1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Dẫn dắt để giới thiệu được tình hình của lớp (có nhiều bạn lơ là học tập).
- Đưa ra lời khuyên: nếu khi trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.
b. Thân bài:
- Kể lại tình hình của lớp thời gian qua (tưởng tượng về chuyện có nhiều bạn lơ là học tập, say mê vào các trò chơi như: điện tử, cờ bạc, chat…).
- Chứng minh cho các bạn thấy: nếu không chịu khó học tập từ khi còn trẻ, thì sẽ có nhiều cái hại:
+ Sẽ không có thời gian để bổ sung kiến thức.
+ Không có kiến thức để làm việc sau này.
+ Bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội nói chung.
+ Ảnh hưởng đến gia đình và xã hội sau này
c. Kết bài:
- Khẳng định lời khuyên trên là đúng đắn.
- Động viên các bạn tập trung vào việc học.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy chứng minh rằng nếu khi còn trẻ không chịu khó học tập thì sau này chẳng làm được việc gì có ích.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Việc học tập trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những ai đang ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Đây là việc chúng ta cần thực hiện khi còn trẻ nhưng nó lại mang lợi ích trong suốt cuộc đời sau này. Nếu khi ta còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.
Trước hết, học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức học tập như học ở trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, học từ bạn bè…Việc học tập có một vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.
Thật vậy, cuộc sống ngày càng tiên tiến và hiện đại nên luôn cần những người tài, có tri thức. Dù bạn làm bất kỳ công việc gì, từ một bác sỹ, kỹ sư, thầy cô giáo hay cả những người thợ, công nhân và nông dân, muốn làm được đều phải có tri thức. Bạn đừng nghĩ một người nông dân chỉ biết cày cấy, cuốc đất làm ruộng hay một người công nhân chỉ biết khuân vác, làm những việc dựa vào sức lực là có thể tồn tại được. Nếu không có tri thức, bạn sẽ bị lệ thuộc vào kẻ khác, bị cuộc sống xô đẩy mà sẽ không tìm được những gì mình mong muốn. Do đó mà lúc nào bạn cũng thấy mình bị đối xử bất công và sống trong khổ sở.
Lịch sử cho thấy, hầu hết những người có tri thức luôn được tôn trọng và đề cao. Họ là những người làm được nhiều việc lớn cho xã hội. Ngay từ xưa, các vị anh hùng lãnh đạo chống ngoại xâm cho dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Tất cả đều là những người chịu khó học tập từ nhỏ, lớn lên có tri thức, có tài mới làm được những việc lớn, lập các chiến công vĩ đại nên để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu… Trong xã hội hiện đại, chỉ những học sinh siêng năng học giỏi sau này mới có thể có những phát minh cho nhân loại, làm việc lớn cho đời.
Chắc hẳn bất kỳ ai cũng đều biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không những giỏi giang việc nước, yêu thương dân lành mà là một người uyên bác. Điều đó có được nhờ sự chịu khó học tập. Bác luôn tự tìm hiểu, học tập. Trong những năm Bác ra đi để tìm đường cứu nước, trước mỗi lần dọn dẹp boong tàu, Bác luôn luôn ghi trên tay mình mười chữ cái tiếng Anh. Bác không biết thì Bác tra cứu tài liệu, học cho thuộc lòng, vượt chỉ tiêu đặt ra thì mới chịu thôi. Cứ như thế, ngày qua ngày, Bác trở nên thành đạt, thông thạo ngoại ngữ chẳng khác chi so với một người nước ngoài cả. Một ví dụ điển hình cho chúng ta một bài học rất hay chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy ấy bị liệt hai tay từ nhỏ, mọi người ai cũng nghĩ rằng: “Chắc tàn đời rồi còn đâu mà học nữa” nhưng thật sự không phải như thế. Dù thầy liệt hai tay nhưng thầy vẫn còn yêu việc học tha thiết. “Thua keo này, bày keo khác”. Thầy không thể viết chữ bằng tay nhưng quyết không nản chí, thầy đã học cách viết được chữ bằng chân. Nét chữ đúng là có xấu, nhưng thầy vẫn không nản ý chí học tập của mình mà vẫn kiên trì khổ luyện. Nên kết quả đạt được của thầy chính là trở thành một người thầy được mọi người quý trọng, có nét chữ thật đẹp.
Trong xã hội phong kiến, nhà nước không quan tâm đầu tư giáo dục, không quan tâm nâng cao dân trí nên hầu hết người dân không có tri thức. Đất nước do vậy mà nghèo nàn, lạc hậu. Những người dân nghèo khổ lại phải chịu sự tác động, chi phối của cuộc sống và bị xã hội vùi dập nhưng chỉ biết than thân, trách phận mà không biết làm thế nào để thoát khỏi số phận long đong ấy. Đặc biệt, đối với người phụ nữ, họ không được học hành nên việc họ bị áp bức, trà đạp là chuyện tất yếu. Chỉ những người phụ nữ có hiểu biết, có tri thức thì mới ý thức được thân phận, cuộc đời mình. Họ tìm được cho mình con đường đi đúng. Ngày xưa, Hai Bà Trưng đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa thắng lợi. Hồ Xuân Hương dù bị xã hội đùn đẩy nhưng bà vẫn ý thức dược thân phận của mình. Họ làm được điều đó cũng chỉ là do họ có tri thức. Vậy nên muốn có cuộc sống như ý muốn, không gì khác ngoài bạn phải có tri thức. Mà muốn có tri thức lạ phải học ngay lúc sớm nhất có thể.
Có thể tuổi trẻ bạn ham chơi, bởi theo bạn có nhiều thứ lôi cuốn hấp dẫn hơn việc học nhiều. Bạn cho rằng những trò chơi điện tử trên máy tính, những cuộc đi chơi với bạn bè… là những việc lí thú hơn cả vì chúng mang lại cho bạn nhiều niềm vui thích, hứng khởi hơn là ngồi vào bàn học với đống sách vở nhàm chán. Tuy nhiên đừng chỉ nhìn vào những thú vui trước mắt mà quên đi những ước mơ, hoài bão sau này đang chờ bạn thực hiện. Nếu bạn không học, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra cho mình một lỗ hổng lớn về kiến thức mà khó bù đắp lại được. Bạn sẽ nhanh chóng chán nản việc học. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của bạn. Có thể tuổi trẻ còn dài nhưng thời gian trôi đi không trở lại, bạn sẽ không làm được việc của ngày hôm nay nếu ngày hôm nay trôi qua.
Con đường học tập có rất nhiều những hình thức khác nhau. Bạn có thể học ở trường phổ thông, học nghề, học để nâng cao chuyên môn… Bạn có thể học ở nhà trường, học trên sách vở, báo đài, học ngoài thực tế hay học ở bạn bè… Học không chỉ là điều kiện cần và đủ để được bằng cấp, để có việc làm mà học để không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình về mọi mặt, từ kiến thức, kĩ năng đến thái độ. Hãy đưa ra một giả thuyết, nếu bạn không học, bạn không thể sửa một chiếc quạt khi hỏng, bạn cũng không thể lắp một chiếc xe đạp đầy đủ phụ tùng. Chính vì thế, học để đem lại kiến thức lý thuyết cho bản thân cũng như đem lại những kĩ năng để vận dụng thực hành cho cuộc sống.
Vậy nên nếu chúng ta không chăm chỉ học tập ngay từ bây giờ thì rất có thể sau này dễ bị nghèo nàn, lạc hậu, cá nhân bất tài vô dụng, không biết lý lẽ, phân biệt đúng sai, dễ bị cám dỗ… Học sinh chúng ta hôm nay ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy nỗ lực phấn đấu trong học tập, quyết tâm học thật giỏi và rèn luyện tính cần cù, chăm chỉ trong việc học để sau này chúng ta sẽ thành công trong công việc sau này, có một cuộc sống ổn định.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Việc học tập có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Và nếu như khi còn trẻ không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc ì có ích.
