Soạn bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm

Hướng dẫn chi tiết

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nhu cầu biểu cảm 

  • Nhu cầu biểu cảm là tình cảm tốt đẹp, chất chứa, muốn biểu hiện cho người khác thì người ta có nhu cầu tìm các phương tiện để diễn đạt.

1.2. Văn biểu cảm

  • Khái niệm

    • Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc; sự đánh giá của con người và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.
    • Còn được gọi là văn trữ tình. Bao gồm các thể loại văn học như: Thơ trữ tình, Ca dao trữ tình, tùy bút, ...
  • Đặc điểm chung của văn biểu cảm

    • Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn (như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét những thói tầm thường, độc ác…)

    • Có hai cách biểu cảm

      • Biểu cảm gián tiếp

      • Biểu cảm trực tiếp

    • Bài văn biểu cảm thường có bố cục ba phần như mọi bài văn khác là mở bài, thân bài, kết bài.
    • Tình cảm trong bài phải rõ ràng, trong sáng, chân thực thì bài văn biểu cảm mới giá trị.

2. Soạn bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm

2.1. Nhu cầu biểu cảm của con người

Câu 1.

a. Cho các câu ca dao sau

 

(1) "Thương thay con quốc giữa trời

Dầu kêu ra máu có người nào nghe".

 

"(2) Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát.

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông".

 

(3) "Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai".

b. Người ta đã thổ lộ tình cảm, cảm xúc gì trong các câu ca dao trên? Thổ lộ như vậy để làm gì?

  • Cảm xúc ở hai bài ca dao
    • Bài 1: Nỗi khổ đau bất lực của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội.
    • Bài 2: Niềm rạo rực phơi phới của người con gái trước cánh đồng lúa và tuổi xuân của mình.
  • Thổ lộ như vậy nhằm lý do
    • Người ta thổ lộ tình cảm là để phô bày lòng mình, để khơi gợi lòng đồng cảm của người khác với nhu cầu được chia sẻ.
    • Khi con người có những niềm vui hay nỗi buồn thì người ta có nhu cầu làm văn biểu cảm.

c. Khi viết thư cho bạn bè, em có bộc lộ tình cảm không? Bộc lộ như vậy để làm gì?

  • Khi viết thư, người ta thường hướng tới hai mục đích chính: thông tin và giao lưu tình cảm.
  • Lý do
    • Bạn bè là những người gần gũi, có thể đồng cảm, chia sẻ tình cảm với mình.
    • Trong mỗi bức thư, có khi ngay sự thăm hỏi, thông tin cho nhau cũng đã mang ý nghĩa biểu cảm, chưa nói rằng qua thư người ta có thể trực tiếp giãi bày tâm sự, chia sẻ cho nhau những nỗi buồn, niềm vui, để hiểu nhau hơn và cùng nhau sống tốt hơn.
    • Không mở lòng ra với người thì người sẽ khép lòng lại trước ta.

2.2. Đặc điểm chung của văn biểu cảm

Câu 2. 

a. Đọc hai đoạn văn sau đây và cho biết chúng biểu đạt những gì? Hãy so sánh nội dung biểu đạt của hai đoạn văn này với nội dung biểu đạt của văn tự sự và miêu tả.

(1) Thảo thương nhớ ơi! Mới ngày nào Thảo còn ngồi chung một bàn với Hồng, Minh, Ngọc, thế mà nay Thảo đã theo cha mẹ vào Thành phố Hồ Chí Minh, để cho bọn mình xiết bao mong nhớ. Thảo có nhớ những lần chúng mình cùng dạo Hồ Tây, cùng chơi Thủ Lệ, cùng tham quan Ao Vua? Thảo có nhớ một lần mình ốm dài, Thảo chép bài cho mình?

(Bài làm của học sinh)

(2) Trên đài, một người con gái nào đó vừa hát một bài dân ca của đất nước ta trong đêm khuya. Bây giờ tất cả im lặng rồi, giọt sao ngoài khung cửa đọng lại, đứng im, không nháy nữa, đêm đã đi vào chiều sâu, mà vẫn còn nghe âm vang mãi giọng hát của người con gái lúc nãy. Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khoé mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng... Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở trong đó một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa, mẹ ta đã chôn nhúm rau của ta thủa ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm làng và những cánh đồng sau một ngày lao động và chiến đấu.

