Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:
Mở bài: Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
Thân bài
Giải thích vấn đề:
Người bi quan phàn nàn về cơn gió: Người có cái nhìn chán nản, tuyệt vọng, tiêu cực, không tin tưởng ở tương lai sẽ phàn nàn về những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều: Trái với người bi quan, người lạc quan luôn có cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai. Họ luôn chờ đợi và hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.
Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm: Người thực tế là những người hiểu rõ và sống với thực tại. Họ không ảo tưởng hão huyền. Bởi vậy, để đến đích, họ không “phàn nàn”, không “chờ đợi” mà chủ động “điều chỉnh”, thay đổi những thứ mình có cho phù hợp hoàn cảnh.
Để đến với thành công, con người không nên có thái độ bi quan, cũng không nên chờ đợi vào sự may mắn mà cần đối diện với thực tế, dám thay đổi bản thân.
Phân tích, chứng minh:
Sống thực tế giúp con người có cái nhìn, sự đánh giá đúng đắn về bản thân cũng như về thế giới khách quan. Từ đó, xác định cho mình những hướng đi, những con đường phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.
Sự nhận thức và tự nhận thức sẽ giúp những người thực tế biết cách tự thay đổi, điều chỉnh mình theo chiều hướng tích cực để vươn lên.
(Dẫn chứng cần cụ thể, tiêu biểu, thực tế)
Bình luận:
Phê phán những kẻ bi quan, cũng như những kẻ sống trong ảo tưởng, hão huyền.
Con người cần có lối sống thực tế, nhưng cần phân biệt thực tế với thực dụng - lối sống quá chú trọng vào vật chất và lợi ích cá nhân.
Sống thực tế nhưng con người cũng cần có những hi vọng và sự lạc quan. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thêm sự nỗ lực để vượt lên những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Kết bài
Tóm lại và nâng cao vấn đề nghị luận.
Câu 2:
Mã câu hỏi: 2093
Bàn về văn học dân gian, nhà văn M.Gorki nói: “Rất cần nêu lên rằng, trong văn học dân gian hoàn toàn không có bóng dáng của chủ nghĩa bi quan mặc dầu những người sáng tác văn học dân gian sống trong nhọc nhằn, cực khổ. Tập thể dường như vẫn có ý thức về tính bất diệt của mình và tin rằng mình sẽ chiến thắng tất cả những lực lượng thù địch”.
Bằng những hiểu biết của anh (chị) về truyện cổ tích, hãy làm sáng tỏ nhận định trên. (12 điểm)
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Hiểu đề. Biết cách làm bài nghị luận bàn về một ý kiến về văn học.
Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
Bố cục bài làm rõ ràng, mạch lạc. Hành văn trôi chảy. Bài viết có cảm xúc.
Không mắc lỗi chính tả thông thường.
Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt được các ý sau:
Mở bài: dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận.
Thân bài
Giải thích nhận định:
Tác giả của văn học dân gian là nhân dân lao động, những con người luôn sống trong nhọc nhằn, cực khổ, luôn thua thiệt và chịu nhiều bất công.
Trong tác phẩm, họ kể lại câu chuyện để nói về cuộc đời của mình, của tầng lớp mình.
Tuy vậy, cách nhìn, cách nghĩ của họ trong tác phẩm thì luôn ánh lên niềm tin, niềm lạc quan mãnh liệt về sự chiến thắng cái khổ, cái khó khăn để từ đó hy vọng một cách mãnh liệt nhất.
Chứng minh
Truyện cổ tích ra đời trong hoàn cảnh xã hội quá độ từ chế độ công xã nguyên thuỷ sang chế độ phong kiến và phát triển mạnh trong xã hội phong kiến. Đó là chế độ xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều mối quan hệ phức tạp, trong đó nổi lên là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp thống thống trị và bị trị. Sự phân chia giai cấp và mâu thuẫn đó thể hiện ở sự phân tuyến của nhân vật.
Qua truyện cổ tích, tác giả dân gian nói về cuộc sống cực khổ, nhọc nhằn, luôn chịu cảnh bất công của giai cấp mình.
Họ bị bóc lột sức lao động (Cây tre trăm đốt).
Họ bị lừa gạt (Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt).
Họ bị đối xử bất công, bị khinh rẻ, chịu nhiều thua thiệt (Cây khế, Sọ Dừa, Lấy vợ cóc…).
Cuộc sống nghèo khổ, khốn cùng (Chử Đồng Tử).
Truyện cổ tích không hề có bóng dáng của chủ nghĩa bi quan, mà luôn tin vào tập thể, tin vào sự chiến thắng của lẽ phải, điều thiện.
Trong đói nghèo, thiếu ăn, họ mơ về sự no ấm, đủ đầy (nồi cơm của Thạch Sanh, lâu đài của Chử Đồng Tử, đảo vàng trong Cây khế…).
Trong cảnh sống bất công, họ mơ về sự công bằng, dân chủ (Cây khế, Cây tre trăm đốt).
Họ tin vào sức mạnh của tình yêu có thể vượt qua những hố sâu ngăn cách về địa vị: chàng trai nghèo lấy được công chúa, cô gái nghèo lấy được vua.
Họ tin vào sức sống bất diệt của mình: cô Tấm chết đi sống lại nhiều lần, mỗi lần sống lại lại trở nên mạnh mẽ hơn; Sọ Dừa cởi bỏ lốt quái dị trở thành chàng trai khôi ngô..
Họ tin vào khả năng của mình sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu (Sọ Dừa, Lấy vợ cóc).
Sự xuất hiện của Tiên, Bụt cũng là ước mơ, niềm tin của nhân dân lao động về sức mạnh của lẽ phải, công lí và điều thiện.
Cách kết thúc có hậu của các truyện cổ tích thần kì chính là sự thể hiện niềm tin đạo đức, sự khẳng định lạc quan: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.
Đánh giá:
Truyện cổ tích ra đời trong hoàn cảnh xã hội có nhiều bất công. Tác giả dân gian không ngần ngại khi phơi bày thực trạng khốn cùng trong cuộc sống của mình. Song truyện cổ tích không hề gây cảm giác bi thương, bi luỵ bởi tinh thần lạc quan thấm đẫm trong các tác phẩm.
Tinh thần lạc quan chính là sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ vượt lên hoàn cảnh sống bất công, ngặt nghèo. Đây là giá trị nhân văn sâu sắc của truyện cổ tích.