Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Câu hỏi Tự luận (8 câu):
-
Phần Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
… Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình. Họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn, từ những việc nhỏ như thi vào trường đại học nào, học chuyên ngành gì, đến những chuyện lớn như đi đến đâu để phát triển sự nghiệp, lựa chọn ngành nghề nào, làm công việc gì. Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta. Không phải họ không muốn mà là không thể chịu trách nhiệm, kể cả bố mẹ chúng ta.
… Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách. Kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy, bất kì một cuộc sống lí tưởng, hạnh phúc, thành đạt nào, về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân họ.
(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)
-
Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Đoạn trích được viết theo theo phong cách ngôn ngữ chính luận.
-
Thao tác lập luận nào được sử dụng trong đoạn trích trên? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Đoạn trích trên sử dụng thao tác bình luận/phân tích.
-
Anh chị hiểu như thế nào về câu: Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách (1,0 điểm)
Xem đáp án - Học sinh có thể giải thích theo những cách khác nhau nhưng phải nêu được ý cơ bản:
- Khi không làm chủ cuộc đời mình, chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào mọi quyết định của người khác.
- Phó mặc tương lai, cuộc đời mình cho người khác thì chúng ta chỉ là những kẻ bàng quan, vô trách nhiệm.
- Học sinh chỉ cần trả lời 1 trong 2 ý trên. Diễn đạt dài dòng, lủng củng giám khảo có thể trừ từ 0,25 điểm đến 0,5 điểm.
-
Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm đó của tác giả không, vì sao? (1,0 điểm)
Xem đáp án - Học sinh có thể đồng tình hay phản bác nhưng lập luận phải chặt chẽ, hợp lí và có sức thuyết phục. Giám khảo căn cứ vào thực tế cách trả lời đề cho điểm.
-
Phần: Làm văn (7,0 điểm)
-
Nghị luận xã hội (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta”.
Xem đáp án - Yêu cầu về kỹ năng:
- Học sinh biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, kết cấu chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, bố cục cân đối, trình bày rõ ràng, tôn trọng người đọc.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng bài viết phải bảo đảm các ý sau:
- Mỗi cá nhân là người phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của chính mình.
- Mọi ý kiến đóng góp của những người chung quanh đều có tính chất tham khảo, định hướng chứ không mang tính quyết định.
- Thành công hay thất bại trong cuộc đời, chúng ta đều phải biết cách đón nhận và không nên đổ lỗi cho người khác.
- Liên hệ thực tế bản thân
- Biểu điểm:
- Điểm 2: Bài làm sâu sắc, có cảm xúc, văn viết lưu loát, đáp ứng tốt nội dung cơ bản và có dẫn chứng cụ thể.
- Điểm 1: Nắm được yêu cầu của đề song bài viết còn chung chung, thiếu dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn vụng.
- Điểm 0: Để giấy trắng.
-
Nghị luận văn học (5,0 điểm)
Từ đoạn trích “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân) trong sách Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, hãy trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hùng vĩ và hung bạo của con sông Đà.
Xem đáp án - Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học.
- Nắm vững kĩ năng phân tích hình tượng văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Tuân, tùy bút “Người lái đò sông Đà” và đoạn trích cùng tên, Học sinh biết cách chọn và phân tích những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật những cảm nhận của mình về hình tượng Sông Đà ở vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu được những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân cùng tùy bút “Người lái đò Sông Đà” và hình tượng con sông Đà với vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo. (0.5 điểm).
- Phân tích vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo của hình tượng sông Đà qua các ý (3,0 điểm):
- Vách đá thành của sông Đà
- Ghềnh thác sông Đà
- Vực xoáy, những cái hút nước chết người
- Sóng thác và thạch trận trên sông Đà
- Đánh giá (1,0 điểm):
- Tính cách hung bạo của sông Đà không chỉ thể hiện thiên nhiên Tây Bắc thật hùng vĩ, còn hoang sơ, bí ẩn rất cần đến bàn tay khai thác của con người mà còn nhấn mạnh khả năng phi thường của người lái đò - những con người đã chinh phục thiên nhiên nơi đây.
- Hình tượng sông Đà vừa là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bác nói riêng và đất nước nói chung, vừa như một cái nền để tôn vinh vẻ đẹp những người lao động ở nơi đây.
- Hình tượng sông Đà là kết tinh nét bút tài hoa, độc đáo và uyên bác trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, khơi gợi niềm tự hào về quê hương đất nước.
- Kết cấu đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài (0,5 điểm)
- Lưu ý:
- Nếu học sinh chỉ viết đoạn nhưng đầy đủ các ý cơ bản, tối đa 4,0 điểm.
- Nếu bài luận chỉ kể chuyện, không có dẫn chứng thì giám khảo có thể cho từ 2,0 - 2,5 điểm (nếu có luận điểm rõ ràng).
"Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn." → Không nghừng cố gắng, thành công sẽ đến.