TRƯỜNG THCS $ THPT LẠC HỒNG | ĐỀ KIỂM TRA HK1 MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4
Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh; muốn cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo... Những cuộc đấu tranh như thể diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình.
Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến của những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.
Bạn phải hiểu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả. [....] Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình...
(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp
NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)
Câu 1: (0.5 điểm)
Theo tác giả, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và ý nghĩa nhất mà tất cả chúng ta đều phải trải qua cuộc đấu tranh với những gì?
Câu 2: (0.5 điểm)
Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Hãy tiếp thu ý kiến của những người xung quanh nhưng đừng để chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn”?
Câu 3: (1.0 điểm)
Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu sau: “Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm lên cuộc sống của bạn.”
Câu 4 (1.0 điểm)
Anh/chị sẽ làm gì để có thể “tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả”?
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về vai trò của niềm tin trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.
Câu 2: (5.0 điểm)
Trong bài thơ Việt Bắc, cách chia tay giữa những người kháng chiến và nhân dân Việt Bắc đã được Tố Hữu thể hiện qua lời đối đáp:
Người dân Việt Bắc hỏi:
- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mũ
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Người kháng chiến đáp lại:
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi....
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
(Trích Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ Văn 12, Tập một NXB Giáo dục Viêt Nam, 2018, tr 110 - 111)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
...............................Hết..............................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo...
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Tiếp thu ý kiến đúng của người khác giúp bạn khắc phục những hạn chế của bản thân, hoàn thiện bản thân mình hơn
- Tuy nhiên, nếu cuộc sống bị chi phối quá nhiều vào lời của người khác, bạn sẽ đánh mất đi chính mình, đánh mất đi chính kiến của bản thân, trở thành bản sao của một ai đó.…
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Nghệ thuật: ẩn dụ
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh sự ảnh hưởng tiêu cực của nỗi sợ hãi đến cuộc sống con người. Con người phải biết vượt qua “bóng đêm” của nỗi sợ hãi mới có thể đạt được sự thành công.
+ Tăng giá trị biểu đạt cho câu văn.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Lựa chọn con đường đúng đắn, phù hợp với khả năng, điều kiện, thực tế
- Không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thử thách trên con đường đạt mục tiêu của mình
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
Cách giải:
- Giải thích: “Niềm tin” là niềm hi vọng, sự tin tưởng vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất của mình trong cuộc sống.
- Phân tích, bình luận: Vai trò của niềm tin
+ Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.
+ Niềm tin vào bản thân đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp. Niềm tin giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống.
+ Niềm tin vào bản thân giúp con người vượt lên mọi thử thách và trưởng thành.
+ Khi bạn có niềm tin, tinh thần lạc quan, bạn sẽ lan tỏa, truyền niềm tin, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống nhưng người xung quanh.
- Đánh mất niềm tin:
+ Mình là người hiểu rõ mình nhất, đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ trở thành người không có ý chí, không có nghị lực, không có quyết tâm, không biết mình là ai, sống để làm gì, vì thế mọi điều khác như tiền bạc, công danh, sẽ trở thành vô nghĩa...
+ Không có niềm tin vào bản thân sẽ không thể có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các cơ hội trong cuộc sống, dễ đổ vỡ, sa ngã, đánh mất chính mình...
Câu 2:
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt vấn đề
Thân bài:
- Hoàn cảnh sáng tác: Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc để ghi lại không khí bịn rịn, nhớ thương của kẻ ở, người đi.
- Vị trí đoạn trích
Người dân Việt Bắc hỏi: Bốn dòng nhắc nhớ những ngày tháng gian khổ ở chiến khu Việt Bắc; bốn dòng tạo thành hai câu hỏi như khơi sâu vào những kỉ niệm đáng nhớ:
“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mùa”
- Nhà thơ sử dụng hàng loạt những hình ảnh lấy ra từ thực tế đời sống kháng chiến như “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, đó là đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc trong những ngày khắc nghiệt.
=> Gợi ra những gian nan vất vả của những ngày kháng chiến. Ngoài ra, biện pháp liệt kê cùng hai từ “những, cùng” cho thấy những khó khăn diễn ra dồn dập, liên tục.
“Mình về có nhớ chiến khu,
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”
- “Miếng cơm chấm muối” là hình ảnh chân thực được rút ra từ kháng chiến đầy gian nan.
- Hình ảnh “mối thù nặng vai” đã cụ thể hoá, vật chất hoá mối thù của nhân dân ta với quân xâm lược.
- Biện pháp tiểu đối giữa hai vế trong câu thơ “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” làm nổi bật giữa một bên là đời sống thiếu thốn, gian khổ và một bên là là lòng căm thù giặc oằn nặng trên vai.
=> Cách nói của Tố Hữu rất giàu hình ảnh. Mối thù là một tình cảm trừu tượng không thể thấy được, sờ được nhưng nói “