ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
PHẦN THỨ NHẤT: NỘI DUNG KIẾN THỨC
NỘI DUNG 1:
NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN, Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. ĐỊNH NGHĨA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Định nghĩa: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của quá trình cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
- Định nghĩa chỉ ra:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, luận điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh: chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống dân tộc, trí tuệ thời đại.
- Mục tiêu của tư tưởng Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
2. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ- XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
- Xã hội Việt Nam trước khi Pháp xâm lược là xã hội phong kiến độc lập với một nền nông nghiệp lạc hậu, trì trệ. Chính quyền nhà Nguyễn đã thi hành chính sách đối nội, đối ngoại bảo thủ, phản động… không mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp xúc và bắt nhịp với sự phát triển của thế giới. Vì vậy, đã không phát huy được những thế mạnh của dân tộc và đất nước, không tạo ra tiềm lực vật chất và tinh thần đủ sức bảo vệ Tổ quốc, chống lại âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
- Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858) và hiệp ước Patơnốt (1884) được ký kết, xã hội Việt Nam bước sang giai đoạn mới và trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Trong lòng xã hội thuộc địa, mâu thuẫn mới là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân xâm lược xuất hiện trên nền mâu thuẫn cũ là mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân, nó không thủ tiêu mâu thuẫn cũ mà làm cơ sở để duy trì mâu thuẫn cũ, xã hội Việt Nam càng thêm đen tối. Các phong trào vũ trang của nhân dân chống Pháp rầm rộ, lan rộng ra cả nước… lãnh đạo họ là các sĩ phu văn thân mang ý thức hệ phong kiến, nhưng cuối cùng đều thất bại, điều đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc.
- Đầu thế kỷ XX, bối cảnh xã hội Việt Nam đặt dân tộc chống cả Triều lẫn Tây. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân và các phong trào yêu nước ở thời kỳ này dù dưới ngọn cờ nào cũng đều thất bại hoặc bị dìm trong bể máu. Xã hội Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước.
- Nguyễn Tất Thành sinh ra trong bối cảnh nước mất nhà tan và lớn lên trong phong trào cứu nước của dân tộc, Người đã sớm tìm ra nguyên nhân thất bại của các phong trào giải phóng dân tộc là: các phong trào giải phóng dân tộc đều không có đường lối và phương pháp đấu tranh đúng đắn. Nguyễn Tất Thành sớm hình thành ý định ra đi tìm đường cứu nước – con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với tư tưởng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc phải đi theo con đường mới. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
- Quê hương và gia đình
- Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có nề nếp gia phong mẫu mực, giữ đạo hiếu và có truyền thống hiếu học, yêu thương đùm bọc…. Cụ Nguyễn Sinh Sắc có tư tưởng yêu nước, thương dân. Cuộc đời cụ Phó bảng có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh sau này.
- Quê hương Nghệ tĩnh: huyện Nam Đàn, làng Kim Liên có truyền thống cách mạng đậm nét, giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Quê hương của Người có nhiều anh hùng nổi tiếng như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu…, và đã thấm máu của các anh hùng liệt sĩ chống Pháp như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến… Bản thân anh trai, chị gái của Nguyễn Tất Thành cũng tham gia các hoạt động yêu nước trên mảnh đất quê hương.
- Ở Huế: khi học ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến bọn thực dân Pháp đàn áp đồng bào mình, điều đó đã thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
- Bối cảnh thời đại
- Hồ Chí Minh bước vào vũ đài chính trị khi chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã bước sang giai đoạn tư bản độc quyền. Từ tư bản chủ nghĩa chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Năm 1912, Hốp-xơn (người Anh) đã mô tả tường tận đặc điểm kinh tế - chính trị của chủ nghĩa đế quốc. Lênin dựa trên quan điểm của Hốp-xơn đưa ra định nghĩa về bản chất của chủ nghĩa đế quốc gắn liền với đặc điểm kinh tế là các nước lớn xâm chiếm thuộc địa và chia nhau các vùng lãnh thổ thế giới. Đây là đặc điểm liên quan trực tiếp đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh sau này.
