Bài 1: Thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối là thị trường quốc tế mà ở đó đóng tiền của quốc gia này có thể đổi lấy đồng tiền của quốc gia khác. Tham khảo bài giảng Bài 1: Thị trường ngoại hối để tìm hiểu chi tiết về hệ thống tỷ giá hối đoái, tỷ giá hối đoái thực, tỷ giá ngang bằng sức mua... các bạn nhé!

Tóm tắt lý thuyết

1. Các khái niệm

Mỗi quốc gia đều có đồng tiền riêng. Chẳng hạn, người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, khi mua hàng lưu niệm người Trung Quốc muốn du khách thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chứ không phải bằng tiền đồng; nên du khách Việt Nam trước hết phải mua đồng nhân dân tệ để trả cho người bán hàng Trung Quốc; ngược lại khi người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, chúng ta muốn họ thanh toán bằng tiền đồng chứ không phải bằng đồng nhân dân tệ khi mua sắm hàng hóa hay dịch vụ ở nước ta, nên du khách Trung Quốc phải mua tiền đồng để trả cho người bán hàng Việt Nam. Vì thế để thuận lợi cho giao dịch giữa các quốc gia, phải có nơi để trao đổi, mua bán các đồng tiền của các quốc gia với nhau, đó chính là thị trường ngoại hối.

  • Thị trường ngoại hối là thị trường quốc tế mà ở đó đóng tiền của quốc gia này có thể đổi lấy đồng tiền của quốc gia khác. Nói cách khác, thị trường ngoại hối là nơi mua bán ngoại tệ.

Các thành phần tham gia vào thị trường ngoại hối là các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương, các công ty hoạt động xuất nhập khẩu, các công ty đa quốc gia, các nhà kinh doanh ngoại tệ và một số người dân.

  • Mức giá mà tại đó hai đồng tiền của hai quốc gia có thể chuyển đổi cho nhau, được gọi là tỷ giá hối đoái, nói chính xác hơn đó là tỷ giá hối đoái danh nghĩa.

Tỷ giá hối đoái danh nghĩa có thể biểu thị theo hai cách:

  • Thứ nhất: là tỷ số phản ánh lượng nội tệ thu được khi đổi một đơn vị ngoại tệ, ký hiệu là e, e = DC/FC.
  • Thứ hai: là tỷ số phản ánh lượng ngoại tệ thu được khi đổi một đơn vị nội tệ, ký hiệu là E, E = FC/DC.

Nếu nói 2 USD đổi được 1 GBP thì cũng không khác gì với cách nói ½ GBP đổi lấy 1 USD. Nhưng vấn đề cần thận trọng là theo cách biểu thị thứ nhất thì khi nói tỷ giá tăng lên, có nghĩa là giá trị của đồng ngoại tệ tăng nếu tính bằng nội tệ. Ngược lại, theo cách biểu thị thứ hai tỷ giá hối đoái tăng lên cho thấy giá trị đồng ngoại tệ giảm xuống.

Nhìn chung, ở phần lớn các nước đều biểu thị tỷ giá theo cách thứ nhất, ngoại trừ ở Anh và Mỹ biểu thị tỷ giá theo cách thứ hai.

Chương này ta quy ước tỷ giá hối đoái theo cách hiểu thứ nhất:

Lượng nội tệ thu được = Lượng ngoại tệ x e

Tỷ giả hối đoái cân bằng

Cũng như các thị trường khác, tỷ giá hối đoái danh nghĩa được xác định bởi cung và cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối.

Cầu ngoại tệ (Lf) sinh ra từ hai nguồn:

  • Do nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ: để mua được hàng hóa của nước ngoài, hay đi du lịch nước ngoài; chúng ta cần phải mua ngoại tệ để thanh toán cho nước ngoài.
  • Khi muốn mua tài sản, nhà cửa, gửi tiền vào ngân hàng ở nước ngoài, mua cổ phần của các công ty nước ngoài, hay gửi tiền cho con cái du học... ta cần phải có ngoại tệ để thực hiện.

