CÂU HỎI ÔN THI MÔN XÃ HỘI HỌC ĐẠI CƯƠNG CÓ ĐÁP ÁN
Câu 1: Phân tích tiền đề ra đời của xã hội học. Tại sao nói xã hội học ra đời vào đầu thế kỷ XIX là một tất yếu lịch sử?
- TL: Con người, ngay từ khi mới xuất hiện trên trái đất đã có khao khát tìm hiểu những hiện tượng, sự kiện xã hội đang diễn ra trong đời sống xã hội và tìm hiểu về chính bản thân con người. Khát vọng tìm hiểu về đời sống xã hội của loài người đã hình thành nên các lý giải xã hội khác nhau, trong buổi ban đầu có thể là sơ khai mộc mạc hay mang màu sắc thần thoại. Đa số các nhà xã hội học cho rằng mặc dù cho đến những năm 30 của thế kỷ 19, xã hội học mới được hình thành như một khoa học độc lập, các tư tưởng về xã hội đã có từ thời cổ đại. Nhưng trước thế kỉ 19, nghiên cứu xã hội với tư cách là một chỉnh thể vẫn thuộc địa bàn riêng của triết học, khi đó bị tách khỏi đời sống thực tế chứa đầy những lập luận trừu tượng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của xã hội học như môn khoa học độc lập là sự xuất hiện của thuật ngữ “xã hội học” do August Comte, nhà xã hội học người Pháp đưa ra vào năm 1838.
- Bối cảnh xã hội cho sự xuất hiện của xã hội học là các biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội ở châu Âu vào thế kỉ thứ 18 và 19. Thực tiễn xã hội đã đặt ra những nhu cầu mới đối với nhận thức xã hội. Việc xã hội học xuất hiện ở châu Âu thế kỉ 19 được xem như là một tất yếu lịch sử xã hội, thể hiện nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện và những tiền đề biến đổi của nhận thức đời sống xã hội.
Câu 2: Phân tích những đóng góp chủ yếu của August Comte đối với việc hình thành và phát triển xã hội học.?
TL: Về thuật ngữ: Xã hội học (Sociology) có gốc ghép từ chữ La tinh socius hay societas có nghĩa là xã hội với chữ Hi lạp ology hay logos có nghĩa là học thuyết hay nghiên cứu. Như vậy xã hội học được hiểu là học thuyết về xã hội hay nghiên cứu về xã hội.
Về mặt lịch sử: August Comte- người Pháp là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ xã hội học vào năm 1838. Ông chủ trương áp dụng mô hình phương pháp luận của khoa học tự nhiên và chủ nghĩa thực chứng vào nghiên cứu các qui luật của sự biến đổi xã hội
Từ khi xuất hiện đến nay xã hội học trải qua nhiều giai đoạn phát triển ở nhiều quốc gia khác nhau và có nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội học. Các định nghĩa này có thể khái quát thành ba xu hướng như sau:
- . Định nghĩa xã hội học là khoa học về hệ thống xã hội
- . Định nghĩa xã hội học là khoa học nghiên cứu về hành động xã hội
- Khuynh hướng kết hợp định nghĩa xã hội học như là khoa học về hệ thống xã hội và về hành động xã hội
Câu 3: Tại sao chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx là cơ sở lý luận và phương pháp luận xã hội học? Trình bày những quan điểm cơ bản của Marx về bản chất của xã hội và bản chất của con người.?
TL: Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx là cơ sở lý luận và phương pháp luận xã hội học :
- Hệ thống quan điểm của Marx phản ánh sâu sắc những biến động của thế kỷ XIX với các cuộc cách mạng chính trị, công nghiệp hóa và chủ nghĩa tư bản đang làm tan rã chế độ phong kiến và các trật tự xã hội đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó. Cuộc đời của Marx là quá trình kết hợp những hoạt động nghiên cứu khoa học và những hoạt động cách mạng thực tiễn. Với tư cách là nhà khoa học xã hội, Mác đã phân tích sự vận động của xã hội và chủ nghĩa tư bản và chỉ ra qui luật phát triển của lịch sử xã hội loài người. Marx đã để lại những tác phẩm vĩ đại như bộ “Tư bản”, “Bản thảo kinh tế - triết học”, “Gia đình thần thánh”, “Hệ tư tưởng Đức”….
