Nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới đã được Lê Nin xây dựng để phân biệt với các Đảng cơ hội trong quốc tế II. Hồ Chí Minh khẳng định và phát triển các nguyên tắc đó như sau:
Một là, Nguyên tắc tập trung dân chủ Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc này theo quan điểm của Lê Nin, Người khẳng định đây là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, bao trùm quá trình tồn tại và phát triển của Đảng. Tập trung và dân chủ là hai mặt của nguyên tắc, có quan hệ khăng khít: Tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”
Rõ ràng để đạt được dân chủ phải từ hai phía: người chủ trì và người tham gia bàn bạc.
Tập trung: Đảng phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”29.
Hai là, Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh đã phân tích nguyên tắc này trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc”.
Tập thể lãnh đạo vì:
Một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của một vấn đề, không thấy hết mọi việc, không hiểu biết mọi chuyện.
Vì vậy cần nhiều người tham gia lãnh đạo vì: nhiều người thì nhiều kiến thức, người hiểu mặt này, người hiểu mặt kia, người hiểu việc này, người hiểu việc khác. Ý nghĩa của việc lãnh đạo tập thể rất đơn giản “Dại bầy hơn khôn độc”.
Cá nhân phụ trách vì: việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần: giao cho một người phụ trách, nếu giao cho một nhóm thì cũng cần có người phụ trách. Như thế công việc mới chạy, mới tránh dựa dẫm. ý nghĩa cũng đơn giản: nếu không giao cho cá nhân phụ trách thì giống: nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.
Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng hỏng việc. Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung.
Đây là nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng phải chú ý khắc phục tệ độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống dựa dẫm tập thể, không quyết đoán, sợ trách nhiệm.
Ba là, Nguyên tắc tự phê bình và phê bình
Đây là nguyên tắc do Lê Nin nêu ra, đó là nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Hồ Chí Minh gọi là luật phát triển của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu bị mất dần đi để hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Sở dĩ phải thực hiện nguyên tắc này vì Đảng từ trong dân lập nên, Đảng bao gồm những người ưu tú nhất, kiên quyết nhất, tiên tiến nhất nhưng trong Đảng cũng không tránh khỏi khuyết điểm, không phải mọi cá nhân đều hoàn thiện mà đều có cái thiện cái ác. Mặc khác những căn bệnh ngoài xã hội cũng ngấm vào Đảng. Do vậy phải thường xuyên tự phê bình và phê bình.
Người đã chỉ rõ: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”30. Mục đích của phê bình và tự phê bình là làm cho Đảng mạnh về chính trị - tư tưởng – tổ chức.
Đề cập tới thái độ, phương pháp phê bình – tự phê bình Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải được tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày, phải kiên quyết, thẳng thắn, không nể nang, phải trung thực, thành khẩn, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người cũng phê phán hiện tượng bao che, lảng tránh khuyết điểm hoặc dĩ hòa vi quý hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, vùi dập người khác.
Bốn là, Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác.
Sức mạnh vô địch của Đảng là tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức nghiêm minh của cán bộ, đảng viên.
Nghiêm minh là thuộc về tổ chức Đảng vì: đó là kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên, không phân biệt cán bộ lãnh đạo cao hay thấp, hay là cán bộ, đảng viên thường…tất cả đều phải bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, Pháp luận nhà nước.
Tự giác là thuộc về mỗi cán bộ, đảng viên: tuân thủ kỷ luật Đảng cũng phải tự giác, tự giác về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
Yêu cầu cao nhất của kỷ luật Đảng là chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt của Đảng. Mỗi đảng viên phải trở thành kiểu mẫu về chấp hành kỷ luật Đảng, kỷ luật của đoàn thể và cơ quan chính quyền nhà nước, có như vậy uy tín của Đảng mới cao, sức mạnh của Đảng mới được tăng cường.
Năm là, Nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng không những tăng cường sức mạnh của Đảng mà còn là cơ sở đoàn kết thống nhất trong toàn dân. Đoàn kết trong Đảng dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lê Nin, cương lĩnh đường lối, quan điểm và điều lệ Đảng, nghị quyết của tổ chức Đảng các cấp. Đoàn kết thống nhất trong Đảng còn trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng Đảng: Mở rộng dân chủ, tập trung, tự phê bình.
Đảng viên phải tu dưỡng đạo đức thường xuyên, chống chủ nghĩa cá nhân. Nhiệm vụ cách mạng càng phát triển thì sự đoàn kết thống nhất ngày càng quan trọng, càng phải được tăng cường.