Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nghệ thuật
- Sử dụng phép nhân hóa
- Thể thơ tự do
- Nhịp thơ ngắn và nhanh
1.2. Nội dung
- Bài thơ miêu tả chính xác và sinh động cảnh vật thiên nhiên trước và trong cơn mưa rào ở làng quê.
- Bài thơ thể hiện tài năng quan sát và miêu tả thiên nhiên một cách hồn nhiên, tinh tế và độc đáo của Trần Đăng Khoa.
2. Soạn bài Mưa
2.1. Soạn bài tóm tắt
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1. Bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa tả cơn mưa ở vùng nào và vào mùa nào?
Cơn mưa được tả qua hai giai đoạn: lúc sắp mưa và lúc đang mưa. Dựa vào thứ tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của bài thơ.
Gợi ý:
- Bài thơ tả cơn mưa rào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
- Bài thơ tả cơn mưa qua hai giai đoạn trước và trong cơn mưa. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể chia bài thơ thành ba đoạn:
- Đoạn 1: "Sắp mưa" đến "Nhảy múa": Miêu tả khung cảnh sắp mưa.
- Đoạn 2: Tiếp theo đến "Cây lá hả hê": Quang cảnh trong cơn mưa.
- Đoạn 3: Bốn câu thơ còn lại: Hình ảnh người nông dân trong cơn mưa.
Câu 2. Nhận xét về thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ và nêu tác dụng đối với việc thể hiện nội dung (tả trận mưa rào ở làng quê).
- Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, với những câu dài ngắn khác nhau.
- Cách ngắt nhịp của tác giả hết sức linh hoạt 1, 2, 3, 4 chủ yếu nhất là nhịp 2.
- Cách gieo vần không tuân theo một quy định nào.
- Tác dụng
- Việc sử dụng thể thơ tự do đã tạo thuận lợi cho nhà thơ có thể diễn tả một cách tự do, phóng túng những quan sát của mình về con người, cảnh vật.
- Nhịp thơ ngắn gọn, xuống dòng liên tiếp giúp lột tả chân thực, sinh động về một cơn mưa mùa hạ nhanh, dữ dội, dồn dập.
Câu 3. Bài thơ miêu tả rất sinh động trạng thái và hoạt động của nhiều cây cối, loài vật trước và sau cơn mưa. Em hãy tìm hiểu:
a) Hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài lúc sắp mưa và trong cơn mưa. Tìm những động từ và tính từ miêu tả và nhận xét về việc sử dụng các từ ấy.
b) Nêu các trường hợp sử dụng phép nhân hoá để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp ấy trong một số trường hợp đặc sắc.
Gợi ý:
a) Tác giả đã sử dụng hàng loạt các động từ, tính từ miêu tả các sự vật rất độc đáo, thể hiện sự quan sát tinh tế:
- Mối trẻ bay cao; Mối già bay thấp
- Ông trời và kiến như chuẩn bị tham gia trận đánh nên mặc áo giáp đen, hành quân đầy đường.
- Mỗi sự vật đều đón chờ cơn mưa với niềm vui riêng thể hiện những tình cảm riêng, tính cách riêng:
- Cỏ gà rung tai nghe
- Bụi tre tần ngần gỡ tóc
- Hàng bưởi đu đưa bế lũ con
- Chớp khô khốc
- Sấm khanh khách cười
- Cây dừa sải tay bơi
- Ngọn mồng tơi nhảy múa.
- Việc sử dụng các động từ, tính từ như trên đã làm cho thế giới cây cối, loài vật trở nên phong phú, sinh động về tâm hồn như con người.
b) Phép nhân hoá được sử dụng rộng rãi và rất chính xác, ví dụ:
- "Ông trời mặc áo giáp đen - Ra trận - Muôn nghìn cây mía - Múa gươm - Kiến - Hành quân - Đầy dường..." - những hình ảnh nhân hoá đã tạo nên cảnh tượng một cuộc ra trận với khí thế mạnh mẽ, khẩn trương. "Ông trời - Mặc áo giáp đen" là cảnh những đám mây đen che phủ cả bầu trời như một lớp áo giáp của một dũng tướng ra trận. Còn "Muôn nghìn cây mía" lá nhọn, sắc quay cuồng trong gió được hình dung như những lưỡi gươm khua lên trong tay các chiến sĩ của một đội quân đông đảo; kiến đi từng đàn vội vã có hàng lối như một hàng quân đang hành quân khẩn trương.
Câu 4. Gần hết bài thơ chỉ miêu tả thiên nhiên, đến cuối bài mới hình ảnh con người:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa ...
