1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài
- Giới thiệu vài nét tác giả và tác phẩm:
- R.Ta-go (1861-1941) là nhà thơ lớn nhất của Ấn Độ, nửa đầu thế kỉ XX.
- Ông sinh ra và lớn lên ở Can-cut-ta, Ben-gan, có năng khiếu văn chương và sáng tác rất sớm.
- Là người sôi nổi, nhiệt thành, ông say mê tham gia các hoạt động chính trị xã hội.
- Sự nghiệp sáng tác đồ sộ, đa dạng (thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tranh nghệ thuật...)
- “Mây và sóng” in trong tập “Trẻ thơ”, xuất bản năm 1909 bằng tiếng Ben-gan. Sau này, tác giả tự dịch sang tiếng Anh, in trong tập “Trăng non”, xuất bản năm 1915. Nội dung ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
b. Thân bài
- Những câu chuyện tưởng tượng kì diệu của cậu bé kể cho mẹ nghe:
- Câu chuyện thứ nhất: Mây rủ cậu bé đi chơi xa
- Những người sống trên mây khoe với cậu bé cuộc sống tự do rong chơi suốt cả ngày, được đi khắp nơi, đến cả những chốn có bình minh vàng và vầng trăng bạc.
- Rủ rê và hướng dẫn cậu bé cách đi: ... đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây.
- Thái độ của cậu bé: thích thú nhưng băn khoăn vì:Làm sao có thể rời mẹ mà đến được? Nghĩ ra trò chơi thay thế: Con là mây và mẹ sẽ là mặt trăng. Hai tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm
- Câu chuyện thứ hai: Sóng rủ cậu bé đi chơi
- Những người sống trong sóng khoe với cậu bé cuộc sống đầy thú vị: ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn... ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao.
- Rủ rê và hướng dẫn cậu bé: Hãy đến rìa biển cá, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi.
- Thái độ của cậu bé: phân vân, do dự vì làm sao có thể rời mẹ mà đi, được? Nghĩ ra trò chơi thay thế: Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ...
- Câu chuyện thứ nhất: Mây rủ cậu bé đi chơi xa
- Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt
- Nhà thơ đã mượn những hình ảnh tuyệt đẹp và vĩnh hằng của thiên nhiên để so sánh với tình cảm mẹ con ruột thịt, khẳng định tình mẫu tử là không gì thay thế được.
- Nêu lên quy luật của tình mẫu tử: với con, mẹ là tất cả và đối với người mẹ thì con là tất cả. Tình mẹ con hiện diện khắp nơi trên trái đất này và đó là cội nguồn của sự sống bất diệt.
c. Kết bài
- Bài thơ “Mây và Sóng” ghi đậm dấu ấn trong lòng người đọc vì tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và gửi gắm vào trong đó những ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.
- Bài thơ chắp cánh cho trí tưởng tượng của tuổi thơ bay bổng đồng thời cũng là bài học thấm thía cho tất cả mọi lứa tuổi: hạnh phúc đích thực chính là những tình cảm yêu thương chân thành, tha thiết nhất quanh ta.
Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài thơ “Mây và sóng” của nhà thơ R.Ta-go.
Gợi ý làm bài
Ra-bin-đra-nat Ta-go (1861 - 1941) là nhà thơ hiện đại lớn nhất của văn học Ấn Độ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Ông sinh trưởng ở Can-cút-ta, bang Ben-gan. trong một gia đình quý tộc. Ta-go có năng khiếu bẩm sinh nên ông làm thơ rất sớm. Suốt cuộc đời, ông hăng hái tham gia các hoạt động chính trị và có đóng góp to lớn cho xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Ta-go đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ gồm 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, luận văn, diễn văn, thư tín cùng rất nhiều ca khúc và hơn 1500 bức hoạ.
Với tập “Thơ Dâng”, ông là nhà thơ đầu tiên của châu Á được vinh dự nhận giải thưởng Nô-ben văn học năm 1913. Thơ Ta-go đề cao tinh thần dân tộc, dân chủ, đậm đà tính nhân văn và tính trữ tình, lãng mạn, chứa đựng những triết lí tinh tế, sâu sắc của phương Đông.
“Mây và Sóng” (bản dịch của Nguyễn Khắc Phi) lúc đầu được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ "Si-su" (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909, sau đó Ta-go tự dịch ra tiếng Anh và in trong tập “Trăng non”, xuất bản năm 1915.
Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ “Mây và Sóng” của Tago đã ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Bài thơ là lời kể hồn nhiên, chân thành của em bé với mẹ và những cuộc đối thoại tưởng tượng giữa em và các nhân vật sống trên mây và trong sóng. Mặc dù người mẹ không xuất hiện, không phát ngôn nhưng đối tượng để bày tỏ tình cảm em bé chính là Mẹ.
Bài thơ gồm hai cảnh. Cảnh một: mây rủ bé đi chơi xa. Cảnh hai: sóng rủ bé đi chơi xa. Bé tưởng tượng ra hai cảnh. Tưởng tượng mà rất thực.
Em bé từ chối lời rủ rê của mây. Em ở nhà và bày ra trò chơi làm mây với mẹ (mẹ làm mặt trăng). Em bé từ chối lời rủ rê của sóng. Em ở nhà và bày ra trò chơi làm sóng với mẹ (mẹ làm mặt biển). Nhân hóa mây và sóng thành con người, tác giả có dụng ý nói lên sự hoà hợp, gắn bó giữa thiên nhiên với con người.
Hai cảnh là hai lời thoại. Mỗi lời thoại là một đợt sóng cảm xúc trào dâng trong lòng em bé, lần sau cao hơn lần trước. Đây không phải là sự thổ lộ tình cảm bình thường mà là sự thổ lộ tình cảm trong tình huống có thử thách. Phải trải qua những thử thách khác nhau thì tình thương yêu mẹ của em bé mới được thể hiện trọn vẹn.
Tứ thơ đơn giản, cấu trúc trùng lặp nhưng lời thơ và hình ảnh thơ rất khác nhau. Mây và sóng đều là những cảnh vật tự nhiên vô cùng hấp dẫn, mây và trò chơi trong sóng cũng khác nhau.
Mây, trăng, bầu trời, sóng nước và biển cả... vốn là những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ và thơ mộng. Những hình ảnh đó trong bài thơ đều do trí tưởng tượng phong phú của em bé tạo ra cho nên chúng lại càng lung linh, kì ảo. Ai sống trên mây, ai sống trong sóng vậy? Những Tiên đồng, Tiên nữ hay những nàng Tiên cá? Em bé tha hồ mà tưởng tượng... Lung linh kì ảo song vẫn rất sinh động, chân thực. Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc được dùng để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ đều rất đúng với thiên nhiên muôn màu sắc.
Chúng ta hãy theo dõi cuộc trò chuyện của em bé với người mẹ thân yêu:
“Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.
“Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo - “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”.
Thế là họ mỉm cười bay đi.”
Chú bé ngồi trong lòng mẹ mà thủ thỉ tâm tình. Chú đang để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Chú hình dung ra trên mây kia có người gọi chú, rủ chú tham gia những trò chơi thú vị với bình minh vàng, với vầng trăng bạc và khuyên chú hãy đến nơi tận cùng trái đất. Cuộc đi chơi như thế thật hấp dẫn đối với tuổi thơ. Chú bé thích lắm! Thử hỏi có chú bé nào trên trái đất này mà không thích đi chơi? Em bé cũng thích được theo Mây đi chơi nên mới hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?” Tuy vậy, bé vẫn băn khoăn vì mẹ đang đợi ở nhà. Mặc dù Mây đã tận tình chỉ dẫn: “Hãy đến tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Nhưng chú bé đã khước từ sự rủ rê ngọt ngào đó vì chú biết rằng nếu vắng mình, mẹ sẽ buồn biết bao nhiêu!
-- Để xem được đầy đủ nội dung còn lại, mời quý thầy cô và các em vui lòng đằng nhập vào Chúng tôi để dowload tài liệu về máy --
Và chú bé lại nghĩ ra một trò chơi khác để thay thế. Trò chơi mà bé nghĩ ra lần này quả là thú vị hơn nhiều! Em là sóng còn mẹ là bến bờ kì lạ rộng mở, bao dung.
Trò chơi này thể hiện tình thương yêu mẹ thắm thiết, nồng nàn của chú bé. Em không những không phải xa rời mẹ mà còn được choàng lên người mẹ, được lăn, lăn, lăn mãi, rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Câu cuối bài: “Không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào” khẳng định mẹ con ta ở khắp mọi nơi, không ai có thể tách rời, chia cắt được tình mẹ đối với con và tình con đối với mẹ. Không ai có thể biết được mẹ con ta đang ở đâu trong đại dương dạt dào hạnh phúc của tình mẹ con. Điều đó cũng có nghĩa là tình mẫu tử thiêng liêng hiện diện ở khắp mọi nơi và muôn đời bất diệt.
Trong bài thơ, “Mây và Sóng” hòa hợp với người, thông cảm và hiểu biết tấm lòng của em bé đối với mẹ. Còn em bé là một đứa trẻ yêu thiên nhiên, yêu mẹ và giàu trí tưởng tượng.
