Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 11 năm 2021 Trường THPT Hà Huy Tập

TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một phụ nữ vừa mất con trai, bà tìm đến một nhà hiền triết và nói:

“Có lời cầu nguyện nào mà ông biết có thể đem con trai tôi sống lại?”

Nhà hiền triết bảo:

“Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào chưa từng bao giờ biết đến đau khổ”.

Người phụ nữ ngay lập tức lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên bà đến gõ cửa một ngôi nhà lớn sang trọng và hỏi:

“Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ gia đình chưa bao giờ biết đến đau khổ, có phải nơi này không?”

Họ trả lời bà đã đến nhầm chỗ và bắt đầu kể những tai họa đã xảy đến với gia đình họ. Bà ngồi lại an ủi họ rối tiếp tục lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.

Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác.

Bà trở nên quan tâm và rất muốn chia sẻ nỗi buồn của người khác đến nỗi bà đã quên đi nỗi buồn của chính bà và quên câu hỏi về hạt giống cây mù tạt thần kỳ mà bà tìm kiếm.

Thế đó, cách quên đi nỗi buồn của chính mình tốt nhất là hãy chia sẻ với những người khác, bạn sẽ thấy được sự cảm thông và nỗi buồn của chính mình cũng được tan biến đi. Hãy quên đi nỗi buồn, bạn nhé!

1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? (0.5 điểm).

2. Anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh hạt giống cây mù tạt trong câu văn “Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào chưa từng bao giờ biết đến đau khổ“.(0.75 điểm).

3. Anh (chị) hiểu như thế nào về câu “bất cứ nơi nào bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác”. (0,75 điểm).

4. Thông điệp nào của văn bản trên để lại cho anh (chị) nhiều suy nghĩ nhất? (1,0 điểm).

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Anh (chị) hãy viết đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về câu: “cách quên đi nỗi buồn của chính mình tốt nhất là hãy chia sẻ với những người khác, bạn sẽ thấy được sự cảm thông và nỗi buồn của chính mình cũng được tan biến đi”.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Câu 1 (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Narziss là một chàng trai rất xinh đẹp. Vẻ đẹp của chàng khiến các nữ thần phải say mê, đắm đuối. Nhưng chàng không hề để tâm hay đáp lại một ai. Ngày ngày, chàng soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp mang tên Narziss, đó là hoa thuỷ tiên.

(Lược dẫn theo Nhà giả kim, Paolo Coelho, NXB Văn học, 2015, tr 11)

1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)

2. Hãy đặt nhan đề cho đoạn trích. (0,5 điểm)

3. Nêu nội dung đoạn trích. (1,0 điểm)

4. Từ câu chuyện về chàng Narziss, nếu được phép giải thích ý nghĩa cho các loài hoa, anh/chị sẽ nói như thế nào về hoa thuỷ tiên? (2,0 điểm)

Câu 2. (6,0 điểm)

Suy nghĩ của anh /chị về nhan đề quyển sách trên.

Câu 3. (10,0 điểm)

Về văn học trào phúng, có ý kiến cho rằng: "Đó là một khái niệm bao trùm lĩnh vực văn học của tiếng cười"

(Từ điển thuật ngữ văn học, Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2008, tr 303)

Cảm nhận của anh/chị về tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Câu 1. (4,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt của đoạn trích: tự sự

2. Đặt nhan đề cho đoạn trích: HS có thể đặt các nhan đề khác nhau miễn là phù hợp nội dung văn bản và ngắn gọn: theo nhân vật chính, theo một chi tiết đặc sắc trong văn bản, theo nội dung/ý nghĩa văn bản (Narziss, chuyện chàng Narziss, hoa thuỷ tiên, sự tích hoa thuỷ tiên...)

3. Nội dung đoạn trích: kể về sự tích hoa thuỷ tiên

4. Từ câu chuyện về chàng Narziss, giải thích ý nghĩa cho hoa thuỷ tiên:

- Chàng Narziss được yêu mến , say mê nhưng không hề để tâm hay đáp lại một ai đó là một người lạnh lùng, vô tình.

