Đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trương THPT Linh Trung có đáp án

TRƯỜNG THPT LINH TRUNG

ĐỀ THI HK1

MÔN NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC 2020-2021

 

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

... Bây giờ, tôi muốn bạn xem lại hai thực đơn mà lâu nay bạn cũng như xã hội vẫn dùng. Chúng ta đang chạy đua nhiều lúc quá sức cho thực đơn thể chất của chúng ta. Chúng ta tìm mọi cách để có được những thực phẩm tốt nhất, ngon nhất, và lạ nhất để phục vụ mình. Chúng ta thường cất câu hỏi: Hôm nay sẽ ăn gì? Thế nhưng, chúng ta hầu như không cất tiếng hỏi: Hôm nay chúng ta sẽ đọc gì, xem gì, nghe gì. Khi chúng ta kiếm được tiền thì hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ vật chất như ăn uống, mua sắm, tích lũy mà chúng ta quá ít nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống tinh thần. Nhiều người khi có một mảnh đất rộng thường xây một ngôi nhà càng to càng tốt mà không nghĩ đến một mảnh vườn để trồng cây và hoa và chim chóc đến ở...

Mới đây, tôi xem một bộ phim nói về một dự án của các sinh viên thuộc một số trường đại họ ở Tokyo Nhật Bản. Những sinh viên này lập ra một dự án có tên Dự án Phục hồi Kỷ niệm. Công việc của dự án là tìm lại những bức ảnh của các gia đình bị trận sóng thần trước đó cuốn đi. .. Có một người cha chỉ có duy nhất một đứa con gái nhưng đã bị sóng thần cướp đi sinh mạng. Ông không còn bất cứ tấm ảnh nào của con ông. Dự án Phục hồi Kỷ niệm đã tìm lại được một tấm ảnh con gái ông. Với ông, tấm ảnh đứa con gái bé bỏng của mình đã trở thành tài sản quý báu nhất của ông và làm cho nỗi đau đớn mất con của ông vơi đi rất nhiều. Vật chất và đời sống đầy đủ của nước Nhật không thể mang đến cho người cha kia hạnh phúc nhưng một kí ức đẹp đã cứu ông khỏi đau đớn và tuyệt vọng...

(Nguyễn Quang Thiều – Người Việt đang sống với tâm hồn khô cằn?)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Hai thực đơn này được tác giả đề cập đến trong văn bản là gì?

Câu 3: Nhận xét của Anh/chị về Dự án Phục hồi Kỷ niệm của những sinh viên Nhật được đề cập trong đoạn trích trên.

Câu 4: Qua việc đọc hiểu đoạn trích trên, anh chị có nhận thức như thế nào về một cuộc sống hạnh phúc thực sự. 

II. LÀM VĂN

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích trên, anh chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về những hậu quả của việc: Chúng ta quá ít nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống tinh thần.

Câu 2

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

(Tây Tiến – Quang Dũng – Ngữ Văn 12, Tập một)

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đình núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Việt Bắc – Tố Hữu – Ngữ Văn 12, Tập một)



GIẢI CHI TIẾT

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

- Hai thực đơn này được tác giả đề cập đến trong bài là thực đơn thể chất (vật chất) và thực đơn cho cuộc sống tinh thần.

Câu 3:

- Học sinh trình bày nhận xét, quan điểm cá nhân, có thể dựa vào một số gợi ý sau:

+ Dự án này chính là một lời khẳng định vai trò to lớn của đời sống tinh thần đối với mỗi con người. Cuộc sống bề bộn với gánh nặng vật chất đôi khi làm người ta lãng quên đi những giá trị tinh thần vô giá. Dù vậy, đời sống tinh thần vẫn là yếu tố cần thiết và không thể thiếu để có cuộc sống hạnh phúc.

+ Đây là một dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ đối với đất nước Nhật Bản mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng sinh viên Nhật Bản ý thức được mối quan hệ giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần trong cuộc sống con người, là điều mà thế hệ trẻ hiện nay cần học hỏi.

Câu 4:

- Học sinh trình bày nhận xét, quan điểm cá nhân, có thể dựa vào một số gợi ý sau:

+ Một cuộc sống hạnh phúc thực sự là một cuộc sống có sự cân bằng, hài hòa giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần.

+ Yếu tố vật chất cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc, tuy nhiên, con người cần biết sử dụng yếu tố vật chất như một phương tiện để tạo nên một đời sống tinh thần phong phú, giàu có.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề: Tinh thần là những gì thuộc về ý nghĩa, tình cảm,… thuộc về nội tâm của con người. Như vậy cuộc sống tinh thần có thể hiểu là những hoạt động để duy trì yếu tố tinh thần của con người.

