Bài 1: Tổng quan về Trung Hoa cổ trung đại

Cùng tìm hiểu về địa lí dân cư, lịch sử Trung Quốc thời kì cổ trung đại qua nội dung bài giảng Bài 1: Tổng quan về Trung Hoa cổ trung đại sau đây các bạn nhé! Chúc các bạn học tốt!

Tóm tắt lý thuyết

1. Địa lí và cư dân

Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử là một nước lớn ở Đông Á. Trên lãnh thổ Trung Quốc có hai con sông lớn chảy qua, đó là Hoàng Hà (dài 5.464 km) ở phía Bắc và Trường Giang (dài 6.300 km) ở phía Nam. Hoàng Hà từ xưa thường gây ra lũ lụt, do đó đã bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp khi công cụ sản xuất còn tương đối thô sơ. Chính vì vậy, nơi đây trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Hoa.

Khi mới thành lập nước (vào khoảng thế kỉ XXI TCN) địa bàn Trung Quốc chỉ mới là một vùng nhỏ ở trung lưu lưu vực Hoàng Hà. Từ đó lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng dần, nhưng cho đến thế kỉ III TCN, tức là đến cuối thời cổ đại, phía Bắc của cương giới Trung Quốc chưa vượt qua dãy Vạn lí trường thành ngày nay, phía Tây mới đến Đông Nam tỉnh Cam Túc và phía Nam chỉ bao gồm một dải đất nằm dọc theo hữu ngạn Trường Giang mà thôi.

Từ cuối thế kỉ III TCN Trung Quốc trở thành một nước phong kiến thống nhất. Từ đó nhiều triều đại của Trung Quốc đã chinh phục các nước xung quanh, do đó có những thời kì cương giới của Trung Quốc được mở ra rất rộng. Đến thế kỉ XVIII, lãnh thổ Trung Quốc về cơ bản được xác định như hiện nay.

Trung Quốc là một trong những nơi từ rất sớm đã có loài người cư trú. Năm 1929, ở Chu Khẩu Điếm (ở Tây Nam Bắc Kinh) giới khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện được xương hóa thạch của một loại người vượn sống cách đây khoảng 400.000 năm. Những xương hóa thạch của người vượn được phát hiện sau đó trên lãnh thổ Trung Quốc đã cung cấp những niên đại xưa hơn, đặc biệt người vượn Nguyên Mưu (Vân Nam) phát hiện năm 1977 có niên đại đến 1.700.000 năm.

Về mặt chủng tộc, cư dân ở lưu vực Hoàng Hà thuộc giống Mông Cổ, đến thời Xuân Thu được gọi là Hoa Hạ, nói tắt là Hoa hoặc Hạ. Đó là tiền thân của Hán tộc sau này. Còn cư dân ở phía Nam Trường Giang thì khác hẳn cư dân vùng Hoàng Hà về ngôn ngữ và phong tục tập quán, họ có tục cắt tóc, xăm mình, đi chân đất. Đến thời Xuân Thu, các tộc này cũng bị Hoa Hạ đồng hóa.

Dưới thời quân chủ, ở Trung Quốc, tên nước được gọi theo tên triều đại. Đồng thời, từ thời cổ đại, người Trung Hoa cho rằng, nước họ là một quốc gia văn minh ở giữa, xung quanh là các tộc lạc hậu gọi là Man, Di, Nhung, Địch, vì vậy đất nước của họ còn được gọi là Trung Hoa hoặc Trung Quốc. Tuy vậy các danh từ này chỉ dùng để phân biệt với các vùng xung quanh chứ chưa phải là tên nước chính thức. Mãi đến năm 1912, khi triều Thanh bị lật đổ, quốc hiệu Đại Thanh bị xóa bỏ, cái tên Trung Hoa mới trở thành tên nước chính thức nhưng thông thường người ta quen gọi là Trung Quốc.

2. Sơ lược lịch sử cổ trung đại Trung Quốc

2.1 Thời kì cổ đại

Trung Quốc đã trải qua xã hội nguyên thủy. Theo truyền thuyết, thời viễn cổ ở Trung Quốc có một thủ lĩnh mà đời sau thường nhắc đến gọi là Phục Hy. Đến nửa đầu thiên kỉ III TCN, ở vùng Hoàng Hà xuất hiện một thủ lĩnh bộ lạc gọi là Hoàng Đế. Hoàng đế họ Cơ, hiệu là Hiên Viên, được coi là thủy tổ người Trung Quốc. Đến cuối thiên kỉ III TCN, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ đều là dòng dõi của Hoàng Đế. Nghiêu và Thuấn tuy chỉ là những thủ lĩnh liên minh bộ lạc nhưng đời sau cho họ là những ông vua tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tương truyền rằng, năm Nghiêu 72 tuổi, Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, đến khi Thuấn già, Thuấn lại nhường ngôi cho Vũ.

