Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài giảng Bài 1: Những vấn đề chung về pháp luật lao động sau đây để tìm hiểu về những vấn đề được quy định trong pháp luật lao động, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động Việt Nam.
Tóm tắt lý thuyết
1. Những vấn đề được quy định trong pháp luật lao động
Pháp luật lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện NSDLĐ trong quan hệ lao động (QHLĐ) và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến QHLĐ; quản lí nhà nước về lao động (Điều 1 BLLĐ).
- Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ và NSDLĐ.
- NLĐ là người từ dủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), được trả lương và chịu sự quản lí, điều hành của NSDLĐ.
- NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.
- Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là BCH Công đoàn cơ sở hoặc BCH Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở.
- Tổ chức đại diện NSDLĐ là tổ chức được thành lập hợp pháp, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NSDLĐ trong QHLĐ.
Các quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp đến QHLĐ được pháp luật lao động điều chỉnh bao gồm: Quan hệ xã hội về việc làm, học nghề, cho thuê lại lao động, bồi thường thiệt hại, BHXH; Quan hệ xã hội giữa tổ chức đại diện tập thể NLĐ với NSDLĐ; Quan hệ xã hội trong việc giải quyết TCLĐ và đình công; Quản lí nhà nước về lao động.
2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động Việt Nam
Pháp luật lao động Việt Nam có các nguyên tắc sau: Bảo vệ NLĐ; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ; Kết hợp hài hoà giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; Tôn trọng và nghiêm chỉnh tuân thủ những quy phạm pháp luật lao động quốc tế đã phê chuẩn.