Đề kiểm tra KSCL đầu năm Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành số 1

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM HỌC  2014 -2015

Môn: Ngữ Văn lớp 11

(Thời gian làm bài  : 120 phút, không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1:  (3 điểm) :

Cho văn bản: TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn : “Tôi ghét người ”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về  sà vào  lòng mẹ  khóc nức nở. Cậu không sao hiểu được từ trong khu rừng lại có người ghét cậu. Người mẹ nắm tay con đưa trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”. Lạ lùng thay cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại : “Tôi yêu người ”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu : “ Con ơi , đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con thương người thì người cũng yêu thương con ”

( Theo Quà Tặng Cuộc Sống )

Từ câu chuyện trên, anh (chị ) có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa cho và nhận trong

cuộc sống ?

Câu 2 ( 7 điểm ):

Trong bài Tâm sự nàng Thúy Vân ”, nhà thơ Trương Nam Hương có viết:

“Xót thương lời chị dặn dò

Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ô kìa sao chị ngồi im

Máu còn biết chảy về tim để hồng

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em thế thắt một vòng oan khiên …”

Qua những dòng thơ trên và dựa vào đoạn trích “Trao Duyên” trong Truyện Kiều, anh (chị ) hãy tự đặt mình vào nhân vật Thúy Vân để nói lên tâm trạng của nàng.

-------------Hết -----------

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 11

Câu 1 (3 điểm):

Yêu cầu về kỹ năng :

Trên cơ sở hiểu rõ văn bản TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU và yêu cầu nghị luận của đề, học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội. Bài viết tỏ ra có sự am hiểu về vốn sống thực tế, các dẫn chứng làm rõ luận điểm cần tiêu biểu, cụ thể, có sức thuyết phục, diễn đạt tốt, khuyến khích những bài viết sáng tạo.

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giải thích: (1 điểm)

  • Yêu: Là một trạng thái cảm xúc quyến luyến, quý mến, gắn bó giữa người với người và giữa người với vạn vật trong cuộc sống. Khi mình thể hiện thái độ, cảm xúc trân trọng, quý mến đối với ai, với vật gì thì mình sẽ nhận lại được những tình cảm tương tự.
  • Ghét: Là một trạng thái ác cảm, không gắn bó, không ưa thích của con người,  đối lập hẳn với yêu. Khi mình bày tỏ thái độ tình cảm khinh bạc, hắt hủi đối với một ai đó với vật gì đó thì sẽ nhận được kết quả tương tự .

→ Câu chuyện đề cập đến mối quan hệ cho và nhận trong cuộc đời mỗi con người.  Khi con người trao tặng cho người khác tình cảm gì thì sẽ nhận lại được tình cảm đó. Đấy là mối quan hệ nhân quả và cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống  .

2. B​àn luận vấn đề: Biểu hiện của mối quan hệ cho và nhận trong cuộc sống. (0.75 điểm )

  • Mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống vô cùng phong phú, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần .
  • Mối quan hệ giữa cho và nhận không phải bao giờ cũng ngang bằng trong cuộc sống: Có khi ta cho nhiều nhưng nhận lại ít hơn và ngược lại .
  • Mối quan hệ giữa cho và nhận không phải bao giờ cũng là mình cho người đó và nhận của người đó, mà nhiều khi mình nhận ở người mà mình chưa hề cho. Và cái mình nhận có khi là sự bằng lòng với chính mình, là sự hoàn thiện hơn nhân cách làm người của mình trong cuộc sống.

 3. Làm thế nào để thực hiện tốt mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống: (0.75 điểm)

  • Con người phải biết cho cuộc đời này những gì tốt đẹp nhất: Đó là sự yêu thương trân trọng, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không phải sự cho nhận vì mục đích vụ lợi.
  • Con người cần phải biết cho nhiều hơn là nhận lại.
  • Phải biết cho mà không hy vọng mình sẽ được đáp đền.
  • Để cho nhiều hơn, con người cần phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện và  hoàn  thiện mình, làm cho mình giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần để có thể yêu thương nhiều hơn trong cuộc đời này

4. Khẳng định vấn đề: Vấn đề đặt ra trong câu chuyện là bài học lớn về một lối sống  đẹp sống nhân ái, luôn yêu thương và bao dung với cuộc đời. (0.5 điểm)

Câu 2 (7 điểm ):

1.  Về kỹ năng :

  • Thể hiện năng lực cảm thụ thơ và diễn tả được cảm xúc, tâm trạng, tâm lý nhân vật  .
  • Biết làm bài tổng hợp vừa phân tích thơ vừa phát biểu cảm tưởng, vừa sáng tạo  trong
  • cách hóa thân vào nhân vật để trình bày vấn đề .
  • Văn viết có cảm xúc, hình ảnh diễn đạt mạch lạc .

2.  Về kiến thức :

  • Hiểu và phân tích được đoạn thơ của Trương Nam Hương với các ý chính: Xót thương cho hoàn cảnh của Thúy Kiều, Thúy Vân chấp nhận lời đề nghị trao duyên của chị và hy sinh quyền tự do cá nhân; cũng từ đó Thúy Vân lại rơi vào bi kịch cũng xót thương không kém Thúy Kiều. (2 điểm)
  • Lấy đoạn trích Trao Duyên để làm rõ sức thuyết phục mà Thúy Kiều đưa ra: Thái độ, tấm lòng, lý lẽ…. thấu tình đạt lý từ phút mở lời trao duyên, diễn biến của cuộc trao duyên, sự biết ơn trân trọng của Thúy Kiều đối với Thúy Vân. Thấu lý và đạt tình nên Thúy Vân không còn con đường nào khác là phải chấp nhận lời chị  (4 điểm)
  • Bộc lộ thái độ trân trọng, đồng cảm với Thúy Vân, một điều mà xưa nay ít có người   nói đến. (1 điểm)

{-- Xem đầy đủ nội dung ở phần xem online hoặc tải về --}

Vừa rồi là đề khảo sát chất lượng đầu năm bộ môn Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Thuận Thành 1, Chúng tôi hi vọng, tài liệu trên sẽ đem đến cho các em những kiến thức bổ ích, Chúc các em có một kì thi thành công.

-- MOD NGỮ VĂN Chúng tôi (tổng hợp)

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?