Chứng minh câu Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

I. Mở bài

- Dẫn dắt giới thiệu vấn đề cần chứng minh.

- Trong cuộc sống, nhiều khi đã từng khiến tôi nản ý chí, gục ngã. Nhưng khi đọc những lời khích lệ của Bác cho mọi người nhân buổi đương dựng, kháng chiến, tôi như được tiếp thêm động lực và sự cố gắng cho mình. Bác viết rằng:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

II. Thân bài

1. Giải thích

- “Đào núi và lấp biển”: Đây là cách nói ẩn dụ cho những điều lớn lao, khó khăn tưởng chừng như khó có thể đạt được

- Nội dung bài thơ: bài thơ như là sự khẳng định một chân lý sống trong cuộc đời. Mọi điều dù có khó khăn đến đâu đều có thể hoàn thành chỉ cần con người ta có ý chí quyết tâm vượt qua nó.

2. Chứng minh

- Thông điệp qua bài thơ là đúng đắn.

- Trong cuộc sống, mọi khó khăn đều có cách giải quyết.

- Những khó khăn trong cuộc sống không phải là những rào cản mà là phương thức giúp ta học cách giải quyết vượt qua, khi ấy nó sẽ trở thành bước đệm đưa ta chinh phục những chân trời mới.

- Thế giới có điện thắp sáng màn đêm u tịch, con người có thể “bay” trên bầu trời như là một kỳ tích nhờ sự sáng tạo ra máy bay. Những điều ấy có thể với những người trước đây là điều không thể, thậm chí là ảo tưởng điên rồ. Nhưng mọi sự đều có thể trở thành sự thật, như là cách bác khẳng định không có việc gì khó, bất khả thi.

- Tuy nhiên mọi khó khăn sẽ chỉ được vượt qua nếu nó được xây đắp bởi lòng kiên trì, sự bền bỉ của một ý chí quyết tâm.

- Ta không thể trông chờ vào một kỳ tích xuất hiện như há miệng chờ sung. Khó khăn chỉ có thể vượt qua khi ta có động lực phấn đấu không ngừng nghỉ.

- Dẫn chứng: Điều gì khiến Edison vẫn tiếp tục cố gắng sau ngàn thí nghiệm thất bại? Ý chí nghị lực đã giúp nhà bác học thiên tài tiếp tục cố gắng nỗ lực, để rồi ánh sáng con người ấy tạo ra đã thắp sáng cả nhân loại. Trong lịch sử kháng chiến của dân tộc, đất nước Việt Nam ta đã chiến thắng cường quốc trên thế giới, mà lịch sự gọi là lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Một đất nước mạnh về quân sự, kinh tế tưởng như là không thể. Nhưng ta có điều họ không thể có, đó là ý chí quyết tâm, khao khát độc lập tự do cho dân tộc. Đó là lòng yêu nước, đã trở thành ngọn lửa, sức mạnh để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh bại. Chiến thắng chỉ dành cho những người có ý chí kiên cường, bởi có nó thì dù “đào núi” hay “lấp biển” ta vẫn tin rằng mình có thể chiếm lĩnh.

3. Mở rộng

- Tuy nhiên chắc rằng trong cuộc sống những khó khăn sẽ không hề dễ dàng vượt qua. Nhiều ban thì thế mà cũng dễ dàng từ bỏ nản chí. Nhưng bạn ơi “Thất bại là mẹ thành công”, bởi vậy hãy nuôi dưỡng ý chí bằng những lời tự động viên khích lệ cho mình

- Có ý chí, ta còn cần phải bắt tay hành động, thực hiện nếu không ý chí ấy sẽ rơi vào mù quáng, ảo vọng.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy chứng minh câu Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Để có được ngày hôm nay ông cha ta đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ. Để có được thành công con người phải bền gan, vững chí, phải có lòng quyết tâm, kiên trì, tinh thần vượt khó. Nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về phẩm chất tinh thần đặc biệt ấy, trong một lần nói chuyện với thanh niên, Bác Hồ đã ân cần khuyên bảo:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Chỉ với vài câu thơ ngắn ngủi, Bác Hồ đã dạy bảo chúng ta một chân lý trong cuộc sống. Nếu có ý chí, quyết tâm thì dù công việc khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua. Chân lý đó đã được hiện thực cuộc sống khẳng định và chứng minh. Lời thơ của Bác vô cùng dễ hiểu, giống như những lời nói thường ngày. Không có việc gì khó khăn, chỉ sợ không có ý chí, lòng kiên trì, sự nhẫn nại; công việc dù gian nan đến đâu, chỉ cần ta quyết chí thì ắt sẽ thành công. Hình ảnh “đào núi và lấp biển” chỉ là hình ảnh mang tính ước lệ, khái quát tượng trưng cho những công việc phi thường tưởng chừng khó thực hiện được. Nhưng nếu có ý chí, sự nỗ lực con người nhất định sẽ đạt được ước mơ.

Mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình. Ai cũng đều có khả năng làm nên những điều lớn lao. Rõ ràng trên bước đường đời ta luôn khao khát bản thân mình có thể làm được điều gì đó vĩ đại, tô điểm cho cuộc sống của chính mình. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là ta phải vượt qua mọi khó khăn thử thách để có thể đạt được mục tiêu mà mình đã chọn. Nelson Mandela đã từng phải ra khám vào lao, đã chịu bao nhiêu miệt thị rồi cả những trận đòn roi để có thể đứng lên chống nạn phân biệt chủng tộc. Đó chẳng phải là một minh chứng hùng hồn hay sao?

Những gian lao thử thách, chỉ cần chúng ta bền chí bền lòng ắt sẽ thành công. Cuộc đời không hề phụ lòng người, thành công sẽ đến với những ai đam mê và quyết tâm thật sự để đạt được nó. Dẫu biết rằng trong cuộc đời này, để khiến mình thành công là một điều không mấy dễ dàng, khi đó chính lòng quyết tâm sẽ là chiếc chìa khóa hữu ích giúp ta mở ra con đường đến với tương lai. Ý chí kiên cường là cánh tay nâng bước con người qua những vực sâu thử thách. Dù bước đường có nhiều chông gai thử thách đến đâu thì những quyết tâm và ý chí sắt đá có thể đẩy lùi mọi thử thách và hướng con người ta tới một tương lai tràn đầy ánh sắc và tỏa hương. Hồ Chí Minh khi còn trẻ cũng đã từng ra đi với hai bàn tay trắng để trở về giải phóng dân tộc, để làm những việc “đào núi” và “lấp biển” mà không phải ai cũng sẵn sàng đảm đương. Sở dĩ ta không dám làm những việc lớn lao vì tâm lý e ngại, tự ti mình không làm được. Thế nhưng nên nhớ rằng thành công được tạo nên từ những quyết tâm và sự cần cù cố gắng. Chỉ cần bản thân ta có đam mê, có quyết tâm, có năng lực thì việc “đào núi” hay “lấp biển” đâu có xá gì.

Chắc hẳn ai cũng biết đến tấm gương đầy nghị lực của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thuở nhỏ, thầy bị liệt cả hai tay không viết được. Trải qua bao đau đớn, bao khó khăn, chật vật của những lần bị chuột rút cuối cùng thầy đã có thể viết chữ bằng chân. Không những thế, chữ của thầy còn rất đẹp. Sau này, thầy trở thành người nhà giáo ưu tú được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, cảm phục. Thầy thực sự là một tấm gương lớn cho thế hệ thanh niên Việt Nam. Tiếp sau thầy Nguyễn Ngọc Ký còn có nhà văn Mai Xuân Thưởng. Trong một vụ tai nạn giao thông, anh đã bị mất hai cánh tay nhưng vượt lên trên những mặc cảm, những khổ đau anh đã tự học rồi trở thành một nhà văn. Lương Định Của là một nhà bác học nghiên cứu về nông nghiệp. Để tạo một giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, bác phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hằng ngày từ tờ mờ đất bác đã ra ruộng lội bì bõm nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Qua nhiều vụ lúa dày công, một giống lúa mới được tạo lập đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình đất nước đã ghi công sự kiên nhẫn, bền bỉ của bác trong nỗ lực đem lại sự no ấm cho cuộc đời… Còn nhiều hơn nữa những con người thành công, vượt qua mọi khó khăn gian khổ bằng khả năng của bản thân. Những nghị lực phi thường đó sẽ được đời sau tôn vinh. Còn với thế hệ chúng em, những tấm gương đó đã và đang động viên chúng em vượt qua khó khăn đồng thời tận dụng những thuận lợi của hoàn cảnh để cố gắng nỗ lực đạt được những thành tích tốt nhất trong học tập, sáng tạo.

Bốn câu thơ trên của Bác là một lời khuyên vô cùng quý báu. Bằng trí tuệ sắc sảo, Bác đã vạch ra chân lý đúng đắn nhất cho thế hệ trẻ. Bằng trái tim tràn đầy tình yêu thanh niên, Bác đã ân cần khuyên nhủ, động viên mọi thế hệ hôm nay và mai sau có được phương pháp hành động và suy nghĩ đúng đắn để thành người có ích hơn cho xã hội, cuộc sống sẽ ấm lo hạnh phúc hơn.

