Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Tình cảm xót thương, và tự hào của tác giả và bức tượng đài bi tráng về hình tượng người nghĩa sĩ nông dân được tái hiện qua bài văn tế
1.2. Nghệ thuật
- Mang đậm sắc thái Nam bộ: ngôn ngữ, hành động, tính cách nhân vật....
- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và tính hiện thực
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật
2. Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chương trình chuẩn
2.1. Soạn bài tóm tắt
Câu 1: Đọc Tiểu dẫn, nắm những nét cơ bản về văn bản. Tìm bố cục bài văn tế này?
- Văn tế nói chung là loại văn đọc khi tế, cúng người chết (trong một số trường hợp đặc biệt cũng dùng để tế người sống). Nó nhằm bày tỏ lòng thương tiếc đối với người đã mất. Văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức, phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng thương xót sâu sắc.
- Bố cục gồm 4 phần:
- Câu 1 -2 (Lung khởi): Hoàn cảnh chiến đấu và hi sinh của nghĩa quân
- Câu 3 – 15 (Thích thực): Cuộc đời, cảnh chiến đấu anh dũng của nghĩa quân
- Câu 16 – 23 (Ai vãn): Sự hi sinh cao quý của người nghĩa quân
- Câu 24 – 30 (Kết): Niềm tự hào và thương tiếc về những người đã hi sinh
Câu 2: Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ tái hiện trong bài văn tế như thế nào? (Chú ý phân tích qua cả quá trình: hình ảnh họ trong cuộc sống đời thường, những biến chuyển khi quân giặc xâm phạm tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo, vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải trong trận nghĩa đánh Tây).
Theo anh (chị) đoạn văn miêu tả này đạt giá trị nghệ thuật cao ở những điểm nào? (về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật ngôn ngữ, bút phát trữ tình,…)
- Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được tái hiện trong bài văn tế thông qua vẻ đẹp bên ngoài bình dị, đời thường; vẻ đẹp bên trong là lòng dũng cảm, tinh thần vì nghĩa xả thân; khi đứng trước cảnh nước nhà bị xâm lăng họ vùng lên bằng tinh thần quật khởi.
- Đoạn văn sử dụng biện pháp so sánh, đặc tả, đối ngẫu. Ngôn từ vừa trang trọng vừa dân dã, mang đậm sắc thái Nam Bộ. Đồng thời, đoạn văn còn được xây dựng bằng những chi tiết chân thực kết hợp với chất trữ tình sâu lắng.
Câu 3: Tiếng khóc bi tráng của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc. Theo anh (chị) đó là những cảm xúc gì? Vì sao tiếng khóc bi thương này lại không hề bi lụy?
- Tiếng khóc bi tráng của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc: nỗi xót xa khi người nghĩa sĩ đã ra đi khi sự nghiệp còn chưa thành; xót thương vì cảnh gia đình mất người thân, cảnh mẹ khóc con, vợ khóc chồng; tiếng khóc xuất phát từ nỗi căm hơn những cảnh đã gây ra nghịch cảnh éo le và khóc vì uất ức trước cảnh đau thương của đất nước, của dân tộc.
- Tiếng khóc bi thương này không hề bi lụy là vì nó mang âm hưởng của niềm tự hào, sự khẳng định về ý nghĩa bất tử của cái chết vì nước, vì dân mà muôn đời sau con cháu vẫn tôn thờ.
Câu 4: Sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế chủ yếu là do những yếu tố nào? Hãy phân tích một số câu tiêu biểu.
- Sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế chủ yếu là do các các yếu tố: cảm xúc chân thành, đa giọng điệu (bi tráng, thống thiết, rưng rưng tha thiết,…)
- Những câu văn tiêu biểu như:
- Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại ánh trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
- Đâu đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1: Đọc Tiểu dẫn, nắm những nét cơ bản về văn tế. Tìm bố cục bài văn tế này?
- Văn tế: là loại văn thường gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất, văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng xót thương sâu sắc.
- Bố cục của bài văn tế gồm: 4 phần:
- Phần 1 từ lung đầu đến vang như mỏ: đây là cơ sở bàn bạc về lẽ sống và cái chết.
