TRƯỜNG THPT CỦ CHI | ĐỀ KIỂM TRA HK1 MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I: Đọc – hiểu văn bản (3 điểm)
Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì? Sáng tạo của Người thể hiện ở đoạn đầu này là điều gì?
II: Tự luận (7 điểm)
Phát biểu cảm nhận của Anh/chị về đoạn thơ sau:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
(Tây Tiến – Quang Dũng
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I: Đọc – hiểu văn bản (3 điểm)
1. Các bản tuyên ngôn đã được trích dẫn:
– Tuyên ngôn Độc lập (năm 1776 của nước Mĩ).
– Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1791 của Cách mạng Pháp.
(0,5)
2. Ý nghĩa của việc trích dẫn:
– Nêu lên những nguyên lí chung về quyền được tự do bình đẳng của con người để khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc. (0,5)
– Tạo vị thế bình đẳng giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. (0,5)
– Đưa ra những lí lẽ thuyết phục để chuẩn bị tiền đề cho lập luận ở phần tiếp theo, làm cơ sở cho cả hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn. (0,5)
– Sáng tạo:
Nâng quyền lợi của con người lên thành quyền lợi của dân tộc. Suy rộng ra… “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng…..và quyền tự do”. (1,0)
II: Tự luận (7 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học – cảm nhận một tác phẩm thơ. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Biết vận dụng tốt các thao tác lập luận. Ý sâu sắc, văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:
Cảm nhận về đoạn thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
a. Mở bài: Vài nét về tác giả, hoàn cảnh sáng tác:
– Quang Dũng (1921 – 1988) là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, và cũng là một nghệ sĩ đa tài. Những bài thơ của ông đều mang một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. (0,5)
– Tây Tiến được sáng tác tại Phù Lưu Chanh, 1948 được in trong tập thơ “Mây đầu ô”. Là bài thơ xuất sắc viết về người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (0,5)
b. Thân bài: Cảm nhận về đoạn thơ “Tây Tiến”
– Về nội dung:
+ Chân dung người lính Tây Tiến được tác giả ghi lại rất cụ thể, chân thật: đó là cái vẻ bề ngoài rất khác thường, kì dị, tiều tụy do điều kiện sống và chiến đấu gian khổ, thiếu thốn… nhưng ẩn chứa từ trong sâu thẳm tâm hồn là ý chí, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng mãnh, phi thường của người lính. (1,0)
+ Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến: một tình yêu say đắm, nồng nàn khi “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (1,0)
+ Câu thơ tiếp tục ghi nhận cái chết của người lính với đầy vẻ bi thương nhưng cũng rất hào hùng: tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, vì Tổ Quốc, vì nhân dân. (1,0)
+ Đoạn thơ kết thúc bằng khúc ca bi tráng của dòng sông Mã. Dòng sông là chứng nhân của một thời kỳ hào hùng, chứng kiến cái chết của người tráng sĩ, nó gầm lên khúc độc hành bi phẫn, làm rung động cả một chốn núi rừng hoang sơ. (1,0)
– Về nghệ thuật:
+ Hình ảnh chân thật, sinh động, cụ thể, tương phản, hào hoa, lãng mạn. Ngôn từ có sự chọn lọc, độc đáo, đặc sắc, đầy sáng tạo. (0,5)
+ Âm hưởng, giọng điệu: Bi tráng…Sử dụng phép tu từ: nói giảm. (0,5)
c. Kết bài:
– Với bút pháp hiện thực, lãng mạn, Quang Dũng không chỉ đã xây dựng thành công chân dung người lính Tây Tiến mà còn xây dựng thành công một bức tượng đài đẹp đẽ, hấp dẫn, lưu truyền cho nhiều thế hệ mai sau. (0,5)
– Học sinh nêu bài học bản thân về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (0,5)
2. ĐỀ SỐ 2
Câu 1: ( 3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:
... “Đó là lý do chúng ta phải công khai lên tiếng về AIDS. Dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, chúng ta sẽ không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS. Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.”...
(Trích Thông đệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003 – Cô-phi An-nan )
Câu 1a. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên? ? ( 0,5 điểm).
Câu 1b. Đọc đoạn văn trên em hiểu “chúng ta” là đối tượng nào, “họ” là đối tượng nào? ( 0,5 điểm).
Câu 1c. Đọc đoạn văn trên em hiểu “im lặng” có nghĩa là gì? “công khai lên tiếng về AIDS” có nghĩa là gì? ( 0,5 điểm).
Câu 1d. Phân tích ý nghĩa của câu văn sau trong đoạn trên: Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. ( 0,5 điểm).
Câu 1e. Xét về phương thức biểu đạt đoạn văn trên trên thuộc loại văn bản nào? Vì sao? ( 0,5 điểm).
Câu 1g. Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc trong đoạn văn trên là gì? ( 0,5 điểm).
Câu 2: ( 3,0 điểm):
Hãy viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thái độ đổi xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay.
Câu 3: (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về khổ thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
...“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”...
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1:
a. Câu 1a. Nêu nội dung chính của đoạn văn? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nội dung chính của văn bản? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi.
+ Tác giả nêu nhiệm vụ, đề nghị mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa.
+ Hoặc trả lời: Tác giả đề nghị mọi người không lẩn tránh trách nhiệm phòng chống HIV/AIDS ; không vội vàng phán xét đồng loại, không kì thị và phân biệt đối xử với những người đã mắc bệnh HIV/AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đầy đủ.
Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Ai cũng phải phòng chống HIV/AIDS.
+ Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của chúng ta.
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.Hoặc trả lời không rõ nghĩa.
b. Câu 1b. Đọc đoạn văn trên em hiểu “chúng ta” là đối tượng nào “họ” là đối tượng nào? (0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nghĩa của từ trong văn bản? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi:
+ Đọc văn bản cần hiểu chúng ta là từ chỉ những người hiện chưa bị lây nhiễm HIV ; họ là từ chỉ những bệnh nhân bị nhiễm HIV / AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ (chỉ nêu được nghĩa của một trong hai từ trên)
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi hoặc hiểu sai nghĩa của hai từ đó.
c.Câu 1c. Đọc đoạn văn trên em hiểu “im lặng” có nghĩa là gì? “công khai lên tiếng về AIDS” có nghĩa là gì? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nghĩa của từ ngữ mà tác giả sử dụng trong văn bản ? ( 0,5 điểm).
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi:
+ Đọc văn bản cần hiểu im lặng là từ chỉ thái độ bàng quan, thờ ơ, vô cảm của con người trước đại dịch HIV/AIDS.
+ công khai lên tiếng về AIDS là từ chỉ những thái độ và hành động tích cực của con người trong việc phòng chống HIV/AIDS.
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ (chỉ nêu được nghĩa của một trong hai cụm từ trên)
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi hoặc hiểu sai nghĩa của hai từ, cụm từ đó.
d. Câu 1d. Phân tích ý nghĩa của câu văn sau trong đoạn trên: Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. (0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết về ý nghĩa của câu văn. (0,5 điểm)
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Câu văn tạo ra mối tương quan giữa một bên là sự thờ ơ trước dịch HIV/AIDS và một bên là cái chết, để qua đó cho thấy sự tích cực chống lại HIV/AIDS, với loài người, là vấn đề có ý nghĩa sinh tử, tồn vong, sống hay không sống.
+ Hoặc: Tác giả so sánh: Nếu ta thờ ơ trước đại dịch HIV/AIDS cũng có nghĩa là ta chấp nhận cái chết, sự hủy diệt sẽ đến với loài người.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa sâu sắc. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Im lặng thờ ơ với bệnh HIV/AIDS là rất nguy hiểm.