- Marx không tự xem mình là nhà xã hội học, nhưng công trình của ông quá rộng lớn để có thể bao hàm phạm vi xã hội học, những công trình của Marx đã từng là một vấn đề chủ yếu trong việc định hình nhiều lý thuyết xã hội học. Các tác phẩm của Marx chứa đựng hệ thống lý luận xã hội học hoàn chỉnh cho phép vận dụng để nghiên cứu bất kỳ xã hội nào. Cùng với Herbert Spencer, Emile Durkheim và Max Weber, Kark Marx là người đặt nền móng phát triển xã hội học hiện đại
- Quan niệm về bản chất của xã hội và con người:
- Theo Mác, bản chất của xã hội và của con người bị qui định bởi hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Do đó nghiên cứu xã hội học cần phân tích các cách tổ chức mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người và xã hội trong việc sản xuất ra các phương tiện để sinh tồn và phát triển.
- Marx cho rằng bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và rằng con người không ngừng nâng cao các nhu cầu mới. Xã hội học cần vạch ra những cơ chế, điều kiện xã hội cản trở hay thúc đẩy phát triển những năng lực phẩm chất của con người trong quá trình lao động xã hội.
- Theo Marx, sản xuất của xã hội phụ thuộc vào phân công lao động. Phân công lao động dựa vào hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và do đó sinh ra cơ cấu phân tầng xã hội. Như vậy, về mặt thực tiễn cần phải xóa bỏ thay thế chế độ sở hữu tư nhân bằng sở hữu toàn xã hội. Về mặt lý luận, nghiên cứu xã hội học cần tập trung phân tích cơ cấu xã hội để chỉ ra ai là người có lợi và ai là người bị thiệt trong cách tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội hiện có. Bất bình đẳng xã hội phải là một chủ đề nghiên cứu cơ bản của Xã hội học.
- Ở mọi xã hội, ý thức xã hội bị qui định bởi tồn tại xã hội. Lý luận xã hội học cần tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ cấu vật chất và cơ cấu tinh thần xã hội.
Câu 4: Trình bày Quan niệm về xã hội học của Emile Durkheim ?
TL: Durkheim định nghĩa xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện xã hội (social facts). Xã hội học sử dụng phương pháp thực chứng đến nghiên cứu, giải thích nguyên nhân và chức năng của các sự kiện xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu của xã hội học là tìm ra các qui luật xã hội để từ đó tạo ra trật tự xã hội trong xã hội hiện đại. Durkheim chủ trương xã hội học phải trở thành khoa học về các qui luật tổ chức xã hội. Theo Durkheim, để xã hội học trở thành khoa học phải xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học một cách khoa học. Cần coi xã hội, cơ cấu xã hội, thiết chế xã hội, đạo đức, truyền thống, phong tục, tập quán, ý thức tập thể… như là các “sự kiện xã hội”, các sự vật, các bằng chứng xã hội có thể quan sát được. Cần áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như quan sát, so sánh, thực nghiệm… để nghiên cứu, phát hiện ra các qui luật của các sự vật, sự kiện xã hội.
Câu 5: Trình bày Quan niệm của Max Weber về xã hội học ?
- TL: Theo Weber về xã hội học vừa có đặc điểm của khoa học xã hội vừa có đặc điểm của khoa học tự nhiên. Trước hết, Weber cho rằng, xã hội học là khoa học có nhiệm vụ lý giải động cơ, ý nghĩa của hành động xã hội, có nghĩa là, xã hội học không giống như khoa học tự nhiên vì đối tượng nghiên của của nó là hành động xã hội và phương pháp nghiên cứu là giải nghĩa. Tuy nhiên, Weber cũng cho rằng, giống như các khoa học khác, xã hội học tiến tới cách giải thích nhân quả về đường lối và hệ quả của hoạt động xã hội. Như vậy, Weber vừa khẳng định xã hội học là khoa học như khoa học tự nhiên vừa chỉ ra bản sắc của xã hội học với tư cách là khoa học xã hội.
