Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Bài thơ thể hiện sự đồng cảm của nhà thơ dành cho nàng tiểu thanh sau đó thể hiện sự chiêm nghiệm đồng cảm với chính cuộc đời và kiếp của mình. Qua đây ta thấy Nguyễn Du quả là một con người giàu lòng trắc ẩn.
1.2. Nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn bát cú
- Từ ngữ thơ sâu sắc, đầy triết lí
- Các biện pháp nghệ thuật
2. Soạn bài Đọc Tiểu Thanh kí chương trình chuẩn
2.1. Soạn bài tóm tắt
Câu 1: Theo anh (chị), vì sao Nguyễn Du lại xót thương cho số phận của Tiểu Thanh?
- Nguyễn Du đồng cảm với số phận của Tiểu Thanh vì:
- Ông là một người có lòng thương sâu sắc đối với con người, đặc biệt là những người khổ cực, bất hạnh, bị xã hội chà đạp.
- Ông thương cho số phận của Tiểu Thanh một người phụ nữ tài sắc mà phải hứng chịu những nỗi đau quá lớn, đặc biệt là khi chết đi rồi mà thơ vẫn bị đốt.
Câu 2: Câu “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” có nghĩa là gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?
- “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi”: những nỗi hận từ trước đến nay khó mà hỏi trời được.
- Nỗi hờn (hận) ở đây ý chỉ nỗi oan của những người tài hoa mà mệnh bạc.
Câu 3: Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ?
- Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều này cho thấy Nguyễn Du có một tấm lòng nhân đạo bao la và sâu sắc.
Câu 4: Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài?
- Vai trò của từng đoạn:
- Hai câu đề: mở bài: nêu lên khung cảnh gợi cảm hứng và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
- Hai câu thực: nêu lên những suy nghĩ về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh.
- Hai câu luận: khái quát, nâng vấn đề và liên hệ thân phận của nàng Tiểu Thanh với những bậc văn nhân tài tử, trong đó có bản thân nhà thơ.
- Hai câu kết: tiếng lòng của nhà thơ mong tìm được sự đồng cảm của người đời sau.
⇒ Như vậy từng đoạn đều nằm trong cảm hứng chung của bài thơ: sự xót thương và cảm thông với số phận của người con gái Tiểu Thanh, từ đó chạnh lòng mà nghĩ đến số phận của mình.
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1: Theo anh (chị), vì sao Nguyễn Du lại đồng cảm với số phận Tiểu Thanh?
- Nguyễn Du lại đồng cảm với số phận Tiểu Thanh vì:
- Nguyễn Du là một người có lòng thương người sâu sắc. Ông thương những người khổ cực, những số phận bất hạnh bị chà đạp trong xã hội cũ. Trong những con người đó, Nguyễn Du đặc biệt thương xót những người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh, và nỗi thương xót đó đã thành một cảm hứng lớn trong sáng tác của ông (“Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” - Truyện Kiều). Đó là lí do chung khiến ông đồng cảm với nhiều số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài sắc trong sáng tác của mình.
- Bên cạnh đó, còn có lí do riêng đối với trường hợp cụ thể của nàng Tiểu Thanh. Thường thì những người “cùng hội cùng thuyền” bao giờ cũng dễ đồng cảm với nhau ở mức da diết, sâu sắc. Nguyễn Du và Tiểu Thanh chính là những người như vậy:
- Nguyễn Du là người tài hoa, giỏi văn thơ nhưng cuộc đời lận đận, không may mắn. Có thể nói ông đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió...
- Nàng Tiểu Thanh cũng là người phụ nữ tài sắc, giỏi văn chương, âm nhạc, nhưng số phận cũng bất hạnh, chết sớm vì đau buồn ở tuổi 18; chết rồi mà thơ vẫn bị đốt. → Đây là lí do chủ yếu, quan trọng nhất khiến Nguyễn Du đồng cảm với số phận của nàng Tiểu Thanh. Câu thơ “Phong vận kì oan ngã tự cư” đã nói rõ điều đó: Nguyễn Du đồng cảm với thân phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh vì ông cũng có thân phận tương tự (“Ta tự thấy là người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã”; dịch thơ: Cái án phong lưu khách tự mang. Đó là sự đồng cảm tự nhiên mà sâu sắc của những người “cùng hội cùng thuyền”)
Câu 2: Câu "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi" có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?