Nhưng sau khi Vũ chết, con của Vũ là Khải được tôn lên làm vua, Trung Quốc bắt đầu bước vào xã hội có nhà nước.

Thời cổ đại ở Trung Quốc có ba vương triều nối tiếp nhau là Hạ, Thương, Chu.

  • Hạ (khoảng thế kỉ XXI đến XVI TCN).

Tuy Vũ chưa xưng vương nhưng ông được coi là người đặt cơ sở cho triều Hạ. Thời Hạ, người Trung Quốc chỉ mới biết đồng đỏ, chữ viết cũng chưa có. Sau 4 thế kỉ, đến thời vua Kiệt, bạo chúa nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, triều Hạ diệt vong.

  • Thương (còn gọi là Ân, thế kỉ XVI-XII TCN).

Người thành lập nước Thương là Thang. Nhân khi vua Kiệt tàn bạo, nhân dân oán ghét, Thang đem quân diệt Hạ, thời Thương, người Trung Quốc đã biết sử dụng đồng thau, chữ viết cũng đã ra đời. Đến thời vua Trụ (cũng là một bạo chúa nổi tiếng), Thương bị Chu tiêu diệt.

  • Chu (thế kỉ XI- IIITCN).

Người thành lập triều Chu là Văn vương. Trong hơn 8 thế kỉ tồn tại, triều Chu chia làm hai thời kì là Tây Chu và Đông Chu. Từ khi thành lập đến năm 771 TCN, triều Chu đóng đô ở Cảo Kinh ở phía Tây nên gọi là Tây Chu. Nói chung, Tây Chu là thời kì xã hội Trung Quốc tương đối ổn định. Từ năm 770 TCN, vua Chu dời đô sang Lạc Ấp ở phía Đông, từ đó gọi là Đông Chu. Thời Đông Chu tương đương với hai thời kì Xuân Thu (722-481 TCN) và Chiến Quốc (403-221 TCN)). Đây là thời kì nhà Chu ngày càng suy yếu. Trong khi đó, giữa các nước chư hầu diễn ra cuộc nội chiến triền miền để giành quyền bá chủ, tiến tới tiêu diệt lẫn nhau để thống nhất Trung Quốc. Thời Xuân Thu, đồ sắt bắt đầu xuất hiện, đến thời Chiến Quốc thì được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.

2.2 Thời kì trung đại

Thời kì trung đại nói chung là thời kì thống trị của các vương triều phong kiến trên đất nước Trung Quốc thống nhất.

Thời kì này bắt đầu từ năm 221 TCN tức là từ khi Tần Thủy

Hoàng thành lập triều Tần cho đến năm 1840, tức là năm xảy ra cuộc Chiến tranh Thuốc phiện giữa Trung Quốc và Anh làm cho Trung Quốc từ một nước phong kiến dần dần trở thành một nước nửa phong kiến nửa thuộc địa.

Trong thời gian hơn 2.000 năm đó, Trung Quốc đã trải qua các triều đại sau đây:

  • Tần (221-206 TCN)
  • Tây Hán (206 TCN - 8 TCN)
  • Tân (9-23)
  • Đông Hán (25-220)
  • Thời kì Tam quốc: Ngụy, Thục, Ngô (220-280)
  • Tấn (265-420)
  • Thời kì Nam Bắc triều (420-581)
  • Tùy (581-618)
  • Đường (618-907)
  • Thời kì Ngũ đại Thập quốc (907-960)
  • Tống (960-1279), chia thành 2 thời kì:
    • Bắc Tống (960- 1127)
    • Nam Tống (1127- 1279)
  • Nguyên (1271-1368)
  • Minh (1368- 1644)
  • Thanh (1644-1911)

Trong thời trung đại, Hán, Đường, Tông, Minh là những vương triều lớn, đó cũng là những thời kì Trung Quốc rất cường thịnh và phát triển về mọi mặt. Nguyên và Thanh cũng là hai triều đại lớn, nhưng triều Nguyên do người Mông cổ thành lập, triều Thanh do tộc Mãn Châu lập nên, trong xã hội tồn tại mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp rất gay gắt do đó đã hạn chế sự phát triển về văn hóa. Triều Thanh tuy tồn tại đến năm 1911, nhưng từ năm 1840, tính chất của xã hội Trung Quốc đã thay đổi nên đã chuyển sang thời kì lịch sử cận đại.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?