Em hãy nhận xét về ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên trong hình ảnh trên.
- Tác giả chỉ dành 4 dòng cuối để tả con người.
- Ở đây tác giả miêu tả về một ông bố nông dân hết sức bình dị trở về nhà trong cơn mưa dữ dội. Nhưng trong cái nhìn của một cậu bé chín tuổi, hình ảnh đó trở nên lớn lao, khác thường. Tác giả đã dùng tới ba câu thơ, đều có từ "đội" đặt ở đầu câu: Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa. Với những động từ đó hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như một vị thần đội trời, đạp đất có sức mạnh có thể sánh ngang với thiên nhiên. Và khung cảnh cơn mưa được tác giả miêu tả ở những câu thơ trên càng mạnh mẽ, dữ dội càng tô đậm vẻ đẹp, tầm vóc của con người ở khổ thơ này.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Mưa để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Học thuộc lòng đoạn thơ từ đầu đến "Mù trắng nước".
- Học sinh học thuộc lòng.
Câu 2. Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố hay vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.
Gợi ý:
Quê em là vùng đất nắng lắm mưa nhiều. Những cơn mưa đầu hè luôn mang lại sự tươi mát cho vùng đất này. Mỗi buổi chiều, sau khi ông mặt trời dần đi về phía Tây chân trời lại có những cơn mưa nhỏ to xuất hiện. Dường như chúng chỉ đợi ông Mặt Trời nghỉ ngơi mới dám lẻn xuống trần gian.
Chiều hôm qua cũng vậy. Trời đang nắng to, khí trời thật ủ dột, oi bức, không có tới một cơn gió nào thổi qua cả. Cây cối đứng im lìm. Nắng như cái lò "bát quái" phả xuống mặt đất. Hàng chuối xơ xác đứng rủ lá. Chú chó nhà em nằm dài ngoài hiên, thè cái lưỡi ra thở hừng hực vì không chịu được nóng.
Bỗng nhiên trời đang nắng đó mà tối sầm ngay lại. Ông mặt trời sợ gì mà trốn đâu mất. Thấy vậy lũ gà nhao nhác chạy vào chuồng vì tưởng trời sắp tối. Từ phía xa xa, em đã nghe thấy tiếng gió rào rào chạy lại. Mây đen cũng rủ nhau ùn ùn kéo đến. Mây như mang hơi nước nặng trĩu che kín đen cả một góc trời. Gió mỗi lúc một giật mạnh, bốc từng đám cát bụi mù mịt như đáp vào mặt người đi đường ran rát. Trên đường, người mỗi lúc một thưa dần. Ai cũng cố đạp thật nhanh để về nhà cho kịp khỏi ướt.
Rồi, sấm nổ đùng đoàng. Chớp như xé toạc bầu trời đen kịt. Mưa bắt đầu rơi lộp bộp trên mái tôn. Tiếng mưa loong boong trong chiếc thùng hứng nước, đồm độp trên phiến nứa, gõ chan chát vào tàu lá chuối…
Lúc đầu, ngoài trời chỉ một vài hạt lách tách, càng về sau mưa càng to. Nước như thể có bao nhiêu trên trời là đổ xuống hết cả. Cây bòng bế lũ con đầu tròn trọc lốc múa may quay cuồng trong gió. Hàng cau nghiêng ngả như người say rượu. Ngoài vườn, những con ếch nhái thi nhau đuổi theo những con mối bị vỡ tổ. Trên đường, lũ trẻ thi nhau đuổi chạy tắm mưa. Hai bên đường, loáng thoáng bóng người trú mưa. Chỉ một lúc sau, sân nhà em đã lưng nước.
Thế nhưng, chỉ một lát sau mưa đã tạnh dần. Lũ gà chạy ra kiếm mồi. Trời rạng dần. Những chú chim lại bay ra hót ríu ran. Bầu trời như cao và xanh hơn. Ông mặt trời ló ra, chói lọi trên vòm lá bưởi lấp lánh.
Mưa đã ngớt nhưng nước vẫn chảy từ mái nhà xuống ồ ồ. Những rạch nước nhỏ lênh láng trên khoảng vườn. Hết mưa rồi. Mọi người lại vội vàng đổ ra đường tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Cơn mưa chiều qua đã làm cho đất trời quê em thêm sức sống mới. Nhờ cơn mưa này, lúa thêm tươi tốt. Em thầm nghĩ chắc năm nay quê mình lúa được mùa lắm đây.
4. Một số bài văn mẫu về bài thơ Mưa
Đang cập nhật!
5. Hỏi đáp về văn bản Mưa
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.