Mỗi một trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội đều có những nội dung biểu hiện riêng biệt ở bốn yếu tố là: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan.
- Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại ở mức độ đáng kể. Không có sự xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì không có tội phạm
- Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ta hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Những biểu hiện (dấu hiệu) thuộc về khách quan của tội phạm gồm có: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Thuộc về mặt khách quan của tội phạm còn có các dấu hiệu như: phương tiện, công cụ phạm tội, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm
Trong các dấu hiệu nêu trên thì hành vi (khách quan) của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, không thể thiếu được của mọi loại tội phạm. Còn các dấu hiệu khác là những dấu hiệu bắt buộc nếu điều luật về tội phạm cụ thể có quy định.
- Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiệ hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội phạm nghiêm trọng do cố ý, người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu TNHS với mọi loại tội phạm.
Ngoài các dấu hiệu trên, chủ thể của một số tội phạm đòi hỏi phải có thêm một số dấu hiệu đặc biệt khác, vì chỉ khi có những dấu hiệu đó chủ thể mới có thể thực hiện hành vi phạm tội của những tội đó. Khoa học luật hình sự gọi chủ thể của những loại tội phạm này là chủ thể đặc biệt, ví dụ: Quân nhân, người có chức vụ...
- Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm, bao gồm: lỗi, mục đích và động cơ phạm tội. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải là hành vi được thực hiện một cách có lỗi (lỗi cố ý hoặc vô ý).
Một người sẽ bị coi là có lỗi khi thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho xã hội nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định trong khi người ấy hoàn toàn có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn 1 cách xử sự khác phù hợp với xã hội.
Động cơ và mục đích phạm tội là nội dung thuộc mặt chủ quan của một số loại tội nhất định.
Tóm lại, theo luật hình sự Việt Nam bất cứ một hành vi phạm tội nào cũng đều là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan, đều là hoạt động của con người cụ thể xâm hại hoặc đe doạ xâm hại những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Sự thống nhất của bốn yếu tố này là hình thức cấu trúc, thể hiện đầy đủ nội dung chính trị - xã hội của tội phạm.