Trong quá trình tồn tại và phát triển, các quan hệ kinh tế luôn chịu sự tác động điều chỉnh từ phía Nhà nước theo định hướng nhất định. Những quan hệ kinh tế chủ yếu tạo thành cơ sở kinh tế của nhà nước, được các quy phạm của Luật hiến pháp điều chỉnh và tổng hợp các quy phạm đó tạo thành chế định chế độ kinh tế. Trong chế độ kinh tế của nhà nước, các vấn đề cơ bản, chủ yếu làm cơ sở để xác định chế độ xã hội bao gồm: chính sách phát triển kinh tế, quan hệ về sở hữu, quan hệ sản xuất, những quan hệ về tổ chức quản lý nền kinh tế quốc dân... trong các quan hệ đó quan hệ về sở hữu đối với tư liệu sản xuất là nền tảng quyết định tính chất chế độ kinh tế.
Trước đây nền kinh tế nước ta được quản lý theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính. Hiện nay nền kinh tế của nước ta là kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế cơ chế quản lý kinh tế có sự thay đổi. Điều 20 Hiến pháp 1992 quy định "Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp; bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ich của cá nhân, tập thể và nhà nước". Quản lý kinh tế bằng pháp luật là nguyên tắc quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Với những thuộc tính của mình, pháp luật xác lập các mối quan hệ phức tạp, cơ bản của chế độ kinh tế như quan hệ về sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ về lao động, phân phối sản phẩm xã hội, quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế khác...Bằng pháp luật, Nhà nước xác định chiên lược, mục tiêu phát triển kinh tế cũng như quy hoạch, cơ cấu nền kinh tế quốc dân, đưa ra những bảo đảm vận hành cơ chế quản lý để định hướng, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, hệ thống pháp luật về kinh tế của nước ta còn chưa hoàn thiện để điều chỉnh toàn diện, có hiệu quả đối với các quan hệ kinh tế đa dạng, vì vậy cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.
Để đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới, trên tinh thần Hiến pháp 1992 Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật môi trường, Luật đầu tư nước ngoài... đồng thời thiết lập Toà án kinh tế và các Toà án khác.
Xuất phát từ bản chất của nhà nước, các chính sách biện pháp phát triển kinh tế của Nhà nước ta đều nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân. Tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể Nhà nước đặt ra những mục đích chính sách kinh tế cụ thể. Hiện nay mục đích chính sách kinh tế ở Việt Nam là “làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân" (Điều 16 Hiến pháp 1992).
Chế độ sở hữu là yếu tố căn bản trong chế độ kinh yế của nhà nước. Hiến pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới đều quy định về chế độ sở hữu. Theo Hiến pháp 1992 hiện nay ở nước ta có các hình thức sở hữu chủ yếu sau: Sở hữu nhà nước (hay sở hữu toàn dân) bao gồm những tư liệu sản xuất chủ yếu, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế. Nhà nước là chủ thể của sở hữu toàn dân, Nhà nước giao tài sản thuộc sở hữu toàn dân cho các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.