Bài 1: Sự hình thành đường tổng cầu

Mời các bạn cùng tham khảo bài giảng Bài 1: Sự hình thành đường tổng cầu sau đây để tìm hiểu về sự hình thành, dịch chuyển và phương trình của đường AD. Chúc các bạn học tốt!

Tóm tắt lý thuyết

Đường tổng cầu AD được hình thành từ mô hình IS-LM trong điều kiện giá cả linh hoạt.

1. Tác động của sự thay đổi giá cả đối với đường LM

Chúng ta biết rằng khi mức cung tiền thực thay đổi, sẽ làm dịch chuyển đường LM. Mức cung tiền thực (SM) phụ thuộc vào mức cung tiền danh nghĩa (\(\overline{M}\)), và mức giá chung hay chỉ số giá (P):

\(S^M = \frac{\overline{M}}{P}\)

  • Trong các chương trước, vì P được giả định không đổi và P = 1. Do đó \(S^M = \overline{M}\), \(\overline{M}\) tăng thì SM tăng, đường LM dịch chuyển xuống dưới và ngược lại.
  • Nếu cung tiền danh nghĩa \(\overline{M}\) không đổi, mà P tăng lên sẽ làm cung tiền thực (SM) giảm xuống, đường LM sẽ dịch chuyển lên trên; ngược lại P giảm thì đường LM sẽ dịch chuyển xuống dưới.
  • Khi P tăng đều lần lượt từ P0 lên P1 lên P2 (P0 < P1 < P2), cung tiền thực sẽ giảm tương ứng \(\Delta S_1^M\) và \(\Delta S_2^M\), do đó lãi suất sẽ tăng các khoản tương ứng \(\Delta r_1\)\(\Delta r_2\).

\(P-1 - P_0 = P_2 - P_1 = \Delta P\)

\(\Delta S_1^M = \frac{\overline{M}}{P_0} - \frac{\overline{M}}{P_1} = \frac{\overline{M}(P_1-P_0)}{P_0.P_1} = \frac{\overline{M}.\Delta P}{P_0.P_1}\)

Tương tự:  \(\Delta S_2^M = \frac{\overline{M}.\Delta P}{P_1.P_2}\)

Như vậy: \(\Delta r_1 = \frac{\Delta S_1^m}{L^r_m} = \frac{\overline{M}.\Delta P}{L^r_m.P_0.P_1}\)               và          \(\Delta r_2 = \frac{\overline{M}.\Delta P}{L^r_m.P_1.P_2}\)

Vì P2 > P0 do đó \(|\Delta r_2| < |\Delta r_1|\)

Nghĩa là đường LM sẽ lần lượt dịch chuyển lên trên với các khoản nhỏ dần khi P tăng dần, được thể hiện trên đồ thị 7.1:

2. Sự hình thành đường AD: AD = f(P)

Đường tổng cầu mô tả mối quan hệ giữa tổng chi tiêu dự kiến của nền kinh tế với mức giá chung, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Do đó để xây dựng đường AD theo P, chúng ta chỉ cho P thay đổi, các yếu tố còn lại: cung tiền danh nghĩa và tổng cầu tự định không đổi.

  • Giả sử tổng cầu tự định ban đầu là Ao, thị trường hàng hóa sẽ cân bằng ở bất cứ điểm nào nằm trên đường IS (đồ thị 7.2a).

 

Còn thị trường tiền tệ: với mức cung tiền danh nghĩa cho trước là \(\overline{M}\):

  • Nếu ban đầu mức giá chung là P0, mức cung tiền thực SM = \(\overline{M}/P_0\), thị trường tiền tệ cân bằng được mô tả trên đường LM (\(\overline{M}/P_0\)). Điểm cân bằng chung E0(Y0,r0) là giao điểm của đường IS(Ao) và đường LM(\(\overline{M}/P_0\)), với sản lượng cân bằng là Y0 trên đồ thị 7.2a.

\(\implies\) Khi mức giá là P0 thì sản lượng cân bằng là Y0, ta xác định điểm E0(Y0,P0) trên đồ thị 7.2b.

  • Giả sử sau đó mức giá chung tăng lên là P1, cung tiền thực sẽ giảm xuống \(S_1^M = \overline{M}/P_1\), đường LM dịch chuyển lên trên là LM1(\(\overline{M}/P_1\)). Giao điểm của đường IS(Ao) và đường LM1(\(\overline{M}/P_1\)) xác định sản lượng cân bằng mới là Y1 (điểm E1(Y1,r1) trên đồ thị 7.2a)

Như vậy khi mức giá chung là P thì sản lượng cân bằng chung là Yp ta xác định điểm E1(Y1,P1) trên đồ thị 7.2b.