- Chàng tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình, say mê mình đó là một con người chỉ biết yêu bản thân

- Như vậy, hoa thuỷ tiên có thể là là biểu tượng cho những kẻ lạnh lùng, ích kỉ

Câu 2. (6,0 điểm)

1. Giải thích ý kiến

- "Hướng gió" là những điều kiện khách quan, là hoàn cảnh xã hội nhiều biến động thử thách điều khiển cánh buồm: là hành động của bản thân, yếu tố chủ quan thuộc về con người

- Con người không thay đổi được hoàn cảnh thì phải biết tính toán, hành động khắc phục hoàn cảnh hoặc lợi dụng hoàn cảnh để hoàn thành mục tiêu, để đạt được thành công.

- Ý kiến trên đề cao vai trò chủ quan của con người trước các điều kiện khách quan của cuộc sống

2. Bàn luận

- Đây là ý kiến đúng đắn: Sự thành công hay thất bại trong cuộc đời mỗi người là do chính bản thân người ấy quyết định.

- Hoàn cảnh khách quan là yếu tố ngoài bản thân nên rất khó tác động, trừ các bậc vĩ nhân, không phải tất cả mọi người đều có thể thay đổi hoàn cảnh, cũng không phải hoàn cảnh luôn là điều kiện thuận lợi cho con người. Nếu trong hoàn cảnh khó khăn thử thách mà con người biết vượt lên, biết tự điều chỉnh tư duy, hành động để ứng phó với các yếu tố bất lợi thì sẽ đi đúng hướng và đến được cái đích cần đến.

- Dù hoàn cảnh có thuận lợi nhưng nếu con người không biết nắm bắt cơ hội, không tận dụng được sự hỗ trợ của các yếu tố khách quan thì sẽ không vươn tới được ước mơ.

- Mở rộng: Không thể phủ nhận vai trò của hoàn cảnh sống, của các điều kiện khách quan trong sự thành bại của con người.

- Gặp điều kiện thuận lợi sẽ được "thuận buồm xuôi gió", gặp "cuồng phong" dễ bị cuốn đến chỗ thảm bại.

---(Để xem tiếp đáp án của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Câu 1 (3.0 điểm):

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sau của Shakespeare: "Ước mong mà không kèm theo hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới mục đích".

Câu 2 (7.0 điểm):

"Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật". (Hà Minh Đức)

Anh/ chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ bằng việc phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao: Cái lò gạch bỏ không – Nhà tù – Túp lều Chí Phèo – Cái lò gạch bỏ không.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Câu 1 (3 điểm)

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:

1. Giải thích quan niệm: (0,5đ)

- Ước mong là những mong muốn, ước mơ về những điều tốt đẹp trong tương lai. Người ta sống ai cũng mong muốn về những điều tốt đẹp cho mình (trong thực tế vẫn có những ước mong không chính đáng, ta quan niệm rằng đó chỉ là những dục vọng thấp hèn). Nhưng từ hiện thực của đời sống đến hiện thực cần vươn tới để đạt được trong tương lai là một khoảng cách. Nó là cả một đường bay dài – hiểu theo cách nói Shakespeare.

- Ước mong phải đi đôi với hành động, Nếu ước mong mà không thực hiện bằng những việc làm cụ thể thì cuối cùng ước mong đó cũng chỉ là mong ước. Shakespeare rất có ý thức nhấn mạnh vai trò của hành động trong việc hiện thực hóa ước mơ của con người. Chỉ bằng hành động ta mới đạt được những gì mình cần đạt tới.

2. Phân tích, chứng minh và bình luận về quan niệm: (1,25đ)

- Quan niệm trên là một quan niệm đúng đắn. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai hoàn thành sở nguyện của mình khi cứ ngồi mong ước suông. Những người thành đạt trong đời luôn làm việc, luôn hành động.

- Hành động luôn cần thiết đối với tất cả mọi người – nhất là những hành động mang tính định hướng. Không phải có hành động là sẽ có thành công nhưng muốn thành công thì phải hành động. Hành động hợp lý sẽ rút ngắn con đường đến đích. Nếu ngược lại, con đường ấy sẽ kéo dài thêm ra (dẫn chứng)

- Hành động có thể dẫn đến thành công hay thất bại song điều quan trọng là phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại đó (dẫn chứng).

- Ước mong phải phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Ước mong xa vời, thiếu thực tế thì dù có cố gắng đến mấy cũng khó mà đạt được (dẫn chứng)

- Nếu ai đó trong đời thường bất chấp tất cả nhằm thỏa mãn ước mong của mình thì đó là một sai lầm lớn (dẫn chứng).

3. Bài học nhận thức và hành động: (0,75đ)

- Quan niệm của Shakespeare góp phần nhắc nhở những ai chỉ biết ước mong mà không chịu hành động.

- Ở một góc độ khác, có thể xem quan niệm trên là lời tán thành, biểu dương những con người luôn làm việc không ngừng để đạt được ước mong của mình.

4. Khẳng định đây là một quan niệm đúng đắn, cần phát huy; kết hợp bày tỏ thái độ, suy nghĩ của bản thân đối với mỗi con người trong cuộc sống. (0.5đ)

Câu 2: (7 điểm):

1. Giải thích nhận định (1,0đ)

- Cái đẹp trong tác phẩm văn học chủ yếu thể hiện ở: Nội dung tư tưởng cao cả, hình thức nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo.

- Cái đẹp của sự thật cuộc sống: Bắt nguồn từ hiện thực, phản ánh sâu sắc những vấn đề con người quan tâm, trăn trở; phục vụ và góp phần cải tạo cuộc sống ...

- Cái đẹp được khám phá một cách nghệ thuật: Sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo trong phản ánh hiện thực: tạp nên sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; đem lại những giá trị thẩm mĩ cao...

→ Ý nghĩa khái quát: Khẳng định tầm quan trọng của hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn đối với việc sáng tạo cái đẹp.

2. Phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo để làm sáng tỏ ý kiến trên: (4,5đ)

- Ý nghĩa sơ đồ không gian: Đó là hệ thống các chi tiết không gian được nhà văn sắp xếp để phản ánh những bược ngoặt trong cuộc đời của nhân vật Chí Phèo. Mỗi chi tiết có ý nghĩa quan trọng khác nhau đối với số phận nhân vật:

- Cái lò gạch: một cuộc đời bị bỏ rơi.

- Nhà tù: Nơi giam cầm và tha hóa người lương thiện.

- Túp lều Chí Phèo: tối tăm, nơi Bá Kiến cầm tù linh hồn quỷ dữ, cũng là nơi gặp gỡ của tình yêu thương và thức tỉnh bản chất lương thiện của Chí.

---(Để xem đầy đủ nội dung của câu 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

Câu 1 (4,0 điểm)

Trong viện động vật học có một giáo sư triết học đang ngồi truyền thụ triết học cho các loài động vật. Giáo sư triết học đó giảng giải rất nhiều những lý luận trống rỗng, ông nói: "Bất kể sự vật nào đều cần phải bắt đầu từ căn bản, cũng giống như bất kể một kiến trúc nào cũng đều cần làm từ móng đáy đi lên". Có một con ếch nghe mà không bình tĩnh được nữa liền hỏi vị giáo sư: "Xin hỏi giáo sư, có thật tất cả những kiến trúc đều phải làm từ đáy lên không?". Giáo sư triết học nhìn thẳng vào con ếch và nói: "Đương nhiên! Ếch ngồi đáy giếng". Con ếch phản kích lại nói: "Chính vì là ếch ngồi đáy giếng nên tôi mới hỏi ông, chẳng lẽ đào giếng cũng làm từ dưới tầng đáy lên?". Vị giáo sư triết học há hốc mồm không nói được câu gì.

(Dựa theo Tri thức Việt. Tuyển chọn và dịch)

Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề xã hội được đặt ra từ trích dẫn trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Bàn về thơ có ý kiến nói: Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ. Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng: Gốc của thơ là tình cảm.

Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ những nhận định trên.

Câu 3 (1,0 điểm)

Sáng tác văn học nghệ thuật không thể không có cảm hứng. Viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã thật tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm hồn bằng lặng, vô vị, miễn cưỡng.

