1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Nguyễn Trãi người anh hùng của dân tộc được cả thế giới biết đến.
- Một nhà quân sự nổi tiếng có công sáng lập ra nhà Hậu Lê và cũng là nhà thơ lớn.
- Cuộc đời ông có nhiều điều uất ức và bi thảm nhưng ông để lại nhiều giá trị văn học cho hậu thế.
b. Thân bài:
* Cuộc đời và sự nghiệp:
- Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu Ức Trai, quê gốc ở Hải Dương.
- Nguyễn Trãi là con của gia đình có truyền thống yêu nước, văn học.
- Vào năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, cả cha và con đều làm quan.
- Năm 1407, nhà Hồ khởi nghĩa thất bại, giặc Minh chiếm nước ta, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc, còn ông Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống giặc.
- Vào những năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi trước quân Minh, đó cũng là thời gian mà ông viết “Bình Ngô đại cáo”.
- Chỉ sau thời gian ngắn, triều đình lục đục, gian lận lộng hành, ông xin về ở ẩn.
- Vua mời ông ra phụ giúp việc nước nhưng vào năm 1442 ông dính vào vụ án Lệ chi Viên nổi tiếng, gia đình 3 đời bị xử trảm.
- Vụ án Lệ Chi Viên vụ án oan trong lịch sử và được vua Lê Thánh Tông minh oan vào năm 1464.
- Nguyễn Trãi được minh oan và trong sạch để lại tiếng thơm muôn đời.
- Nguyễn Trãi chính thức trở thành danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980.
* Đóng góp vào văn học:
- Không chỉ là nhà quân sự, Nguyễn Trãi có rất nhiều những đóng góp quan trọng vào văn học đương thời và có giá trị đến hiện nay.
- Nguyễn Trãi nhiều tác phẩm nổi tiếng văn chính luận, thơ trữ tình. Các tác phẩm của ông được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán
+ Ông là nhà thơ trữ tình xuất sắc với các tập thơ: “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập”. Qua đó đã khắc họa được hình tượng người anh hùng vĩ đại với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân lúc nào cũng thiết tha, mãnh liệt; phẩm chất và ý chí ngời sáng.
+ Thơ trữ tình Nguyễn Trãi có đóng góp lớn cho văn học dân tộc từ sự phát triển của ngôn ngữ (chữ Nôm), Việt hóa thể thơ Đường và sáng tạo ra thể thất ngôn xen lục ngôn. Thơ Nguyễn Trãi giàu hình ảnh ước lệ, nhưng cũng mang hơi thở cuộc sống, vừa có khuynh hướng trang nhã vừa có xu hướng bình dị.
+ Ông là nhà chính luận nổi tiếng: “Quân trung từ mệnh tập”, “Bình Ngô đại cáo”, các thể loại chiếu… Về tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những văn bản chính luận của Nguyễn Trãi là nhân nghĩa, yêu nước thương dân. Còn trong nghệ thuật, văn chính luận của ông đạt trình độ mẫu mực trong việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng biện pháp thích hợp; kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
=> Nguyễn Trãi là một thiên tài Văn học của dân tộc, thơ văn Nguyễn Trãi vừa kết tinh truyền thống Văn học Lý – Trần, vừa mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới. Các tác phẩm của ông đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân, lý tưởng nhân nghĩa. Thơ trữ tình của ông chân thực, giản dị và gần gũi với thực tế.
c. Kết bài:
- Nguyễn Trãi không chỉ suốt đời cống hiến cho sự nghiệp “trí quân trạch dân” mà còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc. Ông xứng đáng là người hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của thời đại.
- Cuộc đời của ông để lại nhiều đau thương, bị thảm nhưng tiếng thơm muôn đời và sự kính phục của thế hệ sau.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Nguyễn Trãi trong văn học Việt Nam thường được biết đến với vai trò là một tác gia nổi tiếng với nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau, mà ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn riêng biệt với nhiều tác phẩm xuất sắc. Đồng thời trong lịch sử Việt Nam Nguyễn Trãi còn là một nhà chính trị quân sự lỗi lạc và tài ba, với học vấn uyên thâm, tầm nhìn xa trông rộng, lòng yêu nước sâu sắc, Nguyễn Trãi đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, trở thành bậc khai quốc công thần đời đầu của triều Hậu Lê. Tuy nhiên bản thân Nguyễn Trãi dù đã lập nhiều công lao, đóng góp xây dựng đất nước nhiều năm thế nhưng lại phải chịu một kết cục thê thảm, liên lụy tam tộc, mà cho đến ngày nay các sử gia vẫn nhiều lần tranh cãi về sự kiện mang tên án oan Lệ Chi viên còn nhiều bí ẩn này.
Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn. Đó là vào những năm 1438 – 1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442. Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan.
Nguyễn Trãi (1380-1442), tên hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau đó gia đình ông dời đến ở Định Khê, Thường Tín, Hà Nội. Ông vốn xuất thân trong một gia đình danh giá, cả hai bên họ nội ngoại đều có truyền thống khoa cử, văn học, truyền thống yêu nước và có chức tước nhiều đời, chính vì thế ngay từ thuở nhỏ Nguyễn Trãi đã được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp, trở thành căn cơ cho sự nghiệp của ông sau này. Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long (sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh) là một nho sĩ hay, từng đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới triều Trần, mẹ ông là bà Trần Thị Thái con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Tuy nhiên, cuộc đời Nguyễn Trãi dù có vẻ là trải gấm hoa nhưng thực tế rằng ngay từ thuở nhỏ ông đã chịu nhiều mất mát đau thương, lúc vừa lên 5 tuổi thì mẹ ông bệnh mất, cha ông không đi tiếp bước nữa mà lặng lẽ một mình nuôi dưỡng các con. Đến năm 10 tuổi thì ông ngoại tức Tư đồ Trần Nguyên Đán người thân thiết và có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời Nguyễn Trãi cũng qua đời, để lại cho ông nhiều tiếc nuối. Nhưng không dừng lại ở đó, năm 1400 sau khi đã thi đỗ Thái học sinh dưới triều Hồ, hai cha con Nguyễn Trãi lập chí cùng phụng sự triều đại mới, thì biến cố xảy ra. Năm 1407, nhà Minh mượn cớ nhà Hồ lên ngôi bất chính, dẫn quân sang đàn áp, nhà Hồ sụp đổ, bản thân Nguyễn Phi Khanh bị giặc áp giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi muốn đi theo để tận hiếu, thế nhưng cha ông đã khuyên ông nên ở lại tìm cách báo thù rửa nhục cho đất nước và cho cha. Nguyễn Trãi vâng lệnh cha và từ biệt thân phụ ông tại ải Nam Quan, lần chia tay này cũng là lần cuối ông gặp mặt cha mình. Nguyễn Trãi quay về được Trương Phụ, viên quan nhà Minh chiêu dụ cho ra làm quan, nhưng với tấm lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, Nguyễn Trãi kiên quyết không cam chịu đầu hàng giặc. Điều này khiến Trương Phụ tức giận toan giết Nguyễn Trãi đề phòng hậu họa, thế nhưng Thượng thư Hoàng Phúc tiếc tài Nguyễn Trãi, nên tha chết cho ông và giam lỏng ông ở thành Đông Quan suốt 10 năm trời. Trong khoảng thời gian đằng đẵng đó, không rõ Nguyễn Trãi đã làm những gì, thế nhưng truyền rằng Nguyễn Trãi vẫn luôn canh cánh trong lòng tìm được một minh quân để phò tá, dẹp giặc Minh cứu nước. Và có lẽ rằng từ lâu đã nghe tiếng Lê Lợi thế nên Nguyễn Trãi đã tìm cách trốn khỏi thành Đông Quan và về dưới trướng của Lê Lợi, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, trở thành một vị quân sư tài ba, giỏi thao lược, có nhiều đóng góp to lớn cho sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, cũng như việc xây dựng một triều đại mới - triều Hậu Lê. Sau khi đại thắng giặc Minh, cuối năm 1427 đầu năm 1428, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô Đại cáo, đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Đại Việt, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tuyên bố chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn trước 15 vạn đại quân Minh, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tự chủ cho đất nước, khẳng định sức mạnh, ý chí dân tộc ta trước giặc ngoại xâm.
Tuy nhiên nhà Hậu Lê vừa thành lập không bao lâu, căn cơ còn chưa vững chắc thì Lê Thái Tổ băng hà, triều đình lâm vào khủng hoảng, với những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, hàng loạt các bậc khai quốc công thần đời đầu bị nghi kỵ, cho là có ý chuyên quyền, công cao chấn chủ, và bị thất sủng, trong đó có Nguyễn Trãi, bản thân ông đã không được tin dùng trong suốt 10 năm trời. Điều này khiến Nguyễn Trãi chán nản, bất đắc chí nên xin về ở ẩn tại Côn Sơn vào năm 1438. Đến năm 1439, vua Lê Thái Tông lại có ý mời ông ra giúp nước, Nguyễn Trãi thấy bản thân lại được vua tín nhiệm, thì vui mừng, dành nhiều tâm sức phụng sự đất nước, hăng hái tham gia các công cuộc kiến thiết, xây dựng hoàn thiện thể chế triều đình. Nhưng thật không may rằng, lần quay lại và được vua tin dùng này của ông đã dẫn gia đình ông đến một kết cục không thể vãn hồi. Trong lần đi tuần của Lê Thái Tông ở miền đông, Nguyễn Trãi đã mời vua vào nơi ở ẩn của mình tại Côn Sơn nghỉ ngơi, và cho người thiếp là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua. Không ngờ rằng vua chết bất đắc kỳ tử khi mới 21 tuổi, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị khép vào tội giết vua, phải chịu án tru di tam tộc, ngày nay người ta vẫn gọi là thảm án Lệ Chi viên, kết thúc cuộc đời nhiều vẻ vang nhưng cũng lắm thăng trầm của một danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Trãi còn mãi với thời gian là người anh hùng dân tộc kỳ tài nhưng cũng là người oan khuất nhất trong lịch sử. Nguyễn Trãi vừa là nhà thơ kiệt xuất vừa là danh nhân văn hoá thế giới. Thơ chữ Hán cũng như chữ Nôm của ông, chính luận hay trữ tình đều phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của một con người vĩ đại và con người đời thường. Ông là bông hoa đầu mùa của thơ Nôm Việt Nam.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Nguyễn Trãi (1380-1442) là nhà chính trị nổi tiếng. Ông đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới thời Hồ. Tuy gia thế hiển hách- mẹ là con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, cha là Nguyễn Ứng Long cũng làm quan lớn dưới triều nhà Trần nhưng Nguyễn Trãi sớm chịu những mất mát đau thương: tang mẹ lúc 5 tuổi, sau đó ông ngoại qua đời khi Nguyễn Trãi mới 10 tuổi. Sau khi đỗ Thái học sinh, ông cùng cha ra làm quan dưới triều nhà Hồ.
Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước ta, cha ông bị bắt sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi trốn thoát về đầu quân cho Lê Lợi. Tùy là người trung thành nhưng vì “ nợ nước, thù nhà” ông đành làm kẻ phản chủ. Dưới sự giúp đỡ của Nguyễn Trãi, quân Lam Sơn giành được thắng lợi. Ông hăm hở giúp vua việc nước nhưng bị gian thần ghen ghét, bị nghi ngờ, không được tin dùng nhiều. Năm 1439, NGuyễn Trãi xin về ở ẩn, nhưng đến 1440, vua trẻ Lê Thái Tông lại mời ông ra giúp nước. Năm 1442, nhà vua đi duyệt võ ở Chí Linh, có ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, rồi đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi bị gian thần vu cho tội giết vua và bị xử án tru di tam tộc.
Năm 1400, sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi ra thi, ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Còn cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn từ năm 1374, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư kiêm Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Năm 1406, nhà Minh đem quân sang xâm lược nước ta. Nhà Hồ đem quân ra chống cự, nhưng bị đánh bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở lại tìm con đường đánh giặc, cứu nước.
Ông vượt được vòng vây của giặc vào Thanh Hóa theo Lê Lợi. Ông trao cho Lê Lợi bản chiến lược đánh đuổi quân Minh - Bình Ngô sách "hiến mưu trước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người".
Thơ văn Nguyễn Trãi luôn thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên, nổi bật trong thơ văn Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa mang nội dung yêu nước, thương dân. Ông luôn một lòng suy nghĩ, tìm cách để đem lại sự yên bình cho dân. Ông yêu thiên nhiên và coi thiên nhiên là bầu bạn của mình.
Ông để lại nhiều tác phẩm thơ chữ Hán với thế giới thẩm mĩ phong phú, vừa trữ tình, trí tuệ, vừa hào hùng, lãng mạn. Về thơ Nôm, Nguyễn Trãi là người tiên phong và để lại những bài thơ giàu trí tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng ngôn ngữ tinh luyện trong sáng, đăng đối một cách cổ điển. Nguyễn Trãi là nhà thơ đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, ông cũng là người đã sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn, một hình thức khác với Đường Luật. Có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật tài đức có đủ, trí dũng song toàn trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Ông để lại nhiều tác phẩm thơ chữ Hán với thế giới thẩm mĩ phong phú, vừa trữ tình, trí tuệ, vừa hào hùng, lãng mạn. Về thơ Nôm, Nguyễn Trãi là người tiên phong và để lại những bài thơ giàu trí tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng ngôn ngữ tinh luyện trong sáng, đăng đối một cách cổ điển. Nguyễn Trãi là nhà thơ đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, ông cũng là người đã sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn, một hình thức khác với Đường Luật. Có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật tài đức có đủ, trí dũng song toàn trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Nguyễn Trãi đúng là một danh nhân lẫy lừng của dân tộc, ông tạo nền tảng cho văn học nước nhà, có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Ông là người đã dành hết cuộc đời mình để lo cho dân cho nước. Ghi nhớ công lao của Nguyễn Trãi, năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----