Trải qua gần một trăm năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, hai mươi năm chống đế quốc Mĩ, nhân dân Việt Nam đã bỏ biết bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, và hôm nay, trên con đường hội nhập với thế giới, Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp hoá, đang trên đà phát triển. Chúng ta có quyền tự hào bởi ta là người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất anh hùng, luôn tồn tại những con người kiên cường, bất khuất, đầy trí tuệ, thông minh và sáng tạo. Thế nhưng có khi nào thế hệ tuổi trẻ Việt Nam chúng ta, những người thanh niên sắp là chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại mới nghĩ đến những tiến bộ, những mặt còn hạn chế của chính mình, để từ đó có những kết luận đúng đắn giúp đất nước ngày càng đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Học ở đây là con đường tiếp thu, lĩnh hội tri thức. Đây là quá trình lâu dài giúp mỗi con người có thể chiếm lĩnh được tri thức vô tận của thế giới. Học cho bản thân và học cho sự phát triển của xã hội. Học tập từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển con người. Nó là chìa khóa vạn năng, là cánh cửa rộng mở cho tương lai, giúp con người làm giàu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Học không chỉ có vai trò quan trọng với bản thân mỗi con người, mà còn có vai trò nhất định đối với xã hội. Học tập chính là động lực để xã hội lớn mạnh, ngày càng phát triển, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là con đường nhanh nhất đưa nước ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã khẳng định.
Qua thực tế, ta nhận thấy vẫn còn rất nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ giao cho, chẳng nghiêm túc và tự giác trong học tập... Đó là những con người lười nhác, chỉ hưởng không công, những người còn đang ngủ quên trên chiến thắng của dân tộc, chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn. Đó là những biểu hiện thật hổ thẹn với quá khứ hào hùng của cha anh, một vấn đề mà hiện nay ta cần phải quan tâm và xem xét bởi vì “Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích”. Trong những năm học phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức hết sức căn bản, nhưng nếu chúng ta không chăm chỉ học hành, lơ là, chểnh mảng thì sẽ không nắm vững được kiến thức một cách có hệ thống mà còn tốn thời gian, tiền bạc và kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao, huống chi là cả một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội mà nhân loại đã tích lũy suốt mấy ngàn năm lịch sử và những kiến thức tân tiến, hiện đại của khoa học kĩ thuật bây giờ mà nếu chúng ta không học thì sẽ trở thành những con người lạc hậu và chậm tiến. Vì thế, việc làm trước tiên của thanh niên trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là phải học tập, trang bị thật tốt cho mình vốn kiến thức, hiểu biết về thế giới, khoa học và con người... Học tập tốt không chỉ giúp ta góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh, phát triển và phồn vinh mà còn là con đường tốt nhất giúp ta đi đến một tương lai tương sáng và tốt đẹp.
Bác Hồ - một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ngay từ khi còn nhỏ, Bác luôn chăm chỉ học tập, cho đến khi trưởng thành, ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Bác chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần không ngừng học tập.
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học công nghệ giúp cho việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Nhưng chính điều đó lại tạo ra những cám dỗ khiến cho học sinh xao nhãng việc học tập. Có thể kể ra một số trường hợp như nhiều bạn học sinh bỏ học trốn đi chơi điện tử, trong lớp học không chú ý nghe giảng… Khi còn trẻ là khi chúng ta có sức khỏe, có nhiệt huyết nhưng nếu không chịu cố gắng học tập, thì sau này bạn sẽ phải cố gắng gấp đôi người khác.
Tích lũy tri thức là một quá trình dài, một quá trình bền vững. Không phải ngày một ngày hai mà chúng ta có thể tích lũy khối lượng tri thức vô tận. Tục ngữ có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “Có chí thì nên” . Nếu chịu khó học tập, chắc chắn bạn sẽ nhận được trái ngọt.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----