-
Phần 1: Đọc - hiểu: (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.
Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,... Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.
Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.
Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.
Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài.
Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.
Xây dựng lên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va ”.
(Theo Nguyễn Khắc Viện; Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 Nâng cao - tập II, NXB GD- 2007)
-
Trong đoạn trích trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm)
Xem đáp án Thao tác lập luận chủ yếu là: so sánh.
-
Theo người viết, vì sao đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ trăn trở nhiều về số phận bản thân? (0,5 điểm)
Xem đáp án Vì thanh niên thời trước ai đã có phận nấy, sinh ra ở phận nào, theo phận ấy; bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu cứ thế mà ngồi vào Nghĩa là họ tuân theo sự sắp đặt của gia đình và hoàn toàn không có sự quyết định của bản thân.
-
Cũng theo người viết, vì sao thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ trăn trở về số phận? (1,0 điểm)
Xem đáp án - Thanh niên thời nay cần suy nghĩ trăn trở về số phận vì:
- Tuy cái phận vẫn còn nhưng trước mắt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường, cơ hội được chia đều cho mọi người.
- Ngày nay thanh niên có quyền lựa chọn và cố gắng ngoài ra còn có sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của mỗi cá nhân.
-
Bài học có ý nghĩa nhất đối với bản thân anh/chị qua đoạn vănbản? (1,0 điểm)
Xem đáp án - Nêu ra 1 bài học có ý nghĩa nhất đối với bản thân
- Lí giải hợp lí, thuyết phục
-
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến của học giả Nguyễn Khắc Viện trong phần Đọc hiểu “Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận.” (2,0 điểm)
Xem đáp án - Nội dung: Học sinh trình bày ngắn gọn suy nghĩ của mình theo yêu cầu. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần phải đảm bảo:
- Giải thích:
- Ý kiến của Nguyễn Khắc Viện có ý nghĩa: Tình yêu có được hạnh phúc hay đau khổ; nghề nghiệp có được như ý, thành công hay thất bại; lối sống có thuận lợi may mắn hay bất hạnh, rủi ro... không phải do sự định trước của số phận theo một thuyết duy tâm nào đó mà do chính bản thân con người quyết định.
- Bàn luận: Quan điểm trên là đúng đắn, khách quan vì:
- Cả 3 vấn đề: tình yêu, nghề nghiệp, lối sống đối với mỗi thanh niên trong xã hội ngày nay đều do bản thân mỗi người tự lựa chọn và có quyền được lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, năng lực, sở trường của mình
- Chính các yếu tố: năng lực, phẩm chất, tính cách, tâm hồn, ý chí, nghị lực.. .của mỗi người sẽ quyết định không nhỏ tới cuộc sống của chính họ (cho ví dụ minh họa)
- Bài học: Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh, sống chân thành, có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.
- Hình thức: Viết đúng cấu trúc của đoạn văn: có câu mở đoạn, các câu thân đoạn và câu kết đoạn. Các phần liên kết chặt chẽ, diễn đạt tốt và có cảm xúc.
-
Học sinh chọn một câu thích hợp (2a hoặc 2b) để làm bài. Nếu làm cả hai câu thì không được chấm.
2a. (Dành cho chương trình Cơ bản)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình ” của Nguyễn Thi. (5 điểm)
2b. (Dành cho chương trình chuyên)
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẫm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng lớn vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã.... Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng....
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
(Trích Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành)
Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh rừng xà nu trong đoạn văn. Từ đó bình luận ngắn gọn về tính sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thiên truyện. (5 điểm)
Xem đáp án - Chương trình cơ bản
- Yêu cầu chung:
- Về kiến thức: trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, cần làm rõ nội dung đề ra: vẻ đẹp của nhân vật Việt.
- Về kĩ năng: biết cách làm bài văn nghị luận về nhân vật, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Yêu cầu cụ thể: Học sinh có nhiều cách diễn đạt, tuy nhiên bài viết cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
- Đảm bảo cấu trúc bài luận
- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn, liên kết chặt chẽ, sáng tỏ vấn đề, phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Xác định vấn đề cần nghị luận
- Xác định đúng vấn đề: vẻ đẹp của nhân vật Việt.
- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thi, tác phẩm Những đứa con trong gia đình và nhân vật Việt
- Nội dung:
- Luận điểm 1: Khái quát về nhân vật gắn với cốt truyện
- Luận điểm 2: Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Việt
- Là cậu con trai mới lớn, tính tình vô tư, hồn nhiên, hiếu động và hiếu thắng. (Dẫn chứng)
- Là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu lòng yêu thương: gia đình, đồng đội (Dẫn chứng)
- Căm thù giặc, dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù xâm lược.( Dẫn chứng)
- ⇒ Việt là nhân vật điển hình cho thanh niên Nam bộ thời chống Mĩ: Sinh ra trong chiến tranh, chịu nhiều đau thương mất mát, giàu tình cảm, khát khao cầm súng trả thù nhà, đền nợ nước.