Tương tự, cung ngoại tệ (Sf) sinh ra từ hai nguồn:

  • Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ: khi bán hàng hóa cho nước ngoài, họ sẽ cung đồng tiền nước họ để thanh toán cho việc mua hàng hóa cùng như đến nước ta du lịch.
  • Các công ty nước ngoài muốn mua tài sản, nhà cửa, cổ phần của các công ty trong nước, hay mua trái phiếu của chính phủ, họ sẽ cung cấp ngoại tệ cho thị trường ngoại hối.

 

Tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ như thế nào?

Khi các yếu tố khác không đổi, nếu tỷ giá hối đoái tăng lên (nội tệ giảm giá) thì giá hàng hoá xuất khẩu tính bằng ngoại tệ sẽ rẻ hơn, khiến người nước ngoài sẽ mua nhiều hàng hoá và dịch vụ của chúng ta xuất khẩu hơn, do đó họ sẽ cung cấp ngoại tệ nhiều hơn. Như vậy cung ngoại tệ đồng biến với tỷ giá hối đoái (e).

Còn đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, khi các yếu tố khác không đổi, nếu tỷ giá hối đoái tăng lên (nội tệ giảm giá), thì giá hàng nhập khẩu tính bằng nội tệ sẽ đắt hơn, khiến người dân trong nước sẽ giảm mua hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, nên lượng ngoại tệ cần có sẽ giảm xuống. Như vậy cầu ngoại tệ nghịch biến với tỷ giá hối đoái (e).

Sự tương tác giữa cung và cầu ngoại tệ sẽ xác định tỷ giá cân bằng trên thị trường ngoại hối

Tỷ giá hối đoái cân bằng là tỷ giá mà ở đó lượng cung và lượng cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối bằng nhau.

Trên đồ thị 9.1a tỷ giá cân bằng là e0, tại đó lượng ngoại tệ mà người bán muốn bán đúng bằng lượng ngoại tệ mà người mua muốn mua.

Sự thay đổi tỷ giá hối đoái càn bằng

Khi các yếu tố khác ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ thay đổi, sẽ làm dịch chuyển đường cung đường cầu ngoại tệ, dẫn đến tỷ giá cân bằng sẽ thay đổi.

Ví dụ 1: Khi nước ngoài tăng đầu tư vốn vào nước ta, đồng thời tăng mua hàng hoá và dịch vụ mà chúng ta sản xuất, họ sẽ cung nhiều ngoại tệ hơn, đường cung ngoại tệ sẽ dịch chuyển sang phải, kết quả tỷ giá sẽ giảm, đồng nội tệ tăng giá so với đồng ngoại tệ (hình 9.1 b)

Còn khi chúng ta nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn, hay do lo ngại lạm phát trong nước tăng cao, để bảo toàn tài sản người dân sẽ chuyển vốn từ nội tệ sang ngoại tệ, do đó đường cầu ngoại tệ sẽ dịch chuyển sang phải, tỷ giá sẽ tăng, đồng nội tệ sê giảm giá so với đồng ngoại tệ (hình 9.1c)

2. Các hệ thống tỷ giá hối đoái

Hệ thống tỷ giá phản ánh cách thức xác định tỷ giá danh nghĩa mà chính phủ lựa chọn. Có ba hệ thống tỷ giá đã được thiết lập lần lượt là:

  • Tỷ giá hối đoái thả nổi hoàn toàn
  • Tỷ giá hối đoái cố định
  • Tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý

2.1 Tỷ giá hối đoái thả nổi hoàn toàn

  • Trong cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi hoàn toàn, tỷ giá được tự do điều chỉnh theo diễn biến của cung cầu ngoại tệ để đạt mức cân bằng trên thị trường ngoại hối, mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào của ngân hàng trung ương.
  • Với cơ chế tỷ giá linh hoạt, các nước có khả năng thực hiện chính sách tiền tệ độc lập, không bị giới hạn bởi yêu cầu hỗ trợ như trong cơ chế tỷ giá cố định.