+ Thờ ơ với HIV/AIDS là hiểm họa đối với mọi người.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.
e. Câu 1e. Xét về phương thức biểu đạt đoạn văn trên thuộc loại văn bản nào? Vì sao? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết những dấu hiệu của văn bản nghị luận.
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Đây là văn bản nghị luận. Vì nội dung đề cập đến thái độ, quan điểm trước một vấn đề xã hội, cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục.
+ Đây là văn bản nghị luận về vấn đề xã hội. Vì nội dung đề cập đến thái độ, quan điểm rõ ràng trước đại dịch HIV/AIDS, suy luận lô gic, chặt chẽ.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa đủ, chưa sâu sắc (chỉ nêu đúng loại văn bản mà chưa giải thích vì sao hoặc giải thích không đúng đặc trưng của loại văn bản nghị luận). Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Đây là văn bản nghị luận..
+ Đây là văn bản nghị luận. Giọng điệu tự sự, khách quan.
+ Đây là văn bản nghị luận. Văn bản kể chuyện ngắn gọn, bất ngờ.
+ Các câu trả lời tương tự...
Lưu ý phần gạch chân là phần giải thích sai.
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi (hỏi về hình thức của văn bản). Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Văn bản tự sự.
+ Văn bản văn học.
+ Văn bản thuyết minh.
Câu 1g. Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc trong đoạn văn trên là gì? ( 0,5 điểm).
- Mục đích hỏi: Nhận biết về ý nghĩa xã hội của văn bản.
- Mức tối đa: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Tác giả cảnh báo các nguy cơ của thái độ xa lánh, chia rẽ, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS dẫn tới mục tiêu phòng chống HIV/AIDS của chúng ta sẽ không thể hoàn thành. Và chính bằng cách đó, C. An-nan đã cổ động nhiệt tình cho sự đối xử ấm áp, gần gũi đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS.
+ C. An-nan đã kêu gọi mọi người hãy đối xử bình đẳng, gần gũi đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS vì đó là cách mà con người có thể chủ động phòng chống căn bệnh này có hiệu quả.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức 50% số điểm: Thí sinh trả lời đúng ý của câu hỏi nhưng chưa sâu sắc. Có thể theo một trong các hướng sau:
+ Không nên phân biệt đối xử với người bị mắc bệnh HIV/AIDS.
+ Các câu trả lời tương tự...
- Mức không đạt: Thí sinh trả lời không đúng ý của câu hỏi.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
3. ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong lớp học vẽ, hai mươi sinh viên cùng vẽ một người mẫu, kết quả được hai mươi bức họa khác nhau, vừa có phần giống người mẫu, vừa giống người vẽ. Cho họ vẽ một lần nữa, lại được những bức họa khác. Điều đó chứng tỏ không ai suy nghĩ giống ai và không ai có thể lặp lại y như trước. Trong hàng trăm, hoặc hàng ngàn họa sỹ, có thể xuất hiện một người mà chúng ta công nhận là danh họa. Anh ta vừa là một cá nhân duy nhất, vừa có thể tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát, quyến rũ lòng người. Rồi một ngày nào đó, danh họa đó cũng trở nên cũ kỹ. Một họa sĩ mới và một phong cách mới ra đời. Việc đời đại loại cũng như vậy, như dòng sông chảy mãi không ngừng.
(Trích Nghệ thuật ngày thường, Phan Cẩm Thường, Nxb Phụ nữ, 2008, tr.431)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, họa sỹ được công nhận là danh họa có đặc điểm như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sáng tạo cái mới trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.155)
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
- Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, họa sỹ được công nhận là danh họa có đặc điểm: Anh ta vừa là một cá nhân duy nhất, vừa có thể tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát, quyến rũ lòng người.
Câu 3:
Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của biện pháp tu từ so sánh, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
- Câu văn có sử dụng biện pháp so sánh: Việc đời đại loại cũng như vậy, như dòng sông chảy mãi không ngừng.