- Luận điểm 3: Nghệ thuật:
- Lối trần thuật nửa trực tiếp: Nhân vật Việt được khắc họa qua dòng hồi tưởng của chính nhân vật khiến hình tượng trở nên cụ thể, chân thực và sinh động.
- Phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật có chiều sâu
- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, đậm sắc thái Nam bộ.
- Đánh giá chung về nhân vật.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo và độc đáo, văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, bày tỏ được quan điểm của bản thân
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
- Dành cho chương trình Chuyên
- Yêu cầu chung:
- Về kiến thức: trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Nguyễn Trung Thành và truyện ngắn Rừng xà nu , cần làm rõ vẻ đẹp của hình tượng rừng xà nu trong đoạn trích.
- Về kĩ năng: biết cách làm bài văn nghị luận về nhân vật, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Yêu cầu cụ thể: Học sinh có nhiều cách diễn đạt, tuy nhiên bài viết cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
- Đảm bảo cấu trúc bài luận
- Trình bày đầy đủ các phần Mở, thân, kết. Phần mở biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân biết tổ chức thành nhiều đoạn, liên kết chặt chẽ, sáng tỏ vấn đề, phần kết khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Xác định vấn đề cần nghị luận
- Xác định đúng vấn đề: vẻ đẹp của hình tượng rừng xà nu trong đoạn trích và chất sử thi, cảm hứng lãng mạn trong thiên truyện
- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp
- Đảm bảo có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Trung Thành, truyện ngắn Rừng xà nu, hình tượng rừng xà nu và dẫn đoạn văn.
- Nội dung:
- Cảm nhận về hình ảnh rừng xà nu:
- Ý 1: Khái quát về đoạn văn (gắn với cốt truyện)
- Ý 2: Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng rừng xà nu trong đoạn trích
- Biểu tượng cho vẻ hùng vĩ, phóng khoáng của vùng đất Tây Nguyên (Dẫn chứng)
- Biểu tượng cho thân phận con người trong chiến tranh (Dẫn chứng)
- Biểu tượng cho sự sinh tồn mãnh liệt và sức sống bất khuất của đồng bào dân tộc ít người Tây Nguyên trong kháng chiến (Dẫn chứng)
- Biểu tượng cho các lớp người của dân làng Xô Man, tạo nên Chủ nghĩa anh hùng cách mạng miền Nam thời chống Mĩ (Dẫn chứng)
- Là hình ảnh giàu giá trị biểu tượng, trở thành hình tượng đẹp nhất đời văn của Nguyễn Trung Thành.
- Ý 3: Nghệ thuật:
- Ngôn ngữ chọn lọc, trau chuốt.
- Giọng điệu trang trọng, mang âm hưởng của một khúc sử thi.
- Hình ảnh mang tính đa nghĩa, giàu giá trị biểu tượng.
- Bình luận ngắn gọn về tính sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thiên truyện:
- Ý 1: Biểu hiện của tính sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thiên truyện:
- Chất sử thi thể hiện rõ ở cách nhà văn xây dựng hình tượng có ý nghĩa biểu tượng cao (Rừng cây mang thân phận con người; nhân vật dù là đám đông hay nhân vật nổi trội... đều biểu tượng cho phẩm chất con người Việt Nam kháng chiến...); cách kết cấu, lựa chọn hình ảnh, chi tiết, giọng điệu trang trọng....
- Cảm hứng lãng mạn vút lên từ hiện thực đau thương mà hùng tráng của cuộc chiến, ở niềm tin bất diệt, ở giọng điệu, hình ảnh hào hùng, tráng lệ...
- Ý 2: Đánh giá:
- Chất sử thi và lãng mạn giúp nhà văn tái hiện hiện thực đau thương mà hùng tráng của cả một dân tộc thời chống Mĩ, ngợi ca Chủ nghĩa anh hùng cách mạng miền Nam, có giá trị động viên, cổ vũ nhân dân ta quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.
- Chất sử thi và lãng mạn tạo nên sức hấp dẫn cho hình tượng, giá trị lâu bền cho thiên truyện.
- Đánh giá chung về hình tượng.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo và độc đáo, văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, bày tỏ được quan điểm của bản thân.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu