Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung
- Khái niệm nói quá
- Tác dụng của biện pháp tu từ nói quá
2. Hướng dẫn soạn Nói quá
Câu 1. Nói Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày tháng mười chưa cười đã tối và Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày có quá sự thật không? Thực chất, mấy câu này nhằm nói điều gì?
- Câu tục ngữ muốn nói về độ dài ngắn ngày đêm theo mùa khác biệt: tháng năm ngày dài đêm ngắn, còn tháng mười ngày ngắn đêm dài.
- Câu ca dao Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày: ý nói sự vất vả, cực nhọc.
→ Cách nói quá sự thật, phóng đại mức độ, tính chất của sự vật.
Câu 2. Cách nói như vậy có tác dụng gì?
- Cách nói phóng đại như vậy giúp nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho sự vật, sự việc, hiện tượng.
Để hiểu bài hơn, các em tham khảo bài giảng Nói quá.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Tìm biện pháp nói quá và giải thích ý nghĩa của chúng trong các ví dụ sau:
a)
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
(Hoàng Trung Thông, Bài ca vỡ đất)
b) Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được.
(Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng)
c) [...] Cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn mời hắn vào nhà xơi nước.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Gợi ý:
a) Biện pháp nói quá: Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
- Giải thích ý nghĩa: Niềm tin vào lao động và thành quả lao động.
b) Biện pháp nói quá: em có thể đi lên đến tận trời được.
- Giải thích ý nghĩa: Vết thương nhỏ nên không phải bận tâm.
c) Biện pháp nói quá: cụ bá thét ra lửa.
- Giải thích ý nghĩa: Kẻ có quyền uy, hống hách, hay quát tháo.
Câu 2. Điền các thành ngữ sau đây vào chỗ trống /.../ để tạo biện pháp tu từ nói quá: bầm gan tím ruột, chó ăn đá gà ăn sỏi, nở từng khúc ruột, ruột để ngoài da, vắt chân lên cổ.
a) Ở nơi /.../ thế này, cỏ không mọc nổi nữa là trồng rau, trồng cà.
b) Nhìn thấy tội ác của giặc, ai ai cũng /.../
c) Cô Nam tính tình xởi lởi,/.../
d) Lời khen của cô giáo làm cho nó /.../
e) Bọn giặc hoảng hồn /.../ mà chạy.
Gợi ý:
a) chó ăn đá gà ăn sỏi
b) bầm gan tím ruột.
c) ruột để ngoài da.
d) nở từng khúc ruột
e) vắt chân lên cổ
Câu 3. Đặt câu với các thành ngữ dùng biện pháp nói quá sau đây: nghiêng nước nghiêng thành, dời non lấp biển, lấp biển vá trời, mình đồng da sắt, nghĩ nát óc.
a) Cô ấy có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
b) Đoàn kết là sức mạnh dời non lấp biển.
c) Công việc lấp biển vá trời là công việc của nhiều đời, nhiều thế hệ mới có thể làm xong.
d) Những chiến sĩ mình đồng da sắt đã chiến thắng.
e) Mình nghĩ nát óc mà vẫn chưa giải được bài toán này.
Câu 4. Tìm năm thành ngữ so sánh có dùng biện pháp nói quá.
Mẫu: ngáy như sấm
Gợi ý:
- Đen như cột nhà cháy.
- Đẹp như tiên.
- Nhanh như sóc.
- Chậm như rùa.
- Khỏe như voi.
Câu 5*. Viết một đoạn văn hoặc làm một bài thơ có dùng biện pháp nói quá.
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo: "Râu rồng trời cho:.
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo: "Ngáy cho vui nhà".
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo: "Về nhà đỡ cơm".
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo: "Hoa thơm rắc đầu".
(Ca dao)
Câu 6*. (Thảo luận ở tổ hoặc ở lớp) Phân biệt biện pháp tu từ nói quá với nói khoác.
- Nói quá phóng đại sự việc nhằm nhấn mạnh, khẳng định, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm, tạo độ tin cậy cao cho người đọc.
- Nói khoác nhằm làm cho người nghe tin vào điều không có thực, tạo ra sự khôi hài hoặc chê bai tạo tiếng cười chế nhạo.
4. Hỏi đáp về bài Nói quá
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.