TRƯỜNG THPT MỸ THUẬN | ĐỀ KIỂM TRA HK1 MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thấy thế. Em chắc vẫn còn nuôi giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một chút thất bại cũng như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén u uất, bi quan. Ai đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công gìn giữ từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.
(2) Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm mai. Không phải ai cũng có thể trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi người.
(Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.98)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Nêu hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong đoạn (2).
Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó?
Câu 4. Điều anh/chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ.
Câu 2. (5.0 điểm)
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút; non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm
Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.120)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
===== Hết =====
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận
Câu 2. Hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong đoạn (2):
- Nhấn mạnh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, ẩn chứa nhiều tình huống bất ngờ, phong phú chờ đón chúng ta nhưng nếu biết lạc quan thì điều tốt đẹp sẽ tới.
- Tạo tính hình tượng cho lời văn
Câu 3. Tác giả cho rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó bởi khi ta có đủ dũng cảm dám đối mặt với thử thách, không né tránh, không nản lòng, tìm cách khắc phục, giải quyết khó khăn, con người sẽ vững vàng, trưởng thành, rèn luyện bản lĩnh và thành công.
Câu 4.
Thí sinh có thể trả lời theo suy nghĩ, quan điểm của cá nhân nhưng cần lí giải một cách logic, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
Gợi ý:
- Không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng cho bản thân trong mọi hoàn cảnh vì ước mơ giúp con người sống có ý nghĩa, có lí tưởng, có khát vọng và hoài bão...
- Trong cuộc sống, con người có lúc gặp phải khó khăn, thử thách, thất bại, thậm chí là mất mát nhưng nếu con người có bản lĩnh và kiên trì sẽ vượt qua tất cả...
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ. Có thể theo hướng sau:
- Ước mơ là những điều tốt đẹp trong tương lai mà con người luôn hướng tới, mong muốn khao khát đạt được nó.
- Ước mơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, đặc biệt là với tuổi trẻ:
+ Giúp các bạn trẻ định hướng tương lai, sống có mục đích, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thử thách để đạt được thành công.
+ Giúp người trẻ tạo động lực sống có ý nghĩa với tập thể, xã hội, cộng đồng.
- Để thực hiện được ước mơ, con người cần trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng cần thiết. Đồng thời cũng cần cả lòng kiên trì và ý chí để thực hiện và theo đuổi ước mơ.
- Phê phán những người sống không có ước mơ, hoài bão, lí tưởng…
- Mở rộng. rút ra bài học.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ
Câu 2. (5.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Đất Nước (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, khái quát ngắn gọn về tư tưởng Đất Nước của Nhân dân) và nội dung chính của đoạn trích.
* Cảm nhận về đoạn thơ:
- Về nội dung:
+ Tám câu thơ đầu: Đất nước được gợi ra qua các địa danh, danh thắng nổi tiếng trải dài theo bản đồ địa lí từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền ra hải đảo. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện cái nhìn mới mẻ, sự phát hiện lí thú về các địa danh. Mỗi cảnh sắc thiên nhiên của đất nước không chỉ là sản phẩm của tạo hóa mà còn là sự hóa thân của biết bao cuộc đời, bao số phận, cảnh ngộ của nhân dân để làm nên đất nước tươi đẹp: núi Vọng Phu, hòn Trống Mái: đất nước thủy chung, nồng thắm ân tình; gót ngựa của Thánh Gióng..., ... đất Tổ Hùng Vương: đất nước bất khuất, anh hùng; núi Bút, non Nghiên: đất nước nghìn năm văn hiến; dòng sông xanh thẳm, con cóc, con gà: đất nước tươi đẹp, dân dã; Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm: đất nước bình dị, mộc mạc.
+ Bốn câu thơ sau: Khái quát về vai trò của Nhân dân trong việc tạo dựng nên không gian địa lí của Đất Nước. Nhân dân chính là người đã hóa thân thầm lặng, đóng góp cuộc đời, số phận, máu xương của mình cho mỗi ngọn núi, dòng sông, ruộng đồng, gò bãi trên khắp mọi miền để làm nên không gian rộng lớn, tươi đẹp của Đất nước.
=> Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một cái nhìn khám phá đậm chất nhân văn về vai trò, sự hóa thân của Nhân dân trong việc sáng tạo nên không gian địa lí của Đất Nước. Từ đó góp phần làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của
Nhân dân.
- Về nghệ thuật:
+ Thể thơ tự do, biện pháp liệt kê các danh lam thắng cảnh kết hợp với điệp từ “góp” và điệp cấu trúc “những ... góp”
+ Cấu trúc thơ quy nạp đi từ liệt kê những hiện tượng cụ thể đến khái quát mang tính triết lí sâu sắc.
+ Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình như lời trò chuyện.
+ Sự hòa quyện giữa chất chính luận và chất trữ tình, giữa suy tư sâu lắng và cảm xúc nồng nàn.
* Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
- Các địa danh, danh thắng đều gợi nhắc đến các truyền thuyết, sự tích dân gian nhằm ca ngợi vẻ đẹp của Đất nước và khẳng định vai trò đóng góp của Nhân Dân trên bình diện không gian địa lí.