Ngày nay với sự di chuyển tự do hoàn toàn của vồn, nếu có sự di chuyển vốn với lượng lớn và nhanh ra khỏi quốc gia, sẽ gây ra sự biến động lớn trong tỷ giá, có thể gây sốc cho nền kinh tế.

Như vậy, khi tỷ giá tự thân vận động có thể gây ra tình trạng mất ổn định và các lực lượng đầu cơ góp phần làm tỷ giá biến động thất thường, cản trở ngoại thương và đầu tư quốc tế vì tính bất trắc cao trong các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến tỷ giá hối đoái.

2.2 Tỷ giá hối đoái cố định

  • Hệ thống tỷ giá hối đoái cố định thịnh hành ở hầu hết các nước trên thế giới từ năm 1944 đến 1971, sau hội nghị Bretton Woods được tổ chức vào năm 1944.

Trong cơ chế tỷ giá hối đoái cố định, chính phủ cam kế tự duy trì khả năng chuyển đổi đồng tiền trong nước với đồng tiền nước ngoài tại mức tỷ giá CỐ định đã công bố,nghĩa là ngân hàng trung ương sẵn sàng mua vào hay bán ra ngoại tệ theo tỷ giá cố định cho các cá nhân thuộc khu vực tư nhân khi họ muốn tiến hành các giao dịch quốc tế.

Tỷ giá hối đoái cố định ký hiệu là ef.

Tỷ giá hối đoái cố định mà ngân hàng trung ương công bố và cam kết duy trì, có thể rơi vào một trong ba trường hợp sau đây:

  • Tỷ giá hối đoái cố định bằng tỷ giá hối đoái cân bằng (ef = eo): phản ảnh ngân hàng trung ương (NHTW) đã định đúng giá trị đồng nội tệ. Tại tỷ giá quy định lượng cung ngoại tệ bằng lượng cầu ngoại tệ, thị trường ngoại hối cân bằng, NHTW không phải can thiệp, được mô tả trên đồ thị 9.1 d:

 

  • Tỷ giá hối đoái cố định cao hơn tỷ giá hối đoái cân bằng (ef > eo): phản ảnh NHTW đã định giá đồng nội tệ thấp hơn giá trịthực tế của nó, khiến giá hàng hóa trong nước trở nên rẻ hơn so với giá hàng hóa của nước ngoài, làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với các nước khác, xuất khẩu hàng hóa tăng lên, nhập khẩu hàng hóa giảm, dẫn đến lượng cung ngoại tệ lớn hơn lượng cầu ngoại tệ, thị trường ngoại hối dư thừa. Để duy trì tỷ giá hối đoái cố định, NHTW sẽ mua ngoại tệ vào bán nội tệ ra, do đó dự trữ ngoại tệ sẽ tăng lên và lượng nội tệ trong nước cũng tăng (hình 9.1e)

  • Khi tỷ giá hối đoái cố định thấp hơn tỷ giá hối đoái cân bằng (ef < eo): phản ánh NHTW đã định giá đồng nội tệ cao hơn giá trị thực tế của nó, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với các nước khác, nhập khẩu tăng lên, xuất khẩu hàng hóa giảm xuống, nên lượng cầu ngoại tệ sẽ lớn hơn lượng cung ngoại tệ, thị trường ngoại hối thiếu hụt. Để duy trì tỷ giá cố định, NHTW phải bán ngoại tệ ra mua nội tệ vào, dự trữ ngoại tệ sẽ giảm (có thể bị cạn kiệt) và lượng cung nội tệ trong nước cũng giảm (hình 9.1f).

Chính sách tiền tệ do đó mất tính chủ động, vì không thể thay đổi lượng cung tiền theo ý muốn trong cơ chế tỷ giá cố định.

Quy mô can thiệp của NHTW vào thị trường ngoại hối bị giới hạn bởi quy mô dự trữ vàng và ngoại tệ của chính phủ, cộng với khả năng vay nợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1944 để giám sát hệ thống tỷ giá này.