Theo anh (chị) nhận định trên đây đề cập đến nội dung nào của lý luận sáng tạo văn học nghệ thuật. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò nội dung đó. (Lưu ý: Thí sinh trình bày ngắn gọn, bằng đoạn văn khoảng 10 dòng, không bắt buộc dùng dẫn chứng)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

Câu 1 (4,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

- Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.

- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.

- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung (Học sinh có thể trình bày, sắp xếp nhiều cách)

1. HS dựa vào phần trích xác định vấn đề nghị luận:

- Vị giáo sư giảng nhiều lý luận triết học nhưng khi con ếch phản kích, ông chỉ biết há hốc mồm, không nói được câu gì. Cho nên lý thuyết vị giáo sư truyền thụ chỉ là thứ lý thuyết khô khan, trống rỗng, không có tính thực tiễn. Vấn đề đặt ra: cần phải biết hoài nghi và kiểm điểm tri thức sách vở từ thực tế; lý luận phải có sự kết hợp thực tiễn (mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn).

2. Bàn luận:

- Lý luận là thế giới rộng lớn của sách vở, nhưng thực tiễn cuộc sống là sự bí ẩn mà không một pho sách nào đi đến được, không một cuốn sách nào vắt cạn được. Học ở sách vở là chưa đủ, cần phải đến với thực tế đời sống để kiến thức con người phong phú hơn, hoàn thiện hơn.

- Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra lý luận. Chính thực tiễn giúp ta quan sát và phán đoán, khai quật những cái đẹp thực sự mà con người, sự vật cất giấu. Những kiến thức chúng ta học được chỉ có ứng dụng vào cuộc sống mới là của mình.

- Coi trọng thực tiễn không có nghĩa là bài trừ kiến thức sách vở. Thực tiễn và lý luận bổ sung cho nhau, tương trợ cho nhau. Cổ nhân xưa thường nói "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chính là nhấn mạnh việc kiến thức nên kết hợp thực tiễn.

3. Nâng cao

- Hiểu biết sách vở và những băn khoăn về điều chưa biết trong cuộc sống là điều kiện cần và đủ cho hoạt động học tập, lao động của con người.

- Thực tiễn có thể tăng cường lý luận, phát triển lý luận. Thực tiễn không chỉ là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm lí luận mà còn là nguồn của lí luận.

Câu 2 (5,0 điểm)

1. Giải thích

- Thơ hay là bữa tiệc ngôn từ: ý nói cái hay của bài thơ trước hết là nhờ cái hay của ngôn từ (sống động, phong phú...), giống như sự hấp dẫn của những ''món ăn" ngon bằng ngôn từ.

- Gốc của thơ là tình cảm: nhấn mạnh tư tưởng tình cảm là then chốt quyết định giá trị của một bài thơ.

- Hai ý kiến là hai cách định nghĩa về thơ có sự nối tiếp những quan niệm trước đó. Một bên khẳng định sức mạnh của thơ là ở ngôn từ, một bên khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở tư tưởng, tình cảm chứ không phải ở ngôn từ.

2. Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề

- Nói thơ hay là bữa tiệc ngôn từ bởi vì: một bài thơ ngôn ngữ trúc trắc, sáo rỗng, tầm thường thì không thể gọi là thơ hay. Ngược lại, bài thơ hay là khi nó bày ra trước độc giả một "bữa tiệc ngôn từ", với những ngôn từ được nhà thơ công phu lựa chọn, tổ chức, biến nó từ lời bình thường trở thành nghệ thuật {vừa thể hiện tâm hồn thi nhân; vừa chính xác hàm súc; vừa có dấu ấn riêng của tác giả..}.

---(Để xem tiếp đáp án của những câu còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

Câu 1: Đọc – hiểu (3.0 điểm)

"Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ: từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ trệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran từ ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn."

(Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

a (1.5 điểm): Nêu những thành công về mặt nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam trong đoạn văn trên?

b (1.5 điểm): Bức tranh quê hương hiện lên như thế nào dưới ngòi bút Thạch Lam ở đoạn văn trên?

Câu 2: Nghị luận xã hội (3.0 điểm)

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con.

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi học sinh giỏi lớp 11 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Hà Huy Tập. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?