Tuỳ thuộc vào sự khẳng định hay phủ định dấu hiệu của đối tượng tư tưởng, phán đoán đơn chia ra thành phán đoán đặc tính, phán đoán quan hệ, phán đoán hiện thực, phán đoán nhất quyết.
a/ Phán đoán đặc tính
Phán đoán đặc tính là phán đoán về dấu hiệu của đối tượng. Trong phán đoán đặc tính phản ánh sự khẳng định hay phủ định mối liên hệ của đối tượng với dấu hiệu của nó.
Ví dụ: - Hoa mai có mùi thơm.
- Đồng dẫn điện rất tốt.
- Kim cương là chất có độ rắn rất cao.
b/ Phán đoán nhất quyết
Trong lôgic truyền thống phán đoán đặc tính cón gọi là phán đoán nhất quyết, tức là phán đoán biểu thị dấu hiệu thuộc hay không thuộc về đối tượng. Phán đoán nhất quyết được phân chia theo chất lượng của từ nối và số lượng của chủ ngữ.
- Căn cứ vào chất lượng của từ nối có thể chia phán đoán nhất quyết thành phán đoán khẳng định và phán đoán phủ định.
+ Nếu từ nối chỉ ra dấu hiệu thuộc về đối tượng thì đó là phán đoán khẳng định.
Ví dụ: - Mọi tội phạm đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
- Một số sinh viên là cầu thủ bóng đá.
+ Nếu từ nối chỉ ra dấu hiệu không thuộc về đối tượng thì đó là phán đoán phủ định.
Ví dụ: - Mọi vật đều không tồn tại vĩnh viễn.
- Một số sinh viên không là cầu thủ bóng đá.
- Phân chia theo số lượng của chủ ngữ thì có thể chia phán đoán thành phán đoán đơn nhất, phán đoán riêng và phán đoán chung.
+ Phán đoán đơn nhất là phán đoán mà chủ ngữ chỉ nêu lên một đối tượng duy nhất. Ví dụ: Hùng là sinh viên.
+ Phán đoán riêng là phán đoán mà chủ ngữ bao gồm một phần đối tượng của lớp, dấu hiệu nhận biết là xuất hiện các lượng từ như: “một số”, “có những”, “phần lớn”…
Ví dụ: Phần lớn sinh viên Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt Hàn đều học giỏi.
Phán đoán riêng bao gồm phán đoán riêng xác định và phán đoán riêng không xác định.
+ Phán đoán chung là phán đoán trong đó ngoại diên của chủ ngữ nêu lên toàn bộ đối tượng của một lớp, dấu hiệu nhận biết là xuất hiện các lượng từ “tất cả”, “mọi”…
Ví dụ: Tất cả sinh viên đều tốt nghiệp phổ thông trung học.
Phán đoán chung bao gồm phán đoán nhấn mạnh và phán đoán loại trừ.
c/ Phán đoán quan hệ
Là phán đoán phản ánh quan hệ giữa các đối tượng. Phán đoán quan hệ có thể biểu thị các quan hệ của nhiều đối tượng.
Ví dụ: - Huế nằm giữa Đà Nẵng với Quảng Bình.
- Bình là anh của Lan.
d/ Phán đoán hiện thực
Phán đoán hiện thực là phán đoán khẳng định hay phủ định sự tồn tại của đối tượng trong thực tại.
Ví dụ: Các kết quả đều được khởi đầu bởi một hay nhiều nguyên nhân.