- Câu "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi" có nghĩa:
- Ta có thể hiểu “nỗi hờn kim cổ” là bản dịch thơ dựa theo ý nghĩa của cụm từ: “Cổ kim hận sự” (nghĩa là: nỗi hận xưa nay). Qua cụm từ đó, ta thấy được cảm nhận của tác giả đối với nỗi oan tình của Tiểu Thanh là rất bất bình trước sự đối đãi bất công của số mệnh với người có tài năng. Nhà thơ có ý nói tới sự nghiệt ngã của tạo hóa luôn đối xử bất công với kẻ sĩ tài hoa là điều trước nay được nhiều nho sĩ dằn vặt, tự vấn mà không cách nào tìm ra lời đáp. Và nỗi đau khổ của người tài hoa bạc mệnh là nỗi buồn chung, nỗi hận chung mà kẻ sĩ trong thời đại nào cũng mang nặng.
- Tác giả cho là “khó có thể hỏi trời” – trong nguyên tác là “thiên nan vấn”, vì theo thi nhân, đây là nỗi khổ đã định sẵn cho cuộc đời người tài hoa, bởi con người có tài ấy đã làm trời xanh phải “ganh ghét” nên dù có làm cách nào thì con người khó mà làm thay đổi được số mệnh ấy. Tư tưởng này thể hiện sự bất lực của người xưa trước những bất công trong xã hội cũng là sự bất lực trước định kiến xã hội đối với người phụ nữ, nhất là người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn.
- Trong bài thơ, Nguyễn Du viết: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” nghĩa là nỗi hận đó từ xưa tới nay đều không thể giải đáp được, hỏi trời không thấu, hỏi đất không hay. Nguyễn Du đã khơi gợi lại nỗi đau muôn thuở của con người trước số phận, sự bất lực của người đối với vận mệnh trái ngang, nghiệt ngã.
- Tác giả cho là không thể hỏi trời được là vì:
- Từ xưa đến nay, luôn có một thông lệ vô cùng nghiệt ngã đó là ông trời luôn bất công với những con người tài sắc. Sự bất công ấy đâu chỉ đến với riêng người phụ nữ tài hoa bạc mệnh Tiểu Thanh mà còn là nỗi hận của bao người (những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...). Nỗi hận ấy từ hàng trăm năm nay đâu có gì thay đổi. Nỗi đau khổ dằn vặt tâm tư con người bao thời, tạo thành nỗi oan ức dường như không thể tìm được lời giải đáp nào tốt hơn ngoài: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” và con người trở nên bất lực trước cuộc đời, dù là tài hoa tới đâu vẫn phải chấp nhận số phận của mình mỏng manh, bất hạnh. Chính vì không thể giải đáp được sự bất công, ngang trái ấy nên con người mới phụ thuộc vào lực lượng thần linh tối cao trên trời mong tìm được lời giải đáp nhưng thực ra cũng không thể hỏi được trời, lại đi vào nỗi buồn quẩn quanh không biết làm thế nào mới giải đáp được, biến nỗi oan hờn đó thành: “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi".
Câu 3: Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ?
- Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh, điều đó nói gì về tấm lòng:
- Nguyễn Du không chỉ thương cảm và đồng cảm với riêng số phận của nàng Tiểu Thanh mà còn thể hiện sự thương cảm và đồng cảm với những người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh nói chung.
- Trước câu chuyện đã xảy ra rất lâu của một nữ sĩ có tài văn chương nhưng đoản mệnh, sống từ thời nhà Minh ở Trung Quốc (khoảng TK XVI), nhà thơ vẫn không khỏi xúc động tới mức viết thành một bài thơ. → Nguyễn Du mang một tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng thương người, tinh thần nhân đạo sâu sắc với số phận của con người. Niềm cảm thương đó của Nguyễn Du đã vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian, không những dành cho người phụ nữ mà còn dành cho kẽ sĩ có tài mà không được trọng dụng, có tài mà số phận bấp bênh, nhiều ngang trái.
⇒ Tấm lòng của Nguyễn Du có một cảm xúc nhân đạo bao la và sâu sắc.
Câu 4: Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài.
