SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019
TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG NGỮ VĂN LỚP 10
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
“Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ... rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.
Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus... Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v... càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay...”
(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” - Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại, Thứ hai, ngày 13.4.2015)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha”? (0,5 điểm)
Câu 3. Nêu nội dung của đoạn trích. (1,0 điểm)
Câu 4. Theo anh/chị, đọc sách có những tác dụng như thế nào trong cuộc sống con người? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Vẻ đẹp của con người thời Trần qua bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Bản dịch của Bùi Văn Nguyên- SGK Ngữ văn 10, Tập một, NXBGD 2018, tr.116)
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. Tác giả cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha” vì: ở thời đại công nghệ số, con người chỉ cần gõ bàn phím máy tính hoặc điện thoại di động đã có thể tiếp cận thông tin ở nhiều phương diện của đời sống, tại bất cứ nơi đâu, trong bất kì thời gian nào, nên việc đọc sách đã dần trở nên phôi pha.
Câu 3. Nội dung của đoạn trích: Thực trạng văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay (0,5 điểm) và sự khẳng định vai trò không thể thiếu của việc đọc sách trong cuộc sống (0,5 điểm).
Câu 4. Học sinh bày tỏ suy nghĩ cá nhân nhưng cần phải hợp lí và có sức thuyết phục. Có thể trình bày theo hướng:
- Đọc sách (sách tốt) có tác dụng cung cấp cho chúng ta những tri thức về mọi lĩnh vực của cuộc sống, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách...
- “sách mở rộng trước mắt ta những chân trời mới”.
- Sách là người bạn có thể giúp ta chia sẻ những buồn vui, giúp ta vượt qua những thử thách, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, học tập.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:
- Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn; Kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Vẻ đẹp của con người thời Trần qua bài thơ Tỏ lòng.
- Triển khai vấn đề nghị luận:
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Phạm Ngũ Lão, hoàn cảnh ra đời của bài thơ và vấn đề cần nghị luận.
- Vẻ đẹp của tư thế, vóc dáng:
- Hình ảnh tráng sĩ hiện lên qua tư thế “cầm ngang ngọn giáo” giữ non sông. Đó là tư thế hiên ngang với vẻ đẹp kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ.
- Hình ảnh ba quân cũng là hình ảnh dân tộc với sức mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu (“khí thôn ngưu”), khí thế hùng dũng.
- Hình ảnh tráng sĩ lồng trong hình ảnh ba quân mang ý nghĩa khái quát, gợi ra khí thế hào hùng của dân tộc thời Trần - Hào khí Đông A.
- Vẻ đẹp tâm hồn:
- Khát vọng lập công danh để thoả “chí nam nhi”, cũng là khát vọng được đem tài trí “tận trung báo quốc” - thể hiện lẽ sống lớn của con người thời đại Đông A.
- Nỗi “thẹn” làm nên nhân cách lớn: khát vọng, hoài bão muốn được như Vũ hầu Gia Cát Lượng.
- Đánh giá chung: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp của con người thời đại Đông A có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả.
- Nghệ thuật: Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu sắc thái biểu cảm, hình ảnh thơ kì vĩ, hoành tráng.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Ngoài ra, các em có thể làm bài thi Online tại đây:
Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2018-2019, Sở GD&ĐT Đoàn Thượng