- Những địa danh và các truyền thuyết, sự tích ấy qua cách khám phá, lý giải của nhà thơ đã trở nên mới lạ, hấp dẫn, khiến cho Đất Nước trở nên gần gũi, gắn bó, thân thuộc với mỗi người.
- Việc sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học đã cho thấy vốn hiểu biết uyên bác, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, phong cách thơ đậm chất trữ tình nồng nàn và suy tư sâu sắc của thi sĩ.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
2. ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, sự chủ động rất quan trọng.Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.
Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.
Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm”.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa.Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được
(Người lái đò sông Đà - Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
HẾT
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc hiểu
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2.
Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua. (0.5 điểm)
Câu 3.
Có thể hiểu câu nói: chủ động không phải là tùy tiện, bạ đâu làm đó, mà họ đều có những dự tính. Người chủ động thường suy nghĩ chín chắn và hành động kiên quyết. (1 điểm)
Câu 4.
- Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần. (0.25 điểm)
- Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý. (0.75 điểm)
II. Làm văn
Câu 1. Viết đoạn văn về giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25 điểm)
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25 điểm)
Giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận (1 điểm)
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.
Có thể triển khai theo hướng:
- Xây dựng một kế hoạch công việc rõ ràng
- Tự tin trong mọi tình huống
- Không quay đầu lại trước khó khăn
- Quyết đoán trong suy nghĩ và hành động
- Có tinh thần cầu tiến và thái độ học hỏi….
d. Chính tả, ngữ pháp (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
3. ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn để xếp loại? B không giải được bài toán đại số đó nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm tiền từ đó. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc,...chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Tôi là Nguyễn Văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, "giá trị Nguyễn Văn B".Tony thường nghe câu nói cửa miệng của nhiều người "Nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình"…Đường mình, mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó.
(Theo Thành đạt, thành công và thành gì nữa–Trích Tony buổi sáng, NXB trẻ 2014)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu hiệu quả của biện pháp điệp cấu trúc được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói:
Đường mình, mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó? (1,0 điểm)
Câu 4. Bài học cuộc sống mà anh/chị tâm đắc nhất sau khi đọc đoạn trích? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về: Giá trị của mỗi người trong cuộc đời.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về sự thay đổi của nhân vật người vợ nhặt từ khi chấp nhận theo Tràng về làm vợ trong truyện Vợ nhặt – Kim Lân.
-HẾT-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2. Biện pháp tu từ điệp cấu trúc:
B không giải được bài toán đại số đó nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm tiền từ đó. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này.
Tác dụng:
- Nhấn mạnh ý, tăng sức thuyết phục và sự chặt chẽ trong lập luận.
- Làm nổi bật quan điểm của tác giả về giá trị, năng lực của mỗi cá nhân: Mỗi người có một giá trị riêng, sở trường riêng không ai giống ai.
Câu 3. Hiểu thế nào về câu nói: Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó
- Đường mình, mình đi ⟶ Cuộc sống là của mình, do mình định hướng, lựa chọn, quyết định.
- Nhìn với ngó ⟶ Phải dò xét, quan tâm, lo lắng về cái nhìn, sự phán xét, đánh giá của người xung quanh.
⟹Mỗi người nên mạnh mẽ và tự quyết định cuộc sống của chính mình.
Câu 4
* Bài học cuộc sống: Thí sinh tự rút ra bài học cuộc sống cho chính mình.
* Có thể tham khảo gợi ý sau:
- Bài học:
+ Không nên so sánh bản thân mình với người khác.
+ Cần tôn trọng những giá trị riêng của mỗi người.
+ Cha mẹ không nên đặt áp lực cho con cái.
……
- Lí giải: Dựa theo phần nêu bài học, thí sinh lí giải rõ vấn đề.
Lưu ý: Cho điểm tối đa khi bài viết có sự lí giải rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
(Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Giá trị của mỗi người trong cuộc đời.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Cụ thể:
* Giải thích : Mỗi người đều có một giá trị riêng, đó là ưu, khuyết điểm, là năng lực, là sở thích, cá tính đặc biệt...chỉ có ở bản thân mình.
* Bàn luận:
- Giá trị bản thân mỗi người thể hiện ở năng lực làm việc, ở cách ứng xử với người thân, với cộng đồng. Giá trị ấy còn được thể hiện qua những đóng góp mà mỗi người dành cho gia đình, cho xã hội.
- Biết được giá trị của bản thân để tự trân trọng mình và học được cách tôn trọng người khác.
- Biết được giá trị bản thân để phát huy điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém để đạt được thành công trong cuộc sống.
- Phê phán: Những con người xem thường người khác, xem thường bản thân mình, sống không có mục tiêu, hoài bão, chí hướng…
*Nêu những bài học thiết thực cho bản thân: Cần học tập, rèn luyện để nâng cao giá trị của bản thân mình.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây:
Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra.
Sáng nay mưa chớm lạnh
Nắng nằm trên giấy hồng
Một đám người ngồi cạnh
Có nhà thơ ngồi cùng.