- Khi chủ nghĩa tư bản độc quyền ra đời, hình thành hệ thống thuộc địa làm nảy sinh mâu thuẫn mới của thời đại là mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với các dân tộc thuộc địa, bao trùm lên mâu thuẫn vốn có của thời đại: mâu thuẫn giữa tư bản và vô sản ở các nước phát triển, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ ở các nước lạc hậu.
- Chủ nghĩa Mác-Lênin phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, thâm nhập vào phong trào cách mạng thế giới, trở thành hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại.
- Năm 1917, Cách mạng tháng mười Nga thắng lợi mở ra thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
- Quốc tế Cộng sản ra đời đã trở thành trung tâm tập hợp lực lượng cách mạng và chỉ đạo cách mạng thế giới.
- Sự xuất hiện chủ nghĩa Lênin và thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga có vai trò quan trọng đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh và tạo tiền đề thực tiễn về tư tưởng bỏ qua chủ nghĩa tư bản tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành dần dần từ cảm tính đến lý tính nhằm tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Việc xuất hiện tư tưởng Hồ Chí Minh là nhu cầu tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam và do chính lịch sử của cách mạng Việt Nam quy định.
3. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
- Giá trị truyền thống dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc, là sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc. Đó là các giá trị tiêu biểu như:
- Chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước đã hình thành cho dân tộc Việt Nam các giá trị truyền thống phong phú, bền vững. Đó là ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm… Đây chính là những động lực mạnh mẽ của dân tộc.
- Tinh thần nhân nghĩa và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc; tinh thần thủy chung, khoan dung, độ lượng, thông minh, sáng tạo, cần cù, dũng cảm, quí trọng người hiền tài, luôn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa dân tộc
- Tinh thần lạc quan yêu đời, niềm tin vào chính mình, tin vào sự tất thắng của chân lý và chính nghĩa dù phải vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Chính nhờ tiếp thu truyền thống của dân tộc, trước hết là tinh thần yêu nước mà Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã giúp tôi tin theo Lênin và đi theo Quốc tế III”.
- Tinh hoa văn hoá nhân loại:
- Tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Đông
- Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vốn sống, vốn kinh nghiệm để làm giàu tri thức của mình và phục vụ cho cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp thu và phát triển tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, và tư tưởng tiến bộ khác của văn hoá phương Đông.
- Về Nho giáo: Hồ Chí Minh đã khai thác những giá trị tích cực của nho giáo. Người nhận xét: Nho giáo nói chung và Khổng giáo nói riêng là khoa học về đạo đức và phép ứng xử, triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo giúp đời, là lý tưởng về một xã hội bình trị, một thế giới đại đồng. Đây là tư tưởng tiến bộ. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế của Nho giáo, như: tư tưởng phân biệt đẳng cấp, trọng nam khinh nữ, đề cao lao động trí óc, coi thường lao động chân tay, coi thường thực nghiệp, doanh lợi.
- Về phật giáo: Hồ Chí Minh tiếp thu những yếu tố tích cực của phật giáo như: tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái; tư tưởng bình đẳng, dân chủ chất phác chống lại mọi phân biệt đẳng cấp; đề cao nếp sống đạo đức, trong sạch, chăm làm điều thiện, coi trọng lao động, chống lười biếng. Phật giáo du nhập vào Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa yêu nước sống gắn bó với nhân dân, với đất nước, tham gia vào cộng đồng chống kẻ thù chung của dân tộc. Nhưng bên cạnh đó Phật giáo còn một số điểm hạn chế như: thủ tiêu đấu tranh giai cấp, tư tưởng an phận.
- Hồ Chí Minh còn tiếp thu những tư tưởng triết học phương đông của Lão tử, Mặc tử, Tôn tử, Quản tử…
- Khi đã trở thành người Mác-xít, Hồ Chí Minh vẫn tìm hiểu tư tưởng dân chủ tiến bộ của Tôn Trung Sơn để làm phong phú thêm tư tưởng của mình và vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam.
- Tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Đông
- Tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Tây
- Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hoá dân chủ và cách mạng phương Tây: trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài chủ yếu là châu Âu nên Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hoá dân chủ và cách mạng phương Tây như: tư tưởng tự do, bình đẳng trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Đại cách mạng Pháp 1791, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776). Người cũng tiếp thu tư tưởng của những nhà Khai sáng Pháp như: Voltaire, Rousso, Montesquieu…
- Hồ Chí Minh đã hình thành nên phong cách làm việc dân chủ, cách thực hiện dân chủ thông qua hoạt động thực tiễn ở phương Tây: Người tham gia hội họp, sinh hoạt trong các tổ chức chính trị, viết báo, viết kịch, viết sách phê phán chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân ngay trên chính quê hương của nó.
- Với thiên chúa giáo: Hồ Chí Minh quan niệm: Tôn giáo là văn hoá. Người đã tiếp nhận những điểm tích cực của Thiên chúa giáo và đánh giá cao lòng nhân ái, đức hy sinh của chúa Jesu.
- Hồ Chí Minh trên hành trình tìm kiếm con đường cách mạng đã tiếp thu chắt lọc những gì tinh túy trong tư tưởng văn hoá Đông - Tây. Từ đó, Người đã vận dụng một cách phù hợp, tạo cho mình một phong cách riêng, một phương pháp tư duy biện chứng để tìm ra con đường, một lý luận cách mạng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh:
- Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp quyết định bản chất cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, chính tư tưởng của Người góp phần làm phong phú thêm Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đối với một nước thuộc địa như Việt nam.
- Vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh ở những nội dung sau: Quyết định bản chất thế giới quan khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh là phương pháp tư duy biện chứng trên quan điểm duy vật. Đồng thời, quyết định phương pháp hành động biện chứng của Hồ Chí Minh.
- Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin ở Hồ Chí Minh nổi lên một số điểm đáng chú ý:
- Thông qua thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin như một lẽ tự nhiên “tất yếu khách quan và hợp với quy luật”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là bộ phận văn hoá đặc sắc nhất của nhân loại: tinh tuý nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất và khoa học nhất
- Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam là tìm con đường giải phóng cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khắc phục được sự khủng hoảng về đường lối cách mạng của dân tộc, vạch ra con đường cứu nước đúng đắn - giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
- Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin bằng tinh thần triết học phương Đông, không sách vở, không kinh viện, không tìm kết luận có sẵn mà tự tìm ra giải pháp riêng, cụ thể phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt nam.
- Nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh
- Hồ Chí Minh có tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, có óc phê phán tinh tường và sáng suốt trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới.
- Hồ Chí Minh có phẩm chất không ngừng học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức, kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào giải phóng dân tộc. Nhân cách, phẩm chất, tài năng và trí tuệ của Hồ Chí Minh đã giúp Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu được các giá trị văn hoá nhân loại.
- Hồ Chí Minh có tâm hồn của một người yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng; một trái tim yêu thương nhân dân, thương người cùng khổ, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
- Hồ Chí Minh từ một người yêu nước ra đi tìm đường cứu nước tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản, từ một người tìm đường Hồ Chí Minh đã trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc đi theo.
{-- Xem đầy đủ nội dung tại Xem online hoặc Tải về--}
Trên đây là trích dẫn một phần Đề cương ôn tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh - ĐH Bách Khoa Hà Nội, để xem đầy đủ nội dung đề thi và đáp án chi tiết các em vui lòng đăng nhập website Chúng tôi chọn Xem online hoặc Tải về máy tính. Chúc các em học tốt và thực hành hiệu quả!