  • Tương tự, khi giá tiếp tục tăng lên P2, mức cung tiền thực tiếp tục giảm xuống \(S_2^M = \overline{M}/P_2\), đường LM dịch chuyển lên trên là LM2(\(\overline{M}/P_2\)). Điểm cân bằng tương ứng là E2(Y2,r2) trên đồ thị 7.2a. Với mức giá là P2, thì sản lượng cân bằng là Y2, ta xác định điểm E2(Y2,P2) trên đồ thị 7.2b.

Nối các điểm E0, E1, E2 trên đồ thị 7.2b ta có đường tổng cầu AD(Ao,\(\overline{M}\)).

Như vậy: Đường tổng cầu AD là tập hợp các phối hợp khác nhau giữa mức giá chung và sản lượng hàng hóa tiêu thụ, mà tại đồ thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ luôn cân bằng.

Đường AD dốc xuống về bên phải, phản ánh tình trạng khi mức giá chung giảm xuống, lượng cung tiền thực sẽ tăng lên, làm giảm lãi suất, do đó đầu tư tăng, tổng cầu tăng dẫn đến sản lượng tăng lên để giữ cho thị trường hàng hoá và thị trường tiền tệ cân bằng. Đường IS càng dốc, đường AD càng dốc.

3. Sự dịch chuyển đường AD

Khi mức giá chung không đổi, các yếu tố khác thay đổi như mức cung tiền danh nghĩa và tổng cầu tự định thay đổi, sẽ làm dịch chuyển đường AD.

3.1 Lượng cung tiền danh nghĩa(\(\overline{M}\)) thay đổi

Trong điều kiện P không đổi, lượng cung tiền danh nghĩa tăng, lượng cung tiền thực tăng, đường LM dịch chuyển xuống dưới cắt đường IS ở sản lượng cao hơn. Kết quả đường AD sẽ dịch chuyển sang phải và ngược lại.

Chúng ta xem đồ thị 7.3:

 

Với P =  P0:

  • Khi mức cung tiền danh nghĩa ban đầu \(\overline{M}\), ta có sản lượng cân bằng Y0, tương ứng điểm E0(Y0, P0) trên đường AD
  • Nếu cung tiền danh nghĩa tăng lên \(\overline{M_1}\), cung tiền thực do đó tăng lên, đường LM dịch chuyển xuống dưới là LM1 cắt đường IS ở sản lượng cân bằng mới tăng lên Y1, tương ứng với điểm E1(Y1,P0) trên đường AD1.

3.2 Tổng cầu tự định (Ao) thay đổi

 

Trong điều kiện P không đổi, tổng cầu tự định tăng từ Ao lên A1, đường IS dịch chuyển sang phải sẽ cắt những đường LM ở những mức sản lượng lớn hơn. Kết quả đường AD sẽ dịch chuyển sang phải và ngược lại.

Ta xem đồ thị 7.4:

Trên đồ thị 7.4:

  • Ban đầu với mức giá P0, nền kinh tế cân bằng ở E0(Y0, P0)
  • Giả sử tổng cầu tự định tăng lên là A1 đường IS dịch chuyển sang phải là IS1 cắt đường LM ở sản lượng cân bằng mới Y1, tương ứng với điểm E1(Y1,P0) trên đường AD1 (H.7.4b)

4. Phương trình đường AD: AD = f(P)

Mọi điểm nằm trên đường AD thể hiện sự cân bằng trên cả hai thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ khi mức giá chung thay đổi. Do đó, phương trình đường AD luôn thỏa hệ phương trình:

\(\begin{cases} IS: Y = AD & \quad (1)\\ LM: \frac{\overline{M}}{P} = L^M & \quad (2) \end{cases}\)

Vỉ dụ 1: Ta có hệ phương trình:

\(\begin{cases} IS: Y = 3.200 - 40r & \quad \\ LM: r=10+0,01Y - 10.500/P & \quad \end{cases}\)

\(\implies\) Phương trình đường AD có dạng:

Y = 3.200 - 40(10 + 0,01Y - 10.500/P)

Y = 2.000 + 300.000/P

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?