Tôi xin đôi câu đối
Cụ rọc tờ giấy điều
Bàn tay xưa viết nối
Những nét chữ thân yêu
Bài thơ “Ông Đồ” mới
Dưới bút cụ nở ra
Tôi chân thành chép lại
Đánh dấu một mùa hoa.
Chỉ thêm lời ghi chú
Vần thơ xưa, thơ nay
Thủy chung một lòng cũ
Dù vui buồn đổi thay.
(1974)
(Trích theo thivien.net, Thủy chung - Vũ Đình Liên)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Anh/chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra.
Câu 3. Dựa vào văn bản, hãy giải thích ý nghĩa hình ảnh “Bài thơ “Ông Đồ” mới”?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ của tác giả: Vần thơ xưa, thơ nay/ Thủy chung một lòng cũ/ Dù vui buồn đổi thay? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giữ gìn vẻ đẹp trong sáng tiếng Việt là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì đất nước hội nhập hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm). Trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà nhà văn Nguyễn Tuân đã viết:
… Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệnh qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít của hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thẳng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, của ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác…
(Theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 189 và 190)
Anh/chị hãy trình bày cảm nhận về hình ảnh người lái đò vượt thác và nghệ thuật ngôn từ của nhà văn Nguyễn Tuân trong đoạn trích trên.
---HẾT---
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2.
Nội dung các dòng thơ:
- Thể hiện sự hoài niệm về ông đồ xưa.
- Bộc lộ niềm trân trọng với truyền thống văn hóa cha ông.
Câu 3.
Ý nghĩa hình ảnh “Bài thơ “Ông Đồ” mới”
- Là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ đương đại.
- Sáng tạo nghệ thuật hôm nay luôn mang trong mình dấu ấn nghệ thuật truyền thống xưa.
Câu 4.
- Thí sinh nêu được quan điểm của bản thân: là đồng tình/ hoặc không đồng tình/ hoặc vừa đồng tình một phần vừa bổ sung ý kiến riêng.
- Kiến giải được quan điểm rõ ràng, chặt chẽ, lô gich.
Gợi ý:
- Quan điểm đồng tình vì cần thiết phải gìn giữ vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống, một biểu hiện của văn hóa truyền thống trong nghệ thuật đương đại.
- Quan điểm vừa đồng tình vừa bổ sung ý kiến là chỉ nên giữ/ kế thừa nét tinh hoa nghệ thuật truyền thống phù hợp với hiện đại. Đồng thời bổ sung để phát triển làm phong phú thêm từ tinh hoa nghệ thuật và văn hóa nhân loại.
II. Làm văn
Câu 1
Viết đoạn văn về giữ gìn vẻ đẹp trong sáng tiếng Việt là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì đất nước hội nhập hiện nay.
a.Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một trong các cấu trúc diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, song hành, móc xích.
b.Nêu đúng vấn đề nghị luận
Giữ gìn vẻ đẹp trong sáng tiếng Việt là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì đất nước hội nhập hiện nay.
c.Triển khai vấn đề nghị luận
-Thí sinh lựa chọn và kết hợp các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nội dung vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giữ gìn vẻ đẹp trong sáng tiếng Việt là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì đất nước hội nhập hiện nay.
- Có thể lựa chọn một số ý để triển khai đoạn văn theo cấu trúc đã chọn như sau:
+ Giải thích: “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” là thể hiện sâu sắc trách nhiệm gìn giữ phẩm chất đẹp vốn có của tiếng Việt, là thể hiện lòng yêu quý, niềm tự hào về tiếng nói dân tộc, là ý thức bảo vệ, kế thừa và phát triển về giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của đất nước và dân tộc.
+ Phân tích một số hiện tượng sử dụng tiếng Việt chưa đúng chuẩn mực, chưa có ý thức giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp tiếng Việt trong đời sống giao tiếp của người Việt trẻ tuổi hiện nay (lời thô tục, thiếu văn hóa; lạm dụng từ ngữ tiếng Anh; làm biến dạng chữ Việt trên mạng xã hội…). Từ đó chỉ ra hậu quả sự vô tình làm mất đi ít nhiều vẻ đẹp văn hóa của tiếng mẹ đẻ và cũng vô tình biến thành người thanh niên có một trái tim thiếu vắng tình yêu bản sắc văn hóa cuội nguồn của dân tộc trong mắt bạn bè năm châu.
+ Kết hợp bày tỏ cái nhìn đầy đủ, sâu sắc về sử dụng chuẩn mực, giữ gìn vẻ đẹp trong sáng tiếng Việt cũng là giữ gìn, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa Việt. Đồng thời khẳng định đó là biểu hiện của tình yêu tiếng Việt mà mỗi bạn trẻ cần có trong hành trang trên con đường hội nhập thế giới hôm nay.
+ Nhận ra bản thân nên học hỏi mở rộng khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng Việt ngày một hiệu quả, tinh tế trong giao tiếp. Có ý thức tuyên truyền, cùng chung tay phổ biến tiếng Việt, văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
d.Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo theo chuẩn chỉnh tả, ngữ pháp tiếng Việt
e.Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Mỹ Thuận. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Huyện Bảo Lộc có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Nghèn có đáp án
Chúc các em học tập tốt!