Ưu điểm của cơ chế tỷ giá cố định là loại trừ những rủi ro trong tỷ giá, nên làm an lòng các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Nhưng nếu NHTWneo tỷ giá cố định thấp hơn hay cao hơn tỷ giá cân bằng trong thời gian dài, có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ và khủng khoảng tỷ giá.

2.3 Tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý

  • Tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý là sự kết hợp giữa tỷ giá thả nổi và tỷ giá cố định. Nghĩa là tỷ giá được tự do biến động, nhưng khi vượt quá biên độ cho phép, lập tức NHTW sẽ can thiệp bằng cách đưa ra tỷ giá quy định, chấp nhận bán ra hay mua vào ngoại tệ nhằm tránh tác động xấu đến nền kinh tế.

Ta cần phân biệt hai loại tỷ giá là tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực.

3. Tỷ giá hối đoái thực (er)

Tỷ giá hối đoái thực hay tỷ lệ trao đổi, ký hiệu là C, là tỷ giá phản ánh tương quan giá cả hàng hóa của hai nước, được tính theo một trong hai loại tiền của hai nước đó.

Ta chọn đồng tiền chung để so sánh giá hàng hóa giữa hai nước là đồng nội tệ.

Tỷ giá hối đoái thực cho biết tỷ lệ mà dựa vào đó hàng hóa của một nước được trao đổi với hàng hóa của nước khác.

\(e_r = \frac{\text{Giá hàng nước ngoài tính bằng nội tệ}}{\text{Giá hàng trong nước tính bằng nội tệ}}\)

\(e_r = \frac{\text{Giá hàng X sản xuất ở nước ngoài tính bằng ngoại tệ (P*)}}{\text{Giá hàng X sản xuất trong nước tính bằng nội tệ (P)}} \times e\)

Ví dụ 2: So sánh giá cùng một mặt hàng là áo sơ mi cùng chất lượng ở Việt Nam và Mỹ. Giá áo tại Mỹ là 20 USD, giá áo tại Việt Nam là 220.000VND, tỷ giá e = 22.000VND/USD

\(e_r = \frac{P^{VND}_{US}}{P^{VND}_{VN}} = \frac{P^{USD}_{US}}{P^{VND}_{VN}}\times e\)

\(e_r = \frac{20 \times 22.000}{220.000} = 2\)

Như vậy giá áo sơ mi ở Mỹ gấp 2 lần giá áo tại Việt Nam, áo sơ mi của Việt Nam rẻ hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, do đó Việt Nam sẽ xuất khẩu và Mỹ sẽ nhập khẩu áo của Việt Nam. Thương mại diễn ra sẽ làm thay đổi giá hàng hóa giữa hai nước: giá áo ở Mỹ sẽ ngày càng giảm, ngược lại giá áo tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên, làm tỷ giá thực giảm xuống, và xu hướng sẽ tiền tới bằng một: e = 1. Đây là lý thuyết ngang bằng sức mua hay quy luật một giá, nghĩa là giá của một hàng hoá phải như nhau ở mọi nơi trên thế giới, chỉ lệch nhau về chi phí vận chuyển và thuế quan. Đây là lý thuyết giáo điều trong kinh tế học. Thực tế sức mua của một đồng tiền sẽ khác nhau ở mỗi nơi, chẳng hạn sức mua của 1 USD ở Mỹ khác với sức mua của 1 USD ở Việt Nam. Ngoài ra có nhiều hàng hóa và dịch vụ phi ngoại thương, nên lý thuyết trên không đúng.

Khi có nhiều hàng hóa và dịch vụ tham gia ngoại thương, thì mức giá được sử dụng để tính er là mức giá chung hay chỉ số giá.