- Phần 2: Tiếp đến tàu đồng súng nổ: Đây nói về những công lao của những người chí dũng, những anh hùng đã thân vì đất nước những người chiến sĩ cần giuộc.
- Phần 3: tiếp đến dật dờ trước ngõ: đây là niềm xót thương đối với người đã khuất và tấm lòng xót thương sâu sắc của tác giả đối với những người đã hy sinh vì đất nước.
- Phần 4: Còn lại: Ca ngợi tinh thần bất diệt của những người chiến sĩ.
Câu 2: Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được tái hiện trong bài văn tế như thế nào? (chú ý phân tích qua cả quá trình: hình ảnh họ trong cuộc sống bình thường, những biến chuyển khi quân giặc xâm phạm tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo, vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải trong trận nghĩa đánh Tây.
Theo anh (chị) đoạn văn miêu tả này đạt giá trị nghệ thuật cao ở những điểm nào? (về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật ngôn ngữ, bút pháp trữ tình...)
- Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được tái hiện trong bài văn tế:
- Vẻ đẹp bên ngoài bình dị, đời thường: Ngoài cật một manh áo vải… Trong tay một ngọn tầm vông…
- Vẻ đẹp bên trong là lòng dũng cảm, là tinh thần xả thân vì nghĩa. Họ vốn là những người dân hiền lành chất phác:
- Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
- Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ.
- Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm; tập khiên tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
- Nhưng khi đất nước đứng trước nạn xâm lăng, họ đã vùng đứng lên bằng một tinh thần quật khởi đáng tự hào với một lòng căm thù giặc sâu sắc: … ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ; … muốn tới ăn gan, … muốn ra cắn cổ… Họ đánh giặc bằng những thứ vũ khí đơn giản nhưng với một sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Họ đã không thể chờ đợi những người có trách nhiệm. Nhà văn đã miêu tả tinh thần anh dũng của những người nghĩa sĩ bằng những hình ảnh:
- Hỏa mai đánh bằng ….
- Kẻ đâm ngang, người chém ngược…
→ Tác giả khắc họa hình thức bên ngoài, phẩm chất hiền lành chất phác mà anh dũng kiên cường, tinh thần tự giác đánh giặc, xả thân vì đất nước.
- Để xây dựng hình tượng nghệ thuật về những người nghĩa sĩ:
- Tác giả đã dùng hệ thống hình ảnh và ngôn ngữ bình dị, giàu cảm xúc, những từ ngữ giàu sức gợi. Hệ thống ngôn từ và hình ảnh đó đã góp phần làm cho hình tượng người nông dân nghĩa sĩ hiện lên với vẻ đẹp bình dị, gần gũi mà thiêng liêng cao quý.
- Nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh (Ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ), đặc tả (Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không…; Xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có), đối ngẫu (đối ý, đối thanh: chưa quen cung ngựa – chỉ biết ruộng trâu; nào đợi – chẳng thèm, đối hình ảnh: bữa thấy bòng bong – ngày xem ống khói). Người nghĩa sĩ trở thành hình tượng nghệ thuật trung tâm của tác phẩm
Câu 3: Tiếng khóc bi tráng của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc. Theo anh (chị) đó là những cảm xúc gì? Vì sao tiếng khóc bi thương này lại không hề bi lụy?
- Xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc:
- Cảm xúc về thái độ cảm phục và niềm xót thương vô hạn.
- Khẳng định phẩm chất cao đẹp của người nghĩa sĩ.
- Chia sẻ sâu sắc nỗi đau đối với những người thâm của các nghĩa sĩ.
→ Sự kết hợp nhiều nguồn cảm xúc ấy khiến cho tiếng khóc đâu thương nhưng không bi luỵ.
Câu 4: Sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế chủ yếu là do những yếu tố nào? Hãy phân tích một số câu tiêu biểu.
- Sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế chủ yếu là do những yếu tố:
- Cảm xúc chân thành, sâu nặng của Nguyễn Đình Chiểu
- Giọng điệu đa dạng với những câu văn bi tráng, thống thiết của bài văn tế, khi thì rưng rưng tha thiết, cam chịu nuốt hờn, khi thì khẳng khái dứt khoát, cương trực, chân chất.
