Bài 2: Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Lạm phát và thất nghiệp thực sự gây ra những tác hại nào cho nền kinh tế? Cùng phân tích các đường Phillips ngắn hạn và dài hạn qua bài giảng Bài 2: Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp sau đây để đưa ra các biện pháp kiểm soát và hạn chế lạm phát, thất nghiệp nhé!

Tóm tắt lý thuyết

Qua phần trình bày trên, cho thấy:

  • Nếu lạm phát do cung gây ra: thì không có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp.
  • Khi lạm phát do cầu gây ra, sẽ có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, thường được mô tả bằng đường Phillips ngắn hạn và dài hạn.

1. Đường Phillips ngắn hạn (SP)

Trong ngắn hạn, giữa lạm phát do cầu và thất nghiệp thường có mối quan hệ nghịch biến; nghĩa là khi tổng cầu tăng lên thì sản lượng tăng, thất nghiệp giảm và mức giá chung tăng lên và ngược lại; được mô tả bằng đường Phillips ngắn hạn (SP).

Mỗi đường SP được xây dựng tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và tỷ lệ lạm phát dự kiến/kỳ vọng cho trước (hình 8.4).

Khi tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và tỷ lệ lạm phát dự kiến/kỳ vọng thay đổi, đường SP sẽ dịch chuyển. Nếu tỷ lệ lạm phát dự kiến tăng lên từ Ife lên Ife1, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tăng từ Un lên Un1, thì đường SP sẽ dịch chuyển lên trên và sang phải từ SP lên SP1 và ngược lại (hình 8.4)

Chúng ta có thể giải thích mối quan hệ này bằng mô hình AS-AD qua đồ thị 8.5a và 8.5b.

  • Trên đồ thị 8.5a: Đường SAS0 được xây dựng với tiền lương danh nghĩa W0 - tương ứng với tỷ lệ lạm phát dự kiến If0e hay mức giá dự kiến P0.
  • Đường Phillips ngắn hạn SP0 được thiết lập tương ứng với tỷ lệ lạm phát dự kiến If0e thể hiện trên đồ thị 8.5b.

Với đường tổng cầu ban đầu là AD, nền kinh tế cân bằng ban đầu tại E0 với sản lượng cân bằng là Y0 và mức giá chung P0 (đồ thị 8.5a); tỷ lệ thất nghiệp tương ứng U0, tỷ lệ lạm phát If0 tương ứng với điểm E0 trên đường SP0 (đồ thị 8.5b).

Khi tổng cầu tăng, đường AD dịch chuyển từ AD0 sang AD1, điểm cân bằng ngắn hạn mới là E’(Y’,P’) trên đồ thị 8.5a, sản lượng tăng từ Y0 lên Y’, thất nghiệp từ U0 giảm xuống U’, mức giá tăng từ P0 lên P’, tỷ lệ lạm phát tăng từ If0 lên If’, ứng với điểm E’(U’,If’) trên đường SP0 (đồ thị 8.5b)

Như vậy trong ngắn hạn nếu lạm phát do cầu, sẽ có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp. Khi sản lượng quá thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao; muốn tăng sản lượng và giảm thất nghiệp, thì cái giá phải trả là chấp nhận tỷ lệ lạm phát tăng lên.

Ngược lại khi nền kinh tế tăng trưởng quá mức, sản lượng thực hiện vượt mức sản lượng tiềm năng với lạm phát cao, để giảm lạm phát thì phải chấp nhận sản lượng sụt giảm, thất nghiệp gia tăng.

2. Đường Phillips dài hạn (LP)

Đường Phillips dài hạn mô tả mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp trong dài hạn.

Đường Phillips dài hạn là đường thẳng đứng ớ mức thất nghiệp tự nhiên (Un), nghĩa là trong dài hạn không có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, được thể hiện trên hình 8.6a.

Trong dài hạn khi tổng cầu tăng, dẫn đến mức giá chung (P) tăng; các biến danh nghĩa như tiền lương danh nghĩa (W) cũng điều chỉnh tăng lên cùng tỷ lệ với mức giá chung. Do đó các biến thực không đổi, như tiền lương thực (W/P) không đổi, vẫn ở mức cân bằng, sản lượng cân bằng vẫn ở mức Yp và tỷ lệ thất nghiệp ở mức tự nhiên Un, được thể hiện trên hình 8.6b.

Có thể giải thích đường Phillips dài hạn LP thông qua mô hình LAS và AD, thể hiện trên đồ thị 8.7a và 8.7b:

  • Giả sử ban đầu nền kinh tế đạt cân bằng dài hạn lẫn cân bằng ngắn hạn tại điểm E0(Yp,P0), giao điểm của ba đường AD, LAS và SAS ( đồ thị 8.7a), tương ứng ta có đường SP (đồ thị 8.7b).
  • Nếu tổng cầu tăng, đường AD dịch chuyển từ AD sang phải AD1, sẽ gây ra tác động ngắn hạn và dài hạn như sau:
    • Trên đồ thị 8.7a: trong ngắn hạn, để doanh nghiệp tăng sản lượng đáp ứng tổng cầu, thì mức giá phải tăng lên, điểm cân bằng ngắn hạn mới E’(Y’,P’) - giao điểm của đường SAS và AD1, tương ứng với điểm E’(U’, If’) trên đồ thị 8.7b.
    • Tuy nhiên, khi mức giá tăng lên P’, trong khi tiền lương danh nghĩa không đổi W0, nên tiền lương thực giảm thấp hơn mức cân bằng. Để tiền lương thực ở mức cân bằng, người lao động đòi hòi tiền lương danh nghĩa phải tăng lên W’(W’/P’ = W0/P0). Khi tiền lương danh nghĩa tăng lên W’, đường SAS sẽ dịch chuyển sang trái là SAS’, đồng thời đường SP cũng dịch chuyển lên trên là SP’.
    • Nhưng tại điểm A(Yp,P’), sản lượng cung ứng Yp lại nhỏ hơn tổng cầu, do đó giá tiếp tục tăng lên, điểm cân bằng ngắn hạn mới là E”(Y”,P’’).
    • Khi mức giá tăng lên P’’, người lao động lại đòi hỏi mức lương danh nghĩa cao hơn để bảo đảm tiền lương thực ở mức cân bằng, đường SAS và đường SP tiếp tục dịch chuyển sang trái, nền kinh tế lại đạt cân bằng ngắn hạn mới.
  • Quá trình điều chỉnh giữa P và W cứ tiếp diễn cho đến khi đường SAS dịch chuyển sang trái đến vị trí SAS1 với tiền lương danh nghĩa tăng lên W1 và mức giá là P1, tiền lương thực đạt mức cân bằng (W1/P1 = W0/P0), đường SP dịch chuyển lên trên là SP1. Lúc này mức giá dự kiến bằng mức giá thực hiện (Ife1 = P1), tỷ lệ lạm phát dự kiến bằng tỷ lệ lạm phát thực hiện (Ife1 = lf1). Sản lượng cung ứng Yp đúng bằng tổng cầu, không còn áp lực thay đổi. Nền kinh tế đạt trạng thái cân bằng dài hạn lẫn cân bằng ngắn hạn tại điểm E1(Yp,P1), giao điểm của ba đường AD1, LAS và SAS1.

Tóm lại, khi lạm phát do cầu, trong ngắn hạn sẽ có sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát. Nhưng điều này không xảy ra trong dài hạn.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?