Đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2018-2019, Trường THPT Thái Bình
Câu hỏi Tự luận (7 câu):
-
Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Vịnh khoa thi Hương
(Trần Tế Xương)
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
-
Xác định bối cảnh giao tiếp rộng và bối cảnh giao tiếp hẹp trong bài thơ “Vịnh khoa thi hương”? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Bối cảnh giao tiếp rộng: xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX.
- Bối cảnh giao tiếp hẹp: Kì thi năm Đinh Dậu (1897) toàn quyền Pháp Pôn-đu-me cùng vợ đến dự.
-
Hai câu thơ đầu cho thấy kì thi có gì đặc biệt? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Kì thi có sự xáo trộn thiếu nề nếp quy củ trường thi ở Nam Định thi lẫn với trường thi Hà Nội.
- Nhà nước tổ chức chứ không phải triều đình.
-
Nhận xét hình ảnh sĩ tử và quan trường? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Sĩ tử lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác.
- Quan trường ậm ọe âm thanh ú ớ, nói không rõ tiếng, la lối hách dịch, vênh váo.
-
Chỉ ra đặc sắc nghệ thuật trong hai câu thơ 5, 6? Nêu tác dụng? (0,5 điểm)
Xem đáp án - Đối: lọng cắm rợp trời >< váy lê quét đất; quan sứ đến >< mụ đầm ra.
- Tác dụng: tác giả châm biếm mạnh mẽ hình ảnh quan sứ được đón tiếp trọng thể, mụ đầm ăn mặc diêm dúa, điệu đáng. Tất cả đều phô trương hình thức.
-
Viết đoạn văn phân tích tâm trạng, thái độ của nhà thơ trong hai câu thơ kết. (1.0 điểm)
Xem đáp án - Học sinh cần nêu được nội dung sau:
- Hai câu kết tác giả thức tỉnh các sĩ tử và nỗi xót xa của nhà thơ trước cảnh mất nước.
- Thấy được tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của nhà thơ.
-
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
Những cảm nhận sâu sắc của em về đoạn văn sau trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc thấy lại thêm buồn. Sống làm chi ở lính Mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái về theo tổ phụ cũng vinh, hơn còn mà chịu chữ đầu tây ở với man di rất khổ.
Xem đáp án - Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách trình bày một bài làm văn nghị luận văn học.
- Trình bày ngắn gọn, đủ ý, diễn đạt lưu loát.
- Bố cục rõ ràng. Văn có cảm xúc.
- Yêu cầu về kiến thức. Học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng bài viết cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Hiểu và giải thích được nghĩa của những từ ngữ
- Sống làm chi theo quân tả đạo: Câu hỏi nhưng khẳng định không bao giờ sống với giặc.
- Quăng vùa hương, xô bàn độc: Quăng đi bát hương, bàn thờ tổ tiên, gia tộc.
- Sống làm chi ở lính mã tà: Hỏi nhưng khẳng định: Không theo lính tây, không làm tay sai cho giặc.
- Uống rượu, ăn bánh mỳ nghe càng thêm hổ: sinh hoạt cùng với tây, nhưng lương tâm hổ thẹn, cắn dứt.
- Thà thác mà đặng câu địch khái: Thà chết đi mà thể hiện sự khẳng khái, ý chí tinh thần giống nòi.
- Về theo tổ phụ cũng vinh: Chết về với tổ tiên cũng cảm thấy vinh dự.
- Hơn còn chịu chữ đầu tây, ở với man di rất khổ: Không chịu đầu hàng giặc, theo giặc... là khổ nhục.
- Hiểu ý nghĩa đoạn văn:
- Lòng quyết tâm không theo giặc. Quan niệm rằng nếu đầu hàng giặc, theo giặc là tự chà đạp lên tổ tiên, nòi giống; hổ thẹn với lương tâm.
- Thà chết về theo tổ tiên còn hơn chịu đầu hàng giặc, sống theo cuộc sống của Tây thì khổ nhục vô cùng.
- Quan niệm sống đẹp của người nông dân nghĩa sĩ: chết vinh còn hơn sống nhục. Phẩm chất cao đẹp, đạo lý sáng ngời của người nông dân Nam Bộ nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.
- Mở rộng, liên hệ
- Phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh từ ngàn xưa.
- Tiếp nối truyền thống đạo lý sáng ngời của dân tộc.
- Thang điểm
- Điểm 7: Đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Bài viết còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 5-6: Đáp ứng được 2/3 các yêu cầu trên. Bài viết còn mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 3-4: Đáp ứng được 1-2 nội dung yêu cầu trên. Bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 1-2: Trình bày thiếu ý hoặc còn sơ sài ý, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
"Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn." → Không nghừng cố gắng, thành công sẽ đến.