TRƯỜNG THPT DẦU GIÂY | ĐỀ KIỂM TRA HK1 MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực. Xây dựng và duy trì một thái độ tích cực không chỉ liên quan đến những suy nghĩ vui vẻ. Nó là sự mong đợi những điều tốt (hạnh phúc, sức khỏe và sự thành đạt) và là niềm tin rằng mọi thứ - hoàn cảnh, chướng ngại và khó khăn - cuối cùng cũng sẽ đâu vào đấy.
Lạc quan không phải là lờ đi những điều tiêu cực mà là thừa nhận có tiêu cực nhưng chọn hướng tập trung vào những điều tích cực. Nói cho cùng, nó chỉ đơn giản là niềm tin cho rằng dù hoàn cảnh hiện tại như thế nào thì mọi chuyện rồi sẽ được giải quyết ổn thoả. Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin.
Sống tích cực có thể không dễ dàng. Lạc quan sẽ nhìn thẳng vào chướng ngại, chủ động bỏ qua chướng ngại và giữ vững niềm tin. Rắc rối xuất hiện khi chướng ngại bắt đầu che khuất tầm nhìn của lạc quan. Tính tích cực có thể bắt đầu suy yếu khi bạn bị tấn công bởi một chuỗi những tiêu cực, thất bại, thất vọng và đau lòng. Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin. Một khi nguồn lực tích cực (năng lượng, sức chống chọi, lòng tin) cạn kiệt, bi quan sẽ từ từ len lỏi vào và nắm quyền kiểm soát.
(Theo lifehack.org, 24/12/2017)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, thế nào là suy nghĩ tích cực?
Câu 3. Anh/Chị hiểu câu văn: Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin như thế nào?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin không? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.110, 111)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến trong đoạn thơ trên.
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1.
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Theo tác giả suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực.
Câu 3. Câu văn Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin có thể hiểu là:
- Tâm tích cực: trạng thái tâm lý của con người luôn suy nghĩ và hướng đến những điều tốt đẹp, điều thiện.
- Trái tim đầy niềm tin: trạng thái cảm xúc mãnh liệt của con người luôn mang trong mình niềm tin yêu cuộc sống.
=> Con người chỉ có tư duy tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp khi có một trái tim tràn đầy cảm xúc tin yêu cuộc sống. (HS có thể giải thích bằng những từ ngữ có ý nghĩa tương đương)
Câu 4. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Duy trì năng lượng tích cực là luôn giữ trong mình những suy nghĩ, cảm xúc vui vẻ, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan.
- Ý nghĩa của việc duy trì nguồn năng lượng tích cực:
+ Giúp con người vui vẻ, lạc quan, yêu đời; tự tin vào bản thân; hứng khởi, sáng tạo trong công việc, cuộc sống; sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới thành công…
+ Giúp gắn kết con người, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống; góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội.
- Phê phán những con người có thái độ sống tiêu cực, bi quan…
- Bài học nhận thức và hành động.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và yêu cầu của của đề.
Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến:
- Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người:
+ Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi chiến khu hiện lên qua nỗi nhớ cồn cào, da diết, thường trực như nỗi nhớ người yêu.
+ Thiên nhiên vừa hiện thực, vừa thơ mộng, thi vị, mang những nét đặc trưng của Việt Bắc.
+ Cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc: cuộc sống khó khăn, gian khổ; con người Việt Bắc tảo tần, chịu thương, chịu khó, sâu nặng ân tình.
- Nghệ thuật: thể thơ lục bát với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết; cặp đại từ mình – ta; ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm; các biện pháp tu từ: phép điệp, liệt kê, so sánh…
Đánh giá chung:
- Qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến về thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu đã ngợi ca nghĩa tình cách mạng, đạo lí truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung của con người Việt Nam.
- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: chất trữ tình chính trị và tính dân tộc đậm đà…
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU ( 3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng. Những người thành công là những người dám vượt lên các yêu cầu công việc. Bạn sẽ tìm ra con đường để đi hoặc sẽ tạo ra con đường mới mẻ. Ai sẽ dám đi trên hoang vu chưa có dấu chân người…
Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi và nước mắt. Nếu chỉ chăm chăm vào tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao.
“Mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc, và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không ? Và có bao sự kiện đi qua đã làm bạn chùng lòng xuống, nguyện sống tốt hơn, nguyện chia sẻ nhiều hơn; và có bao nhiêu sự kiện xảy ra, khiến bạn hổ thẹn vì sức vóc trai tráng mà mà chẳng làm thêm một việc có ích cho đời?
(Theo Hải Bình, Thông điệp bất ngờ của thầy Hiệu trưởng trong ngày thành lập Đoàn, www.giaoducthoidai.vn )
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, điều gì khiến đời người trở nên vô nghĩa?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: “Nếu chỉ chăm chăm vào tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao.”?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi và nước mắt ” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 121)
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Điều khiến đời người trở nên vô nghĩa: để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng.
Câu 3. Nếu chỉ dựa vào tài năng vốn có mà không chăm chỉ rèn luyện, không nỗ lực cố gắng thì sẽ không có được thành công lớn.
Câu 4. Nêu rõ đồng tình hoặc không đồng tình
Lí giải hợp lí và thuyết phục. Gợi ý:
- Đồng tình: Tài năng chỉ là điều kiện cần, còn sự quyết định thành công của mỗi người là công sức, sự nỗ lực bền bỉ, sự kiên nhẫn, sự chịu đựng và ý chí vượt qua khó khăn…
- Không đồng tình: Tài năng thiên bẩm là yếu tố quyết định thành công của mỗi người, còn những yếu tố khác chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ để con người đạt được thành công…
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích:
+ Tuổi trẻ là giai đoạn thanh xuân, là quãng đời đẹp đẽ, có ý nghĩa nhất của đời người….
- Tuổi trẻ cần làm gì để sống có ý nghĩa?
+ Tích cực học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng.
+ Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách.
+ Sống có ước mơ, lí tưởng, dám nghĩ, dám làm.
+ Tích cực tham gia hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện…
+ Dành thời gian quan tâm đến gia đình, đến những người thân yêu...
- Phê phán những người sống uổng phí tuổi trẻ và rút ra bài học cho bản thân.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt
e. Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
3. ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Cho dù bạn đánh mất niềm tin của người khác do chủ ý phản bội, phán xét kém, sai lầm vô ý, thiếu năng lực, hay chỉ là do hiểu lầm, thì con đường khôi phục niềm tin cũng như nhau - gia tăng tín nhiệm cá nhân và hành xử theo hướng tạo ra niềm tin.
Tuy nhiên, trước hết ta cần tìm hiểu tại sao niềm tin đã bị mất để làm chìa khóa áp dụng Yếu tố cốt lõi và Hành vi nhằm khôi phục niềm tin. Nói chung, niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả). Vi phạm chính trực là trường hợp khó khăn nhất trong mọi mối quan hệ, dù là quan hệ cá nhân, gia đình, công việc, tổ chức, hay trên thương trường. Bạn cũng nhớ rằng khi nói đến khôi phục niềm tin là bạn đang nói đến thay đổi cảm xúc của người khác về bạn và thay đổi mức độ tự tin dành cho bạn. Và đó là điều bạn không thể kiểm soát. Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn. Bạn không thể buộc họ phải tin tưởng bạn. Họ cũng đang có những vấn đề khác trong cuộc đời họ khiến việc tin bạn lại càng khó khăn hơn. Hay họ nhìn nhận việc vi phạm yếu tố năng lực là vi phạm về bản tính, và làm phức tạp thêm vấn đề. Bạn nên nhớ bạn chỉ có thể làm được những gì thuộc khả năng mình. Nhưng như vậy cũng đã là nhiều. Và ngay cả khi bạn không thể khôi phục niềm tin trong một mối quan hệ hay tình huống cụ thể, khi củng cố Yếu tố cốt lõi và tạo ra thói quen trong Hành vi, bạn cũng tăng khả năng thiết lập hay khôi phục niềm tin trong những tình huống khác, những mối quan hệ khác trong cuộc đời.
Vì vậy, bạn nên nhớ rằng chúng ta không bàn đến việc “cải hóa” người khác. Bạn không làm được điều đó. Nhưng bạn có thể chứng tỏ mình là một người uy tín, xứng đáng với niềm tin và hành xử theo hướng tạo dựng niềm tin. Và kinh nghiệm cho thấy khi bạn thể hiện được như vậy theo thời gian tác dụng của nó sẽ rất lớn trong việc khôi phục niềm tin.
(Stephen M.R.Covey, trích Tốc độ của niềm tin, Trần Thị Ngân Tuyến dịch, tr.314-315, NXB Tổng hợp, TP.HCM)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn?
Câu 3. Theo anh/chị vì sao tác giả cho rằng: Niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả)?
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh chị rút ra được từ được trích là gì? Lí giải.
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin ở mỗi người chúng ta trong cuộc sống.
Câu 2: (5,0 điểm)
Đọc hai đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái”
(Nguyễn Khoa Điềm, trích Đất Nước, tr.121, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét cái nhìn của nhà thơ về vai trò của người dân đối với đất nước.
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1.
Thao tác lập luận chính: Bình luận
Câu 2. Theo tác giả, Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn vì:
- Họ cũng đang có những vấn đề khác trong cuộc đời họ khiến việc tin bạn lại càng khó khăn hơn.
- Hay họ nhìn nhận việc vi phạm yếu tố năng lực là vi phạm về bản tính, và làm phức tạp thêm vấn đề.
Câu 3. Tác giả cho rằng: Niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả) vì:
- Vi phạm năng lực (Kết quả hay Khả năng): vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan, kết quả của một cá nhân đôi khi cũng bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài.
- Vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích): mang tính chủ quan, xuất phát từ nhân cách, đạo đức con người.
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh chị rút ra được từ được trích là gì?
Lí giải.
- Về hình thức:
+ HS viết 01 đoạn văn
+ Đoạn văn không quá 10 dòng
- Về nội dung:
+ HS rút ra được thông điệp ý nghĩa
+ HS lí giải hợp lí, thuyết phục
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1
a. Đảm bảo hình thức đoạn văn: HS có thể viết đoạn văn diễn dịch, qui nạp, tổng phân hợp,…; kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, có lí lẽ dẫn chứng hợp lí, thuyết phục.
b. Xác định chính xác vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin nơi người khác ở mỗi người chúng ta trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm nhằm thể hiện suy nghĩ của bản thân về vấn đề nghị luận.
Có thể triển khai theo hướng sau:
Niềm tin là sự tin cậy, tạo dựng niềm tin là tạo nên, dựng nên sự tin cậy của người khác đối với chính mình.
- Ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin:
+ Bản thân nhận được sự tín nhiệm của mọi người nên dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống; được mọi người yêu mến, quý trọng; tinh thần thoải mái, lạc quan; có cái nhìn dành cho cuộc sống và con người tích cực hơn;…
+ Việc tạo dựng niềm tin của mỗi cá nhân sẽ giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, thân thiện hơn, ưu việt hơn,…
+ Tạo lập niềm tin là một việc làm khó nên bản thân cần mạnh mẽ, quyết tâm.
d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viễn vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2014, Tr. 29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau chỗ nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là người vô lí?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ trên.
----HẾT----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau ở chỗ:
“Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân.”
Tức là người có lí thuận theo những điều hiển nhiên đã được thế giới công nhận, còn người vô lí thì ngược lại.
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, người vô lí được hiểu là người biết phản biện, nghi ngờ những kiến thức sẵn có, biết đẩy xa những giới hạn, biết lật lại những cái mặc định, đương nhiên, biết dũng cảm, can trường khai phá cái mới dù bị chỉ trích, cười nhạo viển vông…
Câu 4. Thí sinh nêu ý kiến của mình về quan điểm “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý”và lí giải được quan điểm đó. Có thể triển khai theo hướng:
- Đồng tình vì:
+ Người vô lí biết mở rộng, phá vỡ các giới hạn nhận thức để tiếp tục đem đến những nhận thức mới tiến bộ hơn cho loài người;
+ Người vô lí dũng cảm thực hiện những ước mơ lớn tưởng như viển vông bằng tầm nhìn vượt thời đại, mang đến những thành tựu lớn.
- Đồng tình nhưng bổ sung ý kiến:
+ Về cơ bản, mọi tiến bộ đều bắt nguồn từ thực tế, từ tư duy khoa học, từ các hiện tượng có tính quy luật.
+ Người vô lí không đồng nhất với người điên rồ, ảo tưởng, phi thực tế hay những lối tư duy phi lí.
- Nếu thí sinh trả lời không đồng tình, nhưng giải thích hợp lí vẫn cho điểm.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh chọn lựa các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý sau:
- Giải thích vấn đề:
+ Giới hạn: Những phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua.
+ Nhận thức thông thường: sự tiếp thu, am hiểu kiến thức thường có, thường thấy, không có gì đặc biệt.
Vấn đề nghị luận là: bàn luận về ý nghĩa, vai trò của việc vượt lên những nhận thức phổ biến, theo đám đông, theo lối mòn tư duy.
- Bàn luận: về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
+ Với cá nhân: việc phá vỡ giới hạn về nhận thức thông thường, phổ biến như bao người khác sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn nhận thức, phát huy hết trí tuệ bản thân, vượt qua thử thách để thành công
+ Với cộng đồng: phá vỡ giới hạn nhận thức thông thường mang đến những phát minh mới, những thành tựu tiến bộ, thậm chí những bước ngoặt cho nhân loại.
+ Tuy nhiên, phá vỡ giới hạn không có nghĩa là con người sống gấp, sống vội, bỏ qua những giới hạn đạo đức, đốt cháy mình. Tự phá vỡ giới hạn chỉ có ý nghĩa khi cái giới hạn đó chật hẹp, đi ngược với xu thế tiến bộ. Mặt khác, khả năng của mỗi con người là khác nhau, biết giới hạn, biết tự bằng lòng với những gì mình đã có, đang có là cách để con người đạt được bình an và hạnh phúc.
- Bài học: Để làm được điều đó đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi, khám phá, phải quyết tâm đẩy xa các giới hạn nhận thức, phải biết chấp nhận sự chỉ trích, cười nhạo,…
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Dầu giây. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Trần Đại Nghĩa có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Huyện Bảo Lộc có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Nghèn có đáp án
Chúc các em học tập tốt!