2. Bài văn mẫu số 2

Kiên trì bền bỉ và không ngừng nỗ lực sẽ luôn dẫn ta đến con đường thành công. Luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn thì đó mới là cuộc sống chân chính. Trên đời không có gì mạnh hơn ý chí có ở con người. Bởi thế, Bác Hồ đã từng khuyên rằng:

“Không có việc gì khó.

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Bài thơ là lời căn dạy đúng đắn và đáng trân trọng của người cha già vĩ đại. Câu nói thể hiện lòng kiên trì và sự quyết tâm không ngừng cố gắng để đạt được mục đích bản thân.

Không có việc gì khó có nghĩa là không có việc gì khó đến mức không thể làm được. Bền lòng là sự bền bỉ, cố gắng, sức chịu đựng khó khăn trong một thời gian dài. “Đào núi và lấp biển” là những hình ảnh tượng trưng cho sự khó khăn vất vả, tưởng chừng như không thể đạt được. Quyết chí là có ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn.

Lời dạy của Bác Hồ đề cao vai trò sức mạnh ý chí của con người trong mọi việc, đặc biệt là ý chí của nhân dân, của tập thể, của người cách mạng. Người từng dạy quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Người từng khuyên cán bộ ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây hoàn toàn không phải là Bác Hồ khinh thường khó khăn, chủ trương “ý chí luận”, mà là Người rất coi trọng yếu tố chủ quan của con người. Bởi vì nếu thiếu đi yếu tố đó thì dù điều kiện có thuận lợi đến đâu cũng dễ dàng bị bỏ qua, không được tận dụng.

Trong lời khuyên của Bác có một câu rất quan trọng: “Chỉ sợ lòng không bền”. Không sợ khó mà lại sợ lòng không bền. Câu nói đó nói lên một nhược điểm thường gặp của con người là sợ gian khổ, dễ ngã lòng. Chính vì con người thường sợ khó cho nên việc khó lại càng khó! Đặc biệt là khi làm việc lớn, như đào núi lấp biển, kháng chiến chống giặc thì lại càng phải bền lòng hơn nữa. Có người nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” cũng là nói về ý này.

Cuộc sống là một hành trình vô tận với thật nhiều khó khăn, thử thách. Nếu như con người không đủ bản lĩnh thì khi phải đương đầu với chúng, họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc, chán nản rồi rơi vào thất bại. Nhưng nếu có được quyết tâm, một ý chí mạnh mẽ cùng lòng kiên trì thì mọi thử thách chỉ là bước đệm để vươn tới thành công. Chắc hẳn không ai là không biết đến vị cố tổng thống nước Mỹ, Abraham Lincoln - là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Bố mẹ của ông đều là những người nông dân thất học và mù chữ. Cuộc đời Lincoln gặp nhiều thất bại cũng như thành công. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều lấy lại tinh thần, coi đó là nguồn động lực để tiếp tục cố gắng. Cho đến bây giờ, cái tên Abraham Lincoln luôn được xem là một nhà chính trị tiêu biểu sánh ngang với vị tổng thống khai quốc huyền thoại - George Washington. Có ai mà không biết đến Cao Bá Quát - một con người nổi tiếng với tài văn hay chữ tốt. Nhưng khi còn đi học, ông thường bị cho điểm kém vì chữ xấu. Một lần nọ, Cao Bá Quát có viết đơn cho một bà cụ để kêu oan. Bà cụ đem nộp lá đơn lên cho quan nhưng vì chữ viết quá xấu mà quan đọc không được bèn thét lính đuổi bà cụ ra khỏi công đường. Khi đó, ông mới thấm thía rằng: “dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì!”. Chính vì lẽ đó, Cao Bá Quát đã quyết tâm luyện chữ với phương pháp vô cùng công phu. Tối nào ông cũng luyện viết và phải viết xong mười trang vớ mới chịu đi ngủ.

Một học sinh - việc hiểu được ý nghĩa trong lời khuyên của Hồ Chủ tịch sẽ đem đến những bài học ý nghĩa. Hãy luôn cố gắng học tập, không ngại phải đối mặt với những khó khăn gặp phải khi giải một bài toán khó hay viết một bài văn… Xung quanh tôi, có nhiều bạn dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn vươn lên cố gắng học tập và đạt thành tích tốt.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?