- Những câu văn như:
- "Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ." → có sức gợi cảm xúc sâu xa trong lòng người.
- "Thà thác mà đặng câu địch khái, …. trôi theo dòng nước đổ." → gợi sự khẳng khái, dứt khoát...
Ngoài ra, các em có thể tham khảo bài giảng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để nắm vững kiến thức về bài văn tế này hơn.
3. Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chương trình Nâng cao
Câu 1: Dựa vào Tri thức đọc – hiểu, hãy xác định bố cục và nêu ý chính trong mỗi phần của bài văn tế.
- Bố cục gồm 4 phần:
- Câu 1 -2 (Lung khởi): Hoàn cảnh của nghĩa quân
- Câu 3 – 15 (Thích thực): Cuộc đời, cảnh chiến đấu anh dũng
- Câu 16 – 23 (Ai vãn): Sự hi sinh cao quý của người nghĩa quân Cần Giuộc
- Câu 24 – 30 (Kết): Niềm tự hào và thương tiếc về những người đã hi sinh
Câu 2: Hãy giải tích câu mở đầu “Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ”. Câu văn này có ý nghĩa như thế nào đối với tư tưởng của bài văn tế?
- Câu mở đầu “Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ” có hình thức đối ngẫu hai vế, trong đó “Súng giặc đất rền” là tình huống của “Lòng dân trời tỏ”. Khi giặc tới xâm lăng, người đầu tiên đứng lên chống giặc cứu nước là người dân.
- Câu văn này có ý nghĩa khái quát toàn bộ tư tưởng của bài văn tế: ca ngợi tấm gương hi sinh tự nguyện của những nghĩa sĩ có tấm lòng yêu nước.
Câu 3: Hãy phân tích những nét đặc sắc của hình tượng người nghĩa sĩ nông dân trong bài văn tế.
- Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được tái hiện trong bài văn tế thông qua vẻ đẹp bên ngoài bình dị, đời thường; vẻ đẹp bên trong là lòng dũng cảm, tinh thần vì nghĩa xả thân; khi đứng trước cảnh nước nhà bị xâm lăng họ vùng lên bằng tinh thần quật khởi.
Câu 4: Thái độ cảm phục và niềm xót thương vô hạn của tác giả đối với người nghĩa sĩ nông dân đã được diễn tả như thế nào?
- Thái độ cảm phục và niềm xót thương vô hạn của tác giả đối với người nghĩa sĩ nông dân được thể hiện thông qua phần Ai vãn (thương tiếc).
- Đó là sự thương xót cho những người nghĩa sĩ nông dân chí nguyện chưa thành mà đã hi sinh.
- Là sự xót thương cảnh mẹ già, vợ trẻ, con thơ mất đi người con, người chồng, người cha.
Câu 5: Hãy phân tích tính chất trữ tình, thủ pháp tương phản và việc sử dụng ngôn ngữ trong bài tế?
- Tính chất trữ tình được thể hiện rõ trong sự xót thương của tác giả, nhất làm phần Ai vãn.
- Thủ pháp tương phản được thể hiện trong đoạn “Mười năm công vỡ ruộng…ra tay bộ hổ”: cho thấy lòng căm thù giặc và sự anh dũng của người nông dân.
- Ngôn ngữ bình dị, giàu cảm xúc, từ ngữ giàu sức gợi.
Câu 6: Hãy nêu chủ đề của bài văn tế.
- Chủ đề của bài văn tế: ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, sẵn sàng hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc, từ đó khẳng định lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu của người Việt Nam. Đồng thời, bài văn tế cũng thể hiện được tấm lòng của tác giả với nghĩa sĩ.
4. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1: Nói về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: "Cái sống được ông cha ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục". Anh (chị) hãy viết một đoạn văn phân tích những câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh đó.
Gợi ý trả lời:
Các em có thể tham khảo gợi ý dưới đây:
- Các em có thể phân tích những câu văn dưới đây được trích từ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
- "Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ."
- "Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ."
- "Thà thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
5. Một số bài văn mẫu về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ hi sinh trong trận tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc. Để dễ dàng nắm được cách lập dàn bài chi tiết và viết bài văn mẫu, các em có thể tham khỏa một số bài văn mẫu dưới đây:
6. Hỏi đáp về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.