Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của con người. Nhờ có sự tham gia của ngôn ngữ vào việc tổ chức, điều chỉnh các hoạt động tâm lí mà tâm lí của con người khác hẳn về chất so với tâm lí của loài vật, đó là một công cụ góp phần làm cho tâm lí người mang tính mục đích, tính xã hội và tính khái quát.
Ngoài chức năng là công cụ của giao tiếp, ngôn ngữ còn là công cụ của tư duy và có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ hoạt động nhận thức của con người.
Bằng tác động của ngôn ngữ có thể gây nên những cảm giác trực tiếp ở con người. Ví dụ, về mùa đông nghe người khác xuýt xoa “Trời lạnh quá!” ta cũng thấy lạnh người. Mới nghe thấy từ “chua quá” ta cũng có thể “nhỏ rãi”! Dưới tác động của ngôn ngữ có thể làm thay đổi ngưỡng cảm giác và tính nhạy cảm của cảm giác. Sự tham gia của hệ thống tín hiệu thứ hai vào quá trình tri giác giúp cho các cảm giác thành phần được tổ hợp lại thành một chỉnh thể, một hình tượng trọn vẹn và gắn liền với một tên gọi cụ thể. Nhờ ngôn ngữ, con người có thể tiến hành sự tri giác có chủ định (có mục đích, có kế hoạch, có phương pháp), sự quan sát lâu dài đối với các sự vật, hiện tượng.
Ngôn ngữ cũng tham gia tích cực vào hoạt động trí nhớ, làm cho việc ghi nhớ, gìn giữ và nhớ lại của con người trở nên có chủ định, có ý nghĩa (chứ không máy móc). Đối với nhận thức lí tính thì ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngôn ngữ gắn liền với tư duy của con người, làm cho tư duy của họ khác về chất so với tư duy của con vật – nó mang tính gián tiếp, trừu tượng và khái quát. Ngôn ngữ còn là phương tiện để con người tiếp thu, lĩnh hội nền văn hoá xã hội, nâng cao hiệu biệt và kinh nghiệm của mình. Ngôn ngữ giúp con người chính xác hoá các hình ảnh của tưởng tượng đang nảy sinh, tách ra trong chúng những mặt cơ bản nhất, gắn chúng lại với nhau, cố định chúng lại bằng từ, giữ chúng lại trong trí nhớ. Nói tóm lại? ngôn ngữ làm cho tưởng tượng trở thành một quá trình có ý thức và được điều khiển.