Đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2018-2019, Trường THPT Bến Tre
Câu hỏi Tự luận (8 câu):
-
Phần 1: Đọc - hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 6:
"Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó ăn cùng. Những buổi tối khi lão uống rượu, thì nó ngồi dưới chân lão. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho trẻ."
-
Đoạn văn bản trên trích trong tác phẩm nào? Của nhà văn nào?
Xem đáp án Tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao
-
Nó trong đoạn trích là người hay con vật?
Xem đáp án Nhân vật "nó" trong đoạn văn bản là con chó. (con vật)
-
Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Xem đáp án Phương thức biểu đạt của đoạn văn bản là tự sự.
-
Đoạn trích đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Mấy lần?
Xem đáp án Biện pháp tu từ so sánh, 3 lần.
-
Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Xem đáp án Tác dụng: Làm nổi bật tình cảm yêu thương, quý mến của lão Hạc đối với con chó.
-
Nêu cảm nhận của em về tình cảm của ông lão đối với nhân vật "nó" trong đoạn văn bản. (khoảng 3 câu).
Xem đáp án - Học sinh có thể có nhiều cảm nhận khác nhau song cơ bản phải nêu được những nét sau:
- Đó là tình cảm của người cha dành cho đứa con đi xa của lão Hạc.
- Lão coi cậu Vàng chính là đứa con của mình và đối xử với nó không khác gì một con người, một người bạn để hàn huyên tâm sự.
-
Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ Cảnh ngày hè.
“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, Sđd)
Xem đáp án - Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu cụ thể:
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
- Trình bày đầy đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí, nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc, nhận thức của cá nhân.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ Cảnh ngày hè.
- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có các thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng. (5,0 điểm)
- Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ Cảnh ngày hè.
- Nêu cảm nhận chung về bài thơ. Sau đó triển khai làm rõ các ý chính về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi:
- Yêu thiên nhiên: Bức tranh thiên nhiên sinh động và đầy sức sống, sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật. Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, có sự đồng cảm với thiên nhiên mạnh mẽ nhưng tinh tế, sâu sắc.
- Yêu đời, yêu cuộc sống: Thiên nhiên qua cảm xúc của thi sĩ trở nên sống động, đáng yêu và đầy sức sống. Cảnh vật thanh bình, yên vui bởi sự thanh thản đang xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Âm thanh “lao xao chợ cá” dội về từ phía làng chài hay chính tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh “dân giàu đủ”.
- Tấm lòng ưu ái với dân, với nước: Yêu thiên nhiên, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng của ông thiết tha với con người, với dân, với nước. Câu kết bài thơ thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ hồn thơ Nguyễn Trãi không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Ông mong dân được ấm no, hạnh phúc, nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi: “khắp đòi phương”.
- Học sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.
- Sáng tạo
- Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…); viết văn giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
"Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn." → Không nghừng cố gắng, thành công sẽ đến.