- Trong khi nhấn mạnh đồng thời cả việc quan sát bên ngoài và việc nắm bắt, lý giải những hiện tượng bên trong của hành động xã hội, Weber đã phân loại hai loại lý giải : Thứ nhất, lý giải trực tiếp thể hiện trong quá trình nắm bắt nghĩa của hành động qua quan sát trực tiếp những đặc điểm, biểu hiện của nó. Thứ hai, lý giải gián tiếp là giải thích động cơ, ý nghĩa sâu xa của hành động qua việc hình dung ra tình huống, bối cảnh của hành động.
- Weber cho rằng xã hội học có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi về động cơ, ý nghĩa của hành động xã hội và mục tiêu của xã hội học là đưa ra những khái niệm chung, có tính chất khái quát, trừu tượng về hiện thực lịch sử xã hội.
Câu 6: Kể tên các lí thuyết xã hội học chủ yếu ?
- TL: Thuyết chức năng (function theory)
- Thuyết tương tác biểu trưng (symbolic interaction theory)
Câu 8: Đối tượng nghiên cứu của Xã hội học ?
Do tính chất “nước đôi” của các tri thức xã hội học mà các quan niệm về đối tượng nghiên cứu của xã hội học không chỉ khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau. Đối tượng nghiên cứu của xã hội học có sự thay đổi qua các thời kỳ. Thời kỳ trước năm 1960, có hai cách tiếp cận khác nhau:
- Thứ nhất, xã hội học Châu Âu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học thực chứng và thuyết tiến hoá, nên đối tượng nghiên cứu là tính chỉnh thể của tổ chức xã hội, tính hệ thống của nó trong mối quan hệ chi phối các nhân. Tức là nghiên cứu cấu trúc xã hội hay xã hội học vi mô.
- Thứ hai, xã hội học Mỹ chịu ảnh hưởng của thuyết hành vi và chủ nghĩa thực dụng. Đối tượng nghiên cứu là các hành vi cá nhân, các cơ chế hình thành hành vi cá nhân, sự tương tác liên cá nhân, sự hình thành động cơ, các tác nhân hành động của nhóm. Tức là nghiên cứu hành động xã hội hay xã hội học vi mô.
- Giai đoạn hiện nay cũng có hai cách tiếp cận về đối tượng nghiên cứu của xã hội học:
- Một là, tiếp cận đối tượng xã hội học từ hai phía: hành vi xã hội của con người và hệ thống xã hội (cấu trúc xã hội), do có sự xâm nhập lẫn nhau của xã hội học Châu Âu và xã hội học Mỹ.
- Hai là, tiếp cận theo phương pháp phân tích kinh tế chính trị của Mác, lấy các cơ sở kinh tế và các cộng đồng xã hội làm khái niệm then chốt, hạt nhân để triển khai ra các phạm vi khác. Cách tiếp cận này rất thịnh hành ở các nước Đông Âu và Liên xô trước đây.
- Tóm lại, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là tất cả các quá trình và hiện tượng xã hội, về mức độ biểu hiện, nguyên nhân, động lực và các xu hướng phát triển của chúng.
Câu 9: Chức năng của xã hội học ?
Chức năng nhận thức:
Chức năng nhận thức của xã hội học thể hiện trên ba điểm cơ bản sau đây :
- Thứ nhất, xã hội học cung cấp tri thức khoa học về bản chất của hiện thực xã hội và con người.
- Thứ hai, xã hội học phát hiện các qui luật, tính qui luật và cơ chế nảy sinh vận động và phát triển của các quá trình, hiện tượng xã hội, của mối tác động qua lại giữa con người và xã hội.
- Thứ ba, xã hội học xây dựng và phát triển hệ thống các phạm trù, khái niệm, lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu xã hội.
Chức năng thực tiễn.
- Chức năng thực tiễn của xã hội học có mối quan hệ biện chứng với chức năng nhận thức và là một trong những mục tiêu cao cả của xã hội học thể hiện ở sự nỗ lực cải thiện xã hội và cuộc sống của con người.
- Chức năng thực tiễn của xã hội học thể hiện trước hết ở sự vận dụng các qui luật xã hội học trong hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó, xã hội học góp phần giải quyết đúng đắn kịp thời những vấn đề nảy sinh trong xã hội.
- Nghiên cứu xã hội học hướng tới dự báo những vấn đề sẽ xảy ra và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để kiểm soát các hiện tượng, quá trình xã hội tiến tới cải tạo được thực trạng xã hội.
- Trong quá trình thực hiện chức năng thực tiến, các khái niệm, các lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu của xã hội học cũng được cọ sát, kiểm chứng để từ đó sửa đổi, phát triển.
Chức năng tư tưởng.
- Ngoài chức năng nhận thức và chức năng thực tiến chung cho mọi khoa học, cũng như các khoa học xã hội khác, xã hội học có chức năng tư tưởng. Chức năng này thể hiện ở chỗ, xã hội học góp phần trang bị thế giới quan khoa học cho người học, các tri thức xã hội học mang tính giai cấp, hướng tới phục vu cho lợi ích và sự nghiệp của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, xã hội học cũng góp phần hình thành và phát triển phương pháp tư duy khoa học và khả năng suy xét phê phán.
Câu 10: Trình bày Mối liên hệ của xã hội học với các môn khoa học khác?
Xã hội học với triết học
- Triết học nghiên cứu các qui luật chung nhất về tự nhiên, xã hội và tư duy. Trong xã hội, triết học nhiên cứu các qui luật chung về sự hình thành và phát triển của xã hội. Triết học là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho các khoa học xã hội trong đó có xã hội học. Xã hội học khác với triết học ở chỗ, về mặt nội dung: triết học nghiên cứu những qui luật chung của xã hội còn Xã hội học nghiên cứu cả những vấn đề xã hội chung và những vấn đề xã hội cụ thể. Về mặt phương pháp nghiên cứu, sức mạnh của triết học là tư duy trừu tượng và tính khái quát còn Xã hội học sử dụng các phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu các hiện tượng xã hội, đồng thời sử dụng tư duy trừu tượng và coi các quan điểm của triết học như là những nguyên tắc phương pháp luận.
Xã hội học và tâm lý học.
- Tâm lý học là khoa học về hành vi của các cá nhân, về các quá trình hình thành tâm lý (tình cảm, biểu tượng, ước mơ), nghiên cứu về cách thức hình thành kỹ năng kĩ xảo, và về hoạt động tâm lý của con người. Xã hội học cũng nghiên cứu con người nhưng là những con nguời xã hội, tức là thái độ của con nguời trước các vấn đề, hiện tượng xã hội hay ảnh hưởng của các hiện tượng xã hội đến hành vi của con người. Về mặt lịch sử, Emile Durkheim là người đã có công tách xã hội học ra khỏi tâm lý học.
Xã hội học và kinh tế học
- Xã hội học và kinh tế học có quan hệ chặt chẽ và mang tính truyền thống. Kinh tế học là khoa học về quá trình sản xuất xã hội của con nguời (sản xuất, quản lý, phân phối và lưu thông sản phẩm), nghiên cứu các vấn đề như việc làm, thất nghiệp, lạm phát… Về phương pháp nghiên cứu, hai môn khoa học này có nhiều nét tương đồng, nhưng kinh tế học chỉ tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế còn xã hội học nghiên cứu cả các lĩnh vực khác của xã hội.
Xã hội học và nhân chủng học
- Đối tượng của hai ngành này giống nhau ở nhiều điểm, nhưng nhân chủng học thường nghiên cứu các xã hội trong quá khứ, và các dân tộc phát triển chậm, còn xã hội học thường định hướng vào các xã hội hiện đại và các xã hội phát triển.