Tỷ giá hối đoái thực (er) được tính theo công thức sau:

\(e_r = \frac{\text{Chỉ số giá nước ngoài}}{\text{Chỉ số giá trong nước}} \times e\)

\(e_r = \frac{P^*}{P} \times e\)                                   (9.1)

Trong đó: P là chỉ số giá trong nước

     P* là chỉ số giá nước ngoài

     e là tỷ giá hối đoái danh nghĩa

     er là tỷ giá hối đoái thực

Từ công thức (9.1) biến đổi ta có:

\(\%\Delta e_r = \%\Delta P^* - \%\Delta P + \%\Delta e\)                      (9.2)

Với:    \(\%\Delta P^* = \text{If*}\) là tỷ lệ lạm phát của nước ngoài

\(\%\Delta P = \text{If}\) là tỷ lệ lạm phát trong nước

Ví dụ 3: Nếu tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 2% và của Việt Nam là 14%, tỷ giá hối đoái (VND/USD) tăng 9%, thì tỷ giá hối đóai thực sẽ giảm \(3\%\) (\(\%\Delta e_r = 2\% - 14\% + 9\% = -3\%\)), sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm.

Tỷ giá hối đoái thực sẽ quyết định sức cạnh tranh của một nước.

Nếu tỷ giá hối đoái thực tăng, sức cạnh tranh hàng hóa của một nước sẽ tăng: xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm. Ngược lại, nếu tỷ giá hối đoái thực giảm, thì sức cạnh tranh sẽ giảm: xuất khẩu sẽ giảm, nhập khẩu sẽ tăng.

Tỷ giá hối đoái thực phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát tương đối giữa hai quốc gia (biểu thức 9.1 và 9.2)

  • Tỷ giá hối đoái danh nghĩa (e):

Với P và P* không đổi, khi e tăng thì er tăng, giá hàng hóa nước ngoài đắt tương dối so với giá hàng hóa trong nước, do đó hàng hóa trong nuớc có khả năng cạnh tranh cao hơn, xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm.

  • Tỷ lệ lạm phát tương đối giữa hai quốc gia:
    • Khi tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn tỷ lệ lạm phát nước ngoài (If > If*): tỷ giá hối đoái thực e sẽ giảm, giá hàng hóa nước ngoài rẻ hơn so với giá hàng hóa trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, kết quả xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng.
    • Khi tỷ lệ lạm phát trong nước và nước ngoài khác nhau, để giữ tỷ giá hối đoái thực không đổi,nhằm duy trì sức canh tranh không đổi, ta cần điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa tương thích, gọi là tỷ giá ngang bằng sức mua.

4. Tỷ giá ngang bằng sức mua (PPP)

  • Tỷ giá ngang bằng sức mua (ký hiệu là PPP hay ePPP) là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh sao cho tỷ giá hối đoái thực không đổi, để duy trì sức cạnh tranh không đổi, được tính theo công thức:

\(e_r = \frac{P^*}{P} \times e\)

\(\implies e_{PPP} = PPP = \overline{e_r} \times \frac{\text{P'}}{\text{P*'}}\)                       (9.3)

Trong đó: P’ là chỉ số giá mới trong nước

     P*’ là chỉ số giá mới nước ngoài

     \(\overline{e_r}\) là tỷ giá hối đoái thực không đổi

Từ công thức (9.3) ta có thể suy ra:

\(\%\Delta e_{PPP} = \%\Delta P' - \%\Delta P^*{'}\)

Hay    \(\%\Delta e = \text{If} - \text{If*}\)                                                           (9.4)

Biểu thức (9.4) thể hiện điều kiện ngang bằng sức mua: Để sức canh tranh không đổi, thì tỷ lệ phần trăm thay đổi của tỷ giá danh nghĩa phải bằng chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát trong nước và tỷ lệ lạm phát của nước ngoài.

Ví dụ 4: Năm 2010 tỷ lệ lạm phát ở Mỹ khoảng 2%, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam khoảng 11,3%. Để bảo đảm sức canh tranh không đổi, tháng 2/2011 Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phá giá nội tệ, đã điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa tăng 9,3%: \(\%\Delta e_{PPP} = 9,3 \%\) (từ 18.923 VND/USD lên 20.693VND/USD)

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?