Trước những lời rủ rê hấp dẫn, chú bé đã kiềm chế được ham muốn nhất thời. Không tìm cách lên mây hay nương theo làn sóng, không có nghĩa là chú ghét mây và sóng. Ngược lại, chú bé đã nghĩ ra những trò chơi tuyệt diệu để hòa hợp tình yêu thiên nhiên với tình mẫu tử bằng cách biến mình thành mây rồi thành sóng, còn mẹ thành mặt trăng và bến bờ kì lạ.
Dẫu được miêu tả sinh động và chân thực, nhưng hình ảnh mây và sóng trong bài thơ chỉ là tượng trưng. Những thú chơi trên mây, trong sóng tượng trưng cho bao quyến rũ của cuộc đời. Bãi biển tượng trưng cho tâm lòng bao dung của mẹ. Bài thơ đã tạo ra những hình ảnh đậm đà màu sắc triết lí. Chỉ có hai mẹ con âu yếu bên nhau trong một túp nhà mà đủ cả trời xanh, trăng sáng, đủ cả mây bay, sóng vỗ. Cám ơn thi hào Ta-go đã nâng tình mẫu tử của nhân loại lên tầm vũ trụ!
Thi hào Ta-go từng nói:
“Bao giờ tôi cũng trẻ hay cũng già như người trẻ nhất và người già nhất trong làng”.
Cái thần tình của bài thơ nằm ở chỗ là Ta-go đã biến mình thành con trẻ. Con trẻ trong sự ngạc nhiên trước tạo vật chung quanh, con trẻ trong sự tưởng tượng kì thú, con trẻ trong sự gần gũi với trái tim người mẹ. Khi đọc bài thơ, người đọc dường như biết mình bị lạc vào thế giới tưởng tượng nhưng vẫn nghe và tin những lời trò chuyện huyễn hoặc của mây, những lời rủ rê của sóng. Đọc xong bài thơ, chiêm nghiệm từ từ, rồi đọc đi đọc lại, sống mũi bỗng thấy cay cay, không khóc mà mắt đỏ hoe, tâm hồn rung động lạ thường khi nghe lời khước từ hồn nhiên của chú bé trước những lời mời mọc, rủ rê của mây và sóng, vì là lời của con trẻ, nhưng lại thốt ra từ một trái tim nồng nàn, tha thiết yêu thương.
Bài thơ có giá trị nghệ thuật điêu luyện bởi tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và gửi gắm vào đó những ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Bên cạnh đó là thủ pháp trùng điệp và những liên tưởng, so sánh thú vị. Mây và sóng đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của tuổi thơ, song cũng nhắc nhở mọi người rằng, hạnh phúc không phải là điều gì xa xôi, bí ẩn, do ai đó ban cho mà hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống bình thường và do chính con người tạo dựng nên.
Bài thơ “Mây và sóng” thể hiện tình cảm yêu mến thiên nhiên, những ước mơ bay bổng của tuổi thơ và đặc biệt là tình mẹ con đằm thắm, ấm áp và chứa chan hạnh phúc. Bài thơ còn gợi cho chúng ta suy ngẫm về nhiều điều khác nữa. Trong cuộc sống, con người thường gặp những cám dỗ ghê gớm. Muốn khước từ, chúng ta cần có điểm tựa vững chắc như tình mẫu tử trong bài thơ này.
Trên đây chỉ trích dẫn một phần nội dung văn mẫu: Phân tích bài thơ "Mây và sóng" của Ta-go. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm soạn bài Mây và sóng và bài giảng Mây và sóng nhằm củng cố và ôn luyện lại những kiến thức trọng tâm nhất của tác phẩm để có đủ cơ sở lý luận, tiến hành viết bài văn phân tích tác phẩm. Hy vọng với những tài liệu này sẽ cung cấp cho quý thầy cô và các em có thêm nhiều kiến thức hay và bổ ích, giúp các em có cái nhìn khái quát hơn về tác phẩm. Qua đây thấy được ý nghĩa thiêng liêng, bất diệt của tình mẫu tử. Thấy được đặc sắc nghệ thuật trong việc tạo dựng những cuộc đối thoại tưởng tượng và xây dựng các hình ảnh thiên nhiên. Bên cạnh đó, tài liệu còn nhằm hướng dẫn và nâng cao kĩ năng tìm ý, lập dàn bài và viết bài văn phân tích tác phẩm hoàn chỉnh cho các em.
-- MOD Ngữ Văn Chúng tôi (Tổng hợp và biên soạn)