(Nguyên Ngọc, Đường chúng ta đi)

  • Nội dung của hai đoạn văn.
    • Đoạn 1: Người viết thư đã nhắc lại những kỉ niệm giữa mình và Thảo, qua đó thể hiện nỗi niềm thương nhớ.
    • Đoạn 2: Sự liên tưởng và sự xúc động thiêng liêng của nhà văn Nguyên Ngọc khi nghe tiếng hát dân ca trong đêm khuya.
  • So sánh: So sánh nội dung của hai đoạn văn trên với nội dung của văn tự sự và miêu tả, ta thấy nội dung hai đoạn văn trên thiên về biểu hiện suy nghĩ của tâm hồn người viết.

 b. Theo em, tình cảm, cảm xúc trong văn biểu cảm cần phải như thế nào? Nó hướng con người ta tới cái gì? Mang ý nghĩa ra sao với cuộc sống?

  • Tình cảm, cảm xúc trong văn biểu cảm phải mang giá trị nhân văn, có tác dụng hướng con người vươn tới cái đẹp đẽ, trong sáng, được mọi người thừa nhận.
  • Nếu có nội dung tình cảm tiêu cực, xấu xa thì chỉ có thể là đối tượng để người viết lên án, phê phán, để cuộc sống đẹp hơn, người đối xử với người tốt hơn,...

c. Ở hai đoạn văn trên, người viết đã thể hiện tình cảm của mình bằng cách nào?

  • Muốn biểu cảm được thì người viết phải biết sử dụng những cách thức cụ thể.
    • Đó là lối bộc bạch trực tiếp tình cảm như trong đoạn văn (1)
      • Các từ ngữ trực tiếp bộc lộ tình cảm như "thương nhớ ơi", "mới ngày nào" ... "thế mà", "xiết bao mong nhớ",... "còn là những kỉ niệm"
    • Thông qua miêu tả như trong đoạn văn (2).
      • Các hình ảnh gợi liên tưởng như giọng hát dân ca trong đêm, cánh cò, con đường làng,... 

⇒  Thể hiện sâu sắc những cung bậc cảm xúc, lay động lòng người,...

Các em có thể tham khảo thêm bài giảng tìm hiểu chung về văn biểu cảm để củng cố hơn nội dung bài học. 

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1.  Trong hai đoạn văn sau, đoạn nào là văn biểu cảm? Dựa vào đâu mà em cho là như vậy? Hãy chỉ ra nội dung biểu cảm của đoạn văn ấy.

(1) Hải đường: Loài cây nhỡ, họ chè, lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ một đến ba đoá ở gần ngọn cây, ngọn cành, có cuống dài, tràng hoa màu đỏ tía, nhị đực rất nhiều. Hoa nở ở Việt Nam vào dịp Tết âm lịch, đẹp, không thơm. Thường trồng làm cảnh.

(Theo Từ điển bách khoa nông nghiệp)

(2) Từ cổng vào, lần nào tôi cũng phải dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó, hai cây đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đoá ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc. Nhìn gần, hải đường có một màu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm. Tôi vốn không thich cái lối văn hoa của các nhà nho cứ muốn tôn xưng hoa hải đường bằng hình ảnh của những người đẹp vương giả. Sự thực ở nước ta hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý, nó sống khắp các vườn dân, cả đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng cây cũng vậy, lá to thật khoẻ, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn màu gỉ đồng, trông dân dã như cây chè đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ, nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ, cánh hoa khum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền. Bỗng nhớ năm xưa, lần đầu từ miền Nam ra Bắc lên thăm đền Hùng, tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm hoa hải đường nở đỏ núi Nghĩa Lĩnh.

(Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoa trái quanh tôi)

  • Hai đoạn văn
    • Đoạn 1 không phải là văn biểu cảm, chỉ miêu tả hoa hải đường dưới góc độ sinh học.
    • Đoạn 2 có giá trị biểu cảm
      • Dẫn chứng
        • Nhà văn bộc lộ sự yêu thích của mình đối với hoa hải đường “từ cổng vào, lần nào tôi cũng phải dừng lại ngắm những cây hải đường”, “Tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm”.
        • Nhà văn sử dụng rất nhiều sự liên tưởng so sánh, ẩn dụ, hồi ức… miêu tả sự lộng lẫy, kiều diễm của hoa để khơi gợi tình cảm yêu hoa ở bạn đọc: “Hàng trăm đóa hoa ở đầu cành phơi phới như một loài chào hạnh phúc”… “Màu đỏ thắm rất quý, hân hoan say đắm” “Những cánh hoa khum khum như muốn phong lại nụ cười má lúm đồng tiền”.
        • Tác giả vừa sử dụng biểu cảm trực tiếp và sử dụng biểu cảm gián tiếp (thông qua sự tự sự, miêu tả).
        • Văn bản này được viết theo thể loại tùy bút, thể loại đặc trưng của văn biểu cảm.

Câu 2. Hãy chỉ ra nội dung biểu cảm trong bài thơ "Sông núi nước Nam" và "Phò giá về kinh".

  • Nội dung biểu cảm của bài thơ không được thể hiện một cách trực tiếp mà ẩn kín vào bên trong câu chữ. Qua nội dung biểu ý của bài thơ ta có thể cảm nhận nội dung biểu cảm sau:
Bài Nội dung biểu cảm
Nam quốc sơn hà
  • Niềm tự hào về chủ quyền và cương vực lãnh thổ của đất nước.
  • Niềm tin vào chân lí, vào chiến thắng của dân tộc.

Phò giá về kinh

  • Cảm hứng tự hào, kiêu hãnh trước những chiến công của dân tộc.
  • Niềm tin và niềm yêu thương lo lắng cho đất nước. 

Câu 3. Kể tên một số văn bản biểu cảm hay mà em biết.

  • Các em có thể ghi tên những văn bản mà mình đã đọc ngoài chương trình hoặc trong chương trình.
    • Ngoài chương trình, các em có thể tham khảo một số văn bản
      • Sài Gòn tôi yêu (Minh Hương)
      • Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng)
    • Những văn bản biểu cảm hay mà các em đã được học
      • Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài)
      • Một thứ quà của núi non: Cốm (Thạch Lam)
      • Lao xao (Duy Khán)
      • Cây tre Việt Nam (Thép Mới)
      • Cô Tô (Nguyễn Tuân)
      • Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Xi-át-tơn)
      • Lòng yêu nước (I-li-a Ê-ren-bua)
      • Mẹ tôi (A-mi-xi)
      • Những câu hát về tình cảm gia đình
      • Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người…

Câu 4. Sưu tầm và chép ra giấy một đoạn văn xuôi biểu cảm.

  • Đoạn 1

“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sôn, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu, hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”…

“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

(Lòng yêu nước – Ê-ren-bua)

  • Đoạn 2

"Trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ. Việc như thế không bao giờ con được tái phạm nữa. En-ri-cô của bố ạ! Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy! Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi nhìn trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!... Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén cơn tức giận đối với con. Hãy nghĩ xem, En-ri-cô à! Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư? Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!"

(Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Mẹ tôi)

  • Đoạn 3

“… Hồi bé, đã bao lần tôi thả hồn tưởng tượng về những làng quê trong truyện đọc, nhưng chưa từng gặp một ngôi làng như nơi mình đang sống. Mười bảy tuổi, lên tàu Thống Nhất vào Nam, đến với miệt vườn sông nước; và sau này đi thực tế viết văn, làm báo, có dịp đến nhiều nơi nhưng tôi vẫ không thấy ở đâu giống ngôi làng thân thiết ấy!…

Làng tôi chẳng giống một làng nào bởi nó được ấp iu riêng trong kỉ niệm. Làng gần gụi, thiêng liêng và gợi nhớ như nỗi nôn nao của mỗi mùa thu nghe tiếng trống tựu trường, như cái giỏ tre bên hông bà ngoại trên đồng, như hương vị miếng trầu bà nội bỏm bẻm chiều nào trên chiếc võng.

Thì ra, thời gian có thể làm phôi phai nhiều thứ, nhưng kỉ niệm ấu thơ chẳng bao giờ phai nhạt. Phải chăng vì thế mà người ta có thể có những quê hương thứ hai nhưng cũng chỉ có một quê hương thứ nhất”.

(Nguyễn Trọng Hoàn, Quê hương thời thơ ấu,

báo Giáo dục thời đại, tháng 8 - 1985)

… “Đối với đồng bào tôi, mỗi tất đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mong trong đó kí ức của người da đỏ”.

(Bức thư của thủ lĩnh da đỏ - Xi-át-tơn)

4. Hỏi đáp về bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em. 

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?