Khái quát thực trạng: Một thực trạng vô cùng đáng buồn hiện nay đó là con người ngày càng chạy theo những nhu cầu, mong muốn vô tận về vật chất mà bỏ quên việc phải xây dựng  đời sống tinh thần.

Nêu hậu quả:

- Việc quá ít nghĩ đến việc xây dựng đời sống tinh thần sẽ dẫn đến việc đời sống tinh thần con người ngày càng trở nên khô héo, đơn điệu, nhàm chán.

- Quá ít nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống tinh thần cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng vô cảm trong cuộc sống ngày nay.

- Vô cảm, đời sống tinh thần đơn điệu, bị bỏ quên sẽ dẫn đến việc con người không biết cách cư xử với nhau, không biết đến lòng nhân văn nhân ái. Dễ mắc các thói kiêu ngạo, tàn nhẫn, vô tâm.

- Đời sống tinh thần con người không phong phú cũng góp phần làm cho hiệu quả công việc giảm sút, kìm hãm sự phát triển kinh tế cá nhân và xã hội.

Giải pháp:

- Bồi đắp tâm hồn bằng những hoạt động nghệ thuật như: đọc sách, đọc thơ, nghe nhạc, ngắm tranh, trồng cây ...Hiểu một bài thơ hay, đọc một quyển sách hay, ngắm một bức tranh đẹp, nghe một bài nhạc đặc sắc v.v… đều làm cho ta có những cảm xúc tuyệt vời về cái Đẹp. Những cảm xúc tuyệt vời về cái Đẹp sẽ dẫn đến những hành động đẹp trong cuộc sống.

Câu 2:

1.  Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

- Quang Dũng (1921-1988), quê Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Tố Hữu (1920-2002), quê ở Huế, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam với hồn thơ đậm đà tính dân tộc.

Tây Tiến (1948), Việt Bắc (1954) đều là những thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, đều là những bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc.

- Hai đoạn thơ trên đều viết về nỗi nhớ của các tác giả với núi rừng Tây Bắc và một quãng đời không thể nào quên.

2.  Phân tích:

a. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng:

Nội dung:

- Trước hết là khung cảnh thiên nhiên.

+ Không gian được bao trùm bởi một màn sương giăng mắc trở nên mờ ảo, như hư, như thực. Sương chiều bảng lảng đầy thi vị, chứ không còn là “sương lấp đoàn quân mỏi” khi màn đêm buông xuống

+ Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người… Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người miền Tây- những người lao động trên sông nước mênh mông.

- Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người.

+ “Dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ sơn cước trên chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Mã, tạo nên chất thơ làm tiêu tan vẻ dữ dội của “dòng nước lũ” hung hãn

+ Như để hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. 

+ Dường như trong khổ thơ nào của bài thơ cũng thấp thoáng bóng dáng của người đẹp như vậy.

=> Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…

- Những từ có thấycó nhớ là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến khi đã cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian…

Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn được tác giả sử dụng một cách tinh tế khiến hình ảnh thiên nhiên và con người miền Tây hiện lên độc đáo…

b. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:

Nội dung:

- Đây là lời của người đi (những cán bộ kháng chiến đã từng gắn bó và công tác ở Việt Bắc, trong đó có Tố Hữu), khẳng định với người ở lại rằng: dù về xuôi, dù xa cách nhau về không gian địa lí nhưng vẫn nhớ Việt Bắc như nhớ người yêu. 

- Sau lời khẳng định là những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp như khúc hát đồng quê. Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương,… là hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng ở Việt Bắc.

Nghệ thuật:

- Các hình ảnh trong hoài niệm nhưng hiện lên thật cụ thể, rõ nét, chứng tỏ sự gắn bó sâu sắc và nỗi nhớ tha thiết và thể tho lục bát.

c. So sánh hai đoạn thơ:

- Sự tương đồng: Hai đoạn thơ tiêu biểu cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc, Tây Bắc và tình cảm gắn bó của tác giả đối với con người và miền đất xa xôi của Tổ quốc.

- Sự khác biệt:

+ Thiên nhiên Tây Tiến trong thơ Quang Dũng hoang vu nhưng đậm màu sắc lãng mạn, hư ảo; con người hiện lên trong vẻ đẹp khỏe khoắn mà duyên dáng; thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.

+ Thiên nhiên Việt Bắc trong thơ Tố Hữu gần gũi, quen thuộc mà trữ tình; con người Việt Bắc hiện lên trong tình nghĩa cách mạng thủy chung; thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao dân ca.

3. Đánh giá chung:

- Với hồn thơ đậm đà tính dân tộc, lãng mạn, hào hoa, phóng khoáng, Tố Hữu và Quang Dũng đã làm nổi bật nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng về quê hương cách mạng và đơn vị cũ.

-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Linh Trung Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?