Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Nhân cách cao cả, tấm lòng yêu nước của Trần Thủ Độ
- Người giữ nghiêm phép nước
- Chí công vô tư, thẳng thắn và luôn khích lệ cấp dưới làm như mình
- Cao thượng bao dung, không để tình riêng lấn át.
1.2. Nghệ thuật
- Các sự kiện đều bất ngờ, kịch tính cao
- Rất kiệm lời, không miêu tả nhiều mà nhân cách nhân vật vẫn hiện lên sâu sắc.
2. Soạn bài Thái sư Trần Thủ Độ chương trình chuẩn
Câu 1: Nêu những tình tiết liên quan đến Trần Thủ Độ. Mỗi tình tiết đã bộc lộ một khía cạnh nào về tính cách của ông? Từ đó, anh (chị) có nhận xét gì về nhân cách của Trần Thủ Độ?
- Những tình tiết liên quan đến Trần Thủ Độ:
- Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền thì Trần Thủ Độ nhận lỗi và xin vua ban thưởng cho viên quan dám nói thẳng → Tôn trọng sự thật, độ lượng, bản lĩnh
- Trước việc làm của người quản hiệu, Trần Thù Độ không những không trách móc mà còn thường cho vàng lụa. → chí công vô tự, tôn trọng luật pháp, không thiên vị
- Có người chạy chọt nhờ vợ ông xin cho làm chức Câu Đương, ông đã dạy cho tên này một bài học: muốn làm chức quan ấy, hắn phải chặt một ngón chân để phân biệt do "Ngươi vì có Công chúa xin cho ... "→ ông chủ động gìn giữ sự công bằng của phép nước, bài trừ tệ nạn chạy chọt, đút lót, dựa dẫm thân thích.
- Vua muốn phong chức cho người anh của Trần Thủ Độ, ông không đồng ý, thẳng thắn trình bày quan điểm nên lựa chọn người giỏi nhất, có thể là anh mình, có thể là mình, không nên hậu đãi cả hai sẽ làm rối việc triều chính → Ông luôn đặt việc công lên trên, không tư lơi, không gây bè cánh
- Nhận xét về nhân cách của Trần Thủ Độ: Ông là người cương trực, độ lượng, liêm khiết, vô tư, luôn đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, gia đình → một nhân cách cao đẹp, thanh cao.
Câu 2: Nêu những nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật của nhà viết sử (Chú ý những xung đột kịch tính, những bước ngoặt bất ngờ, thú vị trong các tình tiết làm nổi bật tính cách nhân vật).
- Những nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật của nhà viết sử:
- Xây dựng nhiều tình huống giàu kịch tính, lựa chọn chi tiết đắc giá, tuy dung lượng rất ngắn nhưng mỗi câu chuyện đều có xung đột, có kết cấu thắt nút - cao trào - mở nút, tình huống được giải quyết một cách bất ngờ.
- Ngôn từ hàm súc, tác giả chỉ kể chứ không bình luận. Lời kể khách quan, trung thành với sự thật → giúp người đọc phát huy tính chủ động trong việc đánh giá nhân vật trung tâm.
- Cách kể hấp dẫn, luôn gây được yếu tố bất ngờ: thể hiện trong các tình huống, khi xung đột được đẩy lên cao trào, người đọc rất bất ngờ về cách giải quyết không theo lôgic thông thường của Trần Thủ Độ. Ông luôn khiến người đọc khâm phục và cảm mến. Chính vì vậy, đoạn trích càng đọc càng hấp dẫn và thú vị hơn.
- Lối viết sử rất kiệm lời, không miêu tả phân tích tâm lí, nhân vật vẫn hiện lên sâu sắc
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thái sư Trần Thủ Độ để nắm toàn bộ kiến thức trọng tâm của bài học.
3. Soạn bài Thái sư Trần Thủ Độ chương trình Nâng cao
Câu 1: Cho biết Quốc Mẫu, Công Chúa là ai, có quan hệ như thế nào đối với Trần Thủ Độ?
Gợi ý:
- Quốc Mẫu, Công Chúa nguyên là hoàng hậu của vua Lí Huệ Tông. Khi nhà Lí mất, bà bị giáng làm công chúa rồi lấy Trần Thủ Độ.
