại chúng, nhưng nó chỉ là thông tin nội bộ, không phổ biến như truyền thông đại chúng.
      • Truyền thông đại chúng:
        Truyền thông đại chúng là quá trình truyền đạt thông tin đến quảng đại quần chúng, hay đến số lượng lớn mọi người trong xã hội.
  • Truyền thông đại chúng:
    • Truyền thông đại chúng là quá trình xã hội, quá trình truyền tải thông tin ra công chúng thông qua phương tiện truyền thông.
    • Truyền thông là một quá trình xã hội đặc thù bao gồm ba thành tố sau:
      • Hoạt động truyền thông
      • Các nhà truyền thông
      • Truyền tải thông tin
  • Đại chúng:
    Theo Herbert Blumer thì “đại chúng” được hiểu như sau:
    • Đại chúng bao gồm những người thuộc mọi thành phần xã hội, bất kể nghề nghiệp, trình độ học vấn hay tầng lớp xã hội. Nói đến đại chúng là nói đến những cá nhân nặc danh vì nhắm đến một công chúng đông đảo nên truyền thông không thể biết ai là ai, và khi truyền thông tin ấy có thể đến bất cứ ai và không dành riêng cho một cá nhân hay nhóm người cụ thể như truyền thông cá nhân và truyền thông tập thể.
    • Đại chúng thường là những người độc lập, ít có sự tương tác hay mối quan hệ gắn bó nào. Đại chúng hầu như không có hình thức tổ chức nào hoặc nếu có thì cũng lông lẻo. Khi nói đến đại chúng người ta thường nghĩ tới số đông mặc dù không có một lượng người cụ thể.
  • Phương tiện truyền thông:
    • Phương tiện truyền thông là những phát kiến kỹ thuật hoặc những kênh mà nhờ vào đó người ta có thể thực hiện quá trình truyền thông đại chúng, nghĩa là tiến hành việc phổ biến và loan truyền thông tin ra mọi người dân trong xã hội.

2. Quá trình hình thành và phát triển của các phương tiện truyền tải thông tin

2.1 Từ thời phong kiến trở về trước

Khi loài người xuất hiện với tư cách là một cộng đồng xã hội thì ngay lập tức xuất hiện một yêu cầu và nhu cầu sống còn là làm sao chuyển tải thông tin đi nhanh hơn, xa hơn, nhiều và chính xác hơn. Đó là những thông tin như săn bắn, hái lượm, tự vệ v.v... Con người không được thỏa mãn đầy đủ những yêu cầu, nhu cầu đó nếu chỉ giới hạn trong khả năng sinh học của mình, vì khả năng này luôn bị hạn chế bởi bản thân con người và những yếu tố xung quanh. Do đó, con người đã tìm tòi và sáng chế ra những công cụ như chiêng, trống, thú vật v.v... nhờ vào đó mà con người có thể truyền thông tin đi xa hơn, nhanh hơn và nhiều hơn. Đây có thể xem là giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển của phương tiện truyền tải thông tin. Tuy nhiên, những phương tiện này vẫn còn mang tính thô sơ, nên chưa thể xem là một hệ thống hoàn chỉnh và mang tính đại chúng. Song, có thể thấy rằng, các phương tiện truyền tải thông tin đó đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội từ thời kỳ phong kiến trở về trước.

2.2 Thời đại tư bản chủ nghĩa hình thành

Từ khi cách mạng công nghiệp bùng nổ, chủ nghĩa tư bản ra đời và tạo ra một thị trường hàng hóa rộng lớn mang tính toàn cầu. Ngay lập tức xuất hiện một yêu cầu, một nhu cầu cấp thiết là thông tin phải được chuyển đi cực kỳ nhanh chóng, chính xác với quy mô rộng lớn và phải chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp, đơn hệ sang đa hệ. Như vậy, những phương tiện có được trong thời kỳ phong kiến trở về trước không còn phù hợp, con người phải tìm tòi nghiên cứu ra những phương tiện truyền thông hiện đại hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ấy. Từ đó phương tiện truyền thông ra đời và ngày càng phát triển hiện đại hơn.

Cũng từ đây thông tin và phương tiện thông tin trở thành hàng hóa, một thứ hàng hóa đặc biệt. Đó là nguyên nhân hình thành thị trường thông tin và phương tiện thông tin.

Một số phát minh điển hình về phương tiện truyền tải thông tin:

  • 1837: Phát minh điện tín
  • 1876: Vô tuyến điện ra đời
  • 1922: Radio ra đời
  • 1938: Vô tuyến truyền hình
  • 1949: Cáp truyền thanh truyền hình
  • 1965: Vệ tinh viễn thông quốc tế
  • 1970: Kỷ nguyên của tin học
  • 1990: Nối mạng máy tính liên quốc gia

3. Đặc điểm của thông tin và phương tiện thông tin đại chúng

Nhân loại đang sống trong một thời đại của sự bùng nổ về thông tin và phương tiện thông tin. Song, cũng cần hiểu rằng không phải thông tin và phương tiện truyền tải thông tin nào cũng được coi là thông tin và phương tiện truyền tải thông tin mang tính đại chúng.

Vậy những thông tin và phương tiện truyền tải thông tin như thế nào thì được gọi là đại chúng? Những thông tin và phương tiện truyền tải thông tin được xem là đại chúng phải có những đặc điểm sau:

  • Thứ nhất, được sử dụng với qui mô đại chúng và phạm vi hoạt động trên một qui mô rộng lớn. Các phương tiện tiếp nhận thông tin đại chúng trở nên phổ biến trong từng hộ gia đình và cá nhân.
  • Thứ hai, được sử dụng với mục đích đại chúng, nghĩa là dành cho số lượng người đông đảo trong một khu vực, một quốc gia hoặc chí ít là một cộng đồng người đông đảo.
  • Thứ ba, thông tin đại chúng là những thông tin được thu thập từ nhiều nguồn (đại chúng và không đại chúng) và được truyền đến đại chúng. Nghĩa là những thông tin này không dành cho một số ít người mà dành cho cả cộng đồng người đông đảo.
  • Thứ tư, thông tin đại chúng được các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi một cách công khai, nhanh chóng, đều đặn và có tính định kỳ.
  • Thứ năm, thông tin đại chúng được các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi thường mang tính tổng hợp cao, có độ tin cậy và phải qua các bộ phận xử lý chức năng.

4. Vai trò của truyền thông đại chúng

Trước tiên truyền thông đại chúng là công cụ đắc lực cho việc giành quyền lực và sau đó là bảo vệ và củng cố quyền lực chính trị cho một đảng phái, một giai cấp hoặc một chính phủ.

Truyền thông đại chúng có khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin cho đại chúng. Đó là những tin tức quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo v.v... Đồng thời, nó còn là công cụ để lưu truyền các tinh hoa nhân loại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì vậy truyền thông đại chúng trong một quốc gia có thể có những tác động lên trên thái độ và ứng xử của người dân, có thể góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc hoặc ngược lại.

Bên cạnh đó hệ thống truyền thông góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, truyền bá kiến thức phổ thông, giáo dục đạo đức và thẩm mỹ.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?