- Hiệu quả: Nhấn mạnh cuộc đời là một dòng chảy bất tận, cuộc đời cũng sẽ có nhiều đổi thay, vận động không ngừng.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
- Anh/chị tự rút ra thông điệp cho mình. Đó có thể là: Cuộc sống luôn vận động không ngừng, ngay kể cả một con người cũng luôn có những thay đổi. Vì vậy mình luôn luôn cần cố gắng, phấn đấu.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
Nêu vấn đề
Giải thích vấn đề
- Sáng tạo: tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần.
Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của sự sáng tạo cái mới trong cuộc sống:
+ Tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển của xã hội
+ Cái mới sẽ là nguồn động lực kích thích trí tuệ của những người xung quanh
- Tại sao con người phải sáng tạo ra cái mới:
+ Cuộc sống không ngừng phát triển, con người cần tạo ra những cái mới để kịp với sự phát triển của xã hội
+ Cái mới luôn là sản phẩm của tư duy. Việc tạo ra cái mới cũng là thúc đẩy sự phát triển của tư duy.
- Nếu con người không tạo ra được cái mới thì cuộc sống sẽ trì trệ, xã hội sẽ kém phát triển,..
- Phê phán những người không chịu sáng tạo, luôn bằng lòng và thỏa mãn với mình của ngày hôm nay.
Bài học liên hệ bản thân
“Dẫu xuôi về phương Bắc
…
Hướng về anh – một phương”
- Các danh từ chỉ hướng “Bắc – Nam” đã gợi ra sự xa cách. Cách nói ngược xuôi Bắc, ngược Nam dường như đã hàm chứa trong nó những éo le, diễn tả những thường biến của cuộc đời.
- Đối lập lại với cái thường biến ấy là sự bất biến “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương”. Với cô gái đang yêu, dường như không còn khái niệm phương hướng địa lý mà chỉ còn một phương duy nhất – “phương anh”.
=> Tiếng lòng thủy chung son sắt, khẳng định tình yêu bất biến, trường tồn với thời gian.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Mẹ đưa con đi thi
Cơm nắm
Khẩu trang
Mũ trùm đầu kín mít
Đường quá đông, còi xe vang như thét
Khó đi hơn cả đường cày
Con ơi, còn “phen” này
Thoát khỏi ách đồng lầm ruộng ngấu
Thoát khỏi cảnh gặt lúa đêm tránh nắng
Cầm tay mẹ nào, làm bài cố nhé con!
Cha đưa con đi thi
Áo nhàu
Da sạm
Lưng giắt thêm cái điếu cày
Con ơi, cả nhà chỉ trông vào mày
Đừng lo lắng, lúa ngoài đồng đã bán
Đủ tiền tàu xe, đủ cơm ngày ba bữa
Còn “đận” này, làm bài cố nhé con!
Nắng nóng héo hon
Mặt đường bê tông bóng rát
Vạ vật bên đường chờ làn gió mát
Chờ con tan thi, phấp phỏng nụ cười
Con làm bài
Mệt nhoài
Khó nhọc
Cos với sin quay cuồng trong lồng ngực
Áp lực đổi đời oằn trĩu những giọng văn…
Thương biết bao giọt nước mắt những người cha
Và xót xa giọt mồ hôi những mẹ quê lam lũ
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
(Thơ Đỗ Nhật Nam, Dẫn theo Báo Dân Việt, thứ 6, ngày 03/07/2015)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.
Câu 2. Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3. Theo anh/chị, mong muốn của cha, của mẹ, của con trong kì thi là gì?
Câu 4. Anh/chị nhận ra thông điệp gì cho bản thân qua câu hỏi mà tác giả đặt ra ở cuối bài thơ.(Trình bày từ 5 đến 7 dòng):
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ khát vọng của người con trong bài thơ thuộc phần đọc hiểu đã nêu trên, là học sinh anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Hãy sống có khát vọng.
Câu 2. (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
(Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, tr118)
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt chính đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2:
Phương pháp: Đọc, tìm ý
Cách giải:
- Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh: Áo nhàu, da sạm, lưng giắt thêm cái điếu cày, vạ vật bên đường chờ làn gió mát.
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Mong muốn của cha mẹ, của con trong kì thi: Sẽ đỗ được vào trường đại học, tìm kiếm một con đường đổi đời.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, bình luận
Cách giải:
- Thông điệp: Cuộc đời có nhiều lối đi, không phải cứ vào đại học mới là lựa chọn tốt nhất.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
Nêu vấn đề
Giải thích vấn đề
- Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ.
- Sống có khát vọng là sống có ước mơ, biết hành động và luôn hướng tới những điều tốt đẹp.
Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao con người cần sống có khát vọng:
+ Khát vọng thúc đẩy con người cố gắng, là động lực giúp con người vượt qua những khó khăn, bất lợi trong cuộc sống.
+ Có khát vọng mới biết sống một cuộc đời có ý nghĩa.
- Nếu không có khát vọng, con người sẽ trở nên lãnh cảm với cuộc đời của mình và cuộc sống xung quanh.
- Khát vọng khác với tham vọng. Người tham vọng sẽ bất chấp mọi giá để đạt được mục đích của mình.
- Phê phán những người sống không có khát vọng.
Liên hệ bản thân
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
5. ĐỀ SỐ 5
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Tỉ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới Bill Gate từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: “Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?
[…] Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.
(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)
Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Vì sao những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gate… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái?
Câu 3. Anh/chị hiểu “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình” và “năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Đã là con người thì phải lao động? Vì sao?
II.LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2, 0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)?
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ
Cách giải:
- Kết hợp phương thức biểu đạt nghị luận và tự sự.
- Nêu đúng một phương thức cho 0,25 điểm
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Những người cha tỉ phú như Ya Pang – Lin, Bill Gates… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái vì họ có quan niệm rằng:
- Nếu con cái họ tài giỏi, chúng sẽ tự kiếm được tiền. Nếu chúng kém cỏi thì của cải có sẵn chỉ làm hại thêm (lười biếng, ỷ lại, sa vào các tệ nạn xã hội…).
- Đã là con người thì ai cũng phải kiếm sống để không chỉ phục vụ chính bản thân mình mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
- Mỗi ý đúng cho 0,25 điểm
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình: chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, sự trưởng thành, về trí tuệ và nhân cách của chính mình.
- Năng lực để tự chịu trách nhiệm bao gồm: trí thức (hiểu biết về cuộc sống và thế giới xung quanh, kiến thức chuyên môn,…), khả năng lao động, sáng tạo và đạo đức (lòng trung thực, nghị lực sống, quan niệm sống đúng đắn,…).
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
Cách giải:
- Nêu rõ quan điểm đồng tình.
- Bởi vì lao động là trách nhiệm của mỗi con người, không chỉ để nuôi sống bản thân và phát triển những tiềm năng của mỗi con người, mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Các cách lý giải của HS chân thực, lành mạnh, hướng thiện vẫn được chấp nhận và cho điểm tối đa.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
Cách giải:
a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực tự chịu trách nhiệm.
c) Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm. Có thể theo hướng sau:
- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm giúp con người có nhận thức và hành động đúng đắn trong cuộc sống, biết tự trọng cá nhân và tôn trọng người khác; luôn đòi hỏi chính mình nỗ lực vươn lên để sáng tạo và cống hiến.
- Có ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân, con người có “tài sản gốc” quý báu để “sinh lời”, không phải “vay mượn”, không phải sống nhờ vào người khác.
d) Chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tiếng Việt.
e) Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Củ Chi. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Huyện Bảo Lộc có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Nghèn có đáp án
-
Bộ 6 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Ngô Thời Nhiệm có đáp án
Chúc các em học tập tốt!