Câu 2: Lập dàn ý cho đoạn trích Thái sư Trần Thủ Độ.
Gợi ý:
- Cám em tự lập dàn ý cho đoạn trích theo cách hiểu của bản thân.
Câu 3: Kể về cuộc đời Trần Thủ Độ, người viết sử đã chọn bốn sự kiện. Đó là những sự kiện nào? Hãy phân tích các sự kiện ấy. Qua đó, anh (chị) thấy Trần Thủ Độ là người như thế nào?
Gợi ý:
- Kể về cuộc đời của Trần Thủ Độ, tác giả chọn ra bốn sự kiện phản ánh bốn khía cạnh về nhân cách của vị quan nổi tiếng. Lối viết sử của tác giả hấp dẫn bởi gây được yếu tố bất ngờ, khiến người đọc hồi hộp đợi chờ. Cả bốn sự kiện, bao giờ kết quả cũng ngược với dự đoán của người đọc.
- Đối với người hạch tội mình: Thông thường, người ta ghét kẻ vạch tội lỗi hoặc khuyết điểm của mình. Nhưng Trần Thủ Độ không như vậy. Trước hết, ông nhận “Đúng như lời người ấy nói” và bất ngờ hơn: Lấy tiền lụa thưởng cho anh ta. Đó không chỉ là sự thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân mà còn khích lệ người trung trực, dũng cảm dám vạch sai lầm hoặc tội lỗi của kẻ bề trên là chính mình.
- Sự kiện người quân hiệu giữ thềm cấm cũng vậy. Người đọc hồi hộp chờ đợi khi Thủ Độ giận, sai đi bắt anh ta. Kết quả là Thủ Độ nói: “Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa”. Không những như vậy, ông còn lấy vàng lụa ban thưởng rồi cho về.
- Sự kiện người xin chức câu đương càng thủ vị. Thực ra câu đương chỉ là một chức xã quan trong thôn xóm, nếu như Quốc mẫu (vợ của Trần Thủ Độ) có xin cho người nhà thì cũng chẳng có gì quá đáng lắm. Hơn nữa, Trần Thủ Độ lại gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó. Hành động này khiến người đọc nghi ông đồng ý. Khi xét duyệt ông lại còn gọi người kia đến. Tiếng cười bật ra ở nghịch cảnh người ấy mừng chạy đến, tin chắc mình nhất định sẽ được giữ chức câu đương. Nhưng kết quả thì ngược lại, qua một câu nói của Trần Thủ Độ mà không ai có thể đoán trước được: “Người vì có Công chúa xin cho được làm chức, không ví như người câu đương khác được”. Đến đây, người đọc vẫn tin rằng, người nhà của Công chúa không chỉ được giữ chức câu đương mà chắc còn được ân sủng hơn. Nào ngờ Trần Thủ Độ hạ một câu: “phải chặt một ngón chân để phân biệt...”. Và kết quả là tên kia phải van xin thôi, hồi lâu mới tha cho. Việc làm của Trần Thủ Độ khiến cho từ đó không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.
- Thủ Độ cũng chống lại việc đưa anh em, họ hàng vào nắm chức vụ quan trọng trong triều đình, kéo bè kết đảng. Cách so sánh của ông, giữa mình và người anh thật bất ngờ nhưng cũng thật khảng khái, thể hiện sự chí công vô tư, tất cả vì lợi ích của quốc gia, khiến vua cũng phải tâm phục nghe theo.
Câu 4: Lối viết sử của tác giả hấp dẫn, tạo được yếu tố bất ngờ và có kịch tính nhưng lại kiệm lời. Hãy làm sáng tỏ điều đó qua đoạn trích.
Gợi ý:
- Mở nút mỗi sự kiện chỉ bằng 2 câu.
- Người viết ca ngợi nhân cách Trần Thủ Độ nhưng lại không có một câu nào ca ngợi.
4. Một số bài văn mẫu về bài Thái sư Trần Thủ Độ
Mod Ngữ văn sẽ cập nhật một số bài văn mẫu về Thái sư Trần Thủ Độ trong thời gian sớm nhất!
5. Hỏi đáp về bài Thái sư Trần Thủ Độ
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.