- Thơ Đường luật (thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt) là một chỉnh thể nghệ thuật có kết cấu chặt chẽ gồm 4 đoạn thơ (4 phần) là khai, thừa, chuyển, hợp (còn gọi là đề, thực, luận, kết). Ở bài thất ngôn bát cú, mỗi đoạn gồm 2 câu thơ (một cặp câu thơ)
- Mỗi đoạn thơ giữ một vai trò trong kết cấu bài thơ, có mối liên hệ lôgíc bên trong để bộc lộ chủ đề của tác phẩm.
- Ở bài Đọc Tiểu Thanh kí, có thể thấy vai trò của từng đoạn thơ như sau:
- Đề (câu 1, 2): mở bài: nêu khung cảnh gợi cảm hứng và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
- Thực (câu 3, 4): nói về nhân vật của bài thơ (nàng Tiểu Thanh khi đã chết nhưng tài sắc và văn chương thì vẫn còn đó).
- Luận (câu 5, 6): nghĩ về mối hận của nàng và tỏ lòng đồng cảm của người cùng một hội với nàng.
- Kết (câu 7, 8): trông người mà nghĩ đến ta, không biết số phận rồi sẽ ra sao
- Bốn đoạn thơ đều nằm trong mạch cảm hứng chung của nhà thơ là xót thương và cảm thông với số phận của người con gái tài sắc mà bất hạnh, từ đó mà chạnh nghĩ đến số phận của mình trong cuộc đời. Sự nối tiếp và phát triển lôgíc của bốn đoạn thơ đã bộc lộ sâu sắc và thấm thìa chủ đề của tác phẩm.
3. Soạn bài Độc Tiểu Thanh kí chương trình nâng cao
Câu 1: Đọc chú thích, tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của một số từ ngữ: “cảnh đẹp”, “son phấn”, “phong vận”. Đối chiếu bản dịch thơ với bản dịch nghĩa.
- Ý nghĩa biểu trưng của một số từ ngữ: “cảnh đẹp”, “son phấn”, “phong vận”: chỉ người phụ nữ đẹp và tài hoa.
- Bản dịch thơ và dịch nghĩa khác nhau chỗ “hận” và “xót xa” ⇒ bản dịch nghĩa chữ “hờn” dịch không mạnh bằng.
Câu 2: Nỗi xót thương của nhà thơ trước số phận của Tiểu Thanh được thể hiện như thế nào qua hai câu mở đầu?
- Nỗi thương xót của nhà thơ được thể hiện qua hình ảnh gò hoang, của sự thổn thức bên mảnh giấy tàn ⇒ cho thấy được sự thương xót, đồng cảm trước số phận hẩm hiu của người con gái tài sắc mà bạc mệnh.
Câu 3: Qua các câu 3- 4 và 5 – 6, tác giả suy ngẫm về số phận của những kiếp tài hoa như thế nào?
- Nhà thơ quan niệm tài mệnh tương đố sẽ vận vào những người tài hoa. Những người có tài năng, xuất chúng sẽ gặp tai họa chứ không thể có được một cuộc đời bình yên.
Câu 4: Với hai câu thơ cuối của bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm sự của mình như thế nào khi tự coi mình là kẻ cùng hội cùng thuyền với con người phong vận mắc nỗi oan “lạ lùng” ấy?
- Đây là lời tâm sự chân thành, tha thiết của tác giả - một người tài năng nhưng gặp nhiều trắc trở, lận đận trong cuộc đời. Đó còn là sự cô độc của chính tác giả về cuộc đời với những tâm trạng hoài nghi, đau khổ, thương người và tự thương mình.
4. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1: Đọc đoạn thơ sau đây trong Truyện Kiều (từ câu 107 đến câu 110) và chỉ ra điểm tương đồng với bài Đọc Tiểu Thanh Kí
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Gợi ý trả lời
- Đoạn thơ trên là lời của Thúy Kiều nói về nhân vật Đạm Tiên.
- Trong Truyện Kiều có rất nhiều đoạn đối thoại bắt đầu bằng từ “rằng” như ở đoạn thơ trên. Và trong trường hợp như vậy, người ta cũng có thể hiểu đó là lời của tác giả (Nguyễn Du).
- Căn cứ vào nội dung của đoạn thơ, có thể thấy đề tài mà Nguyễn Du quan tâm trong các sáng tác của ông là hình ảnh những con người tài hoa mà bạc mệnh.
5. Một số bài văn mẫu bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Giống như truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh kí là đỉnh cao tư tưởng nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du. Để có thể cảm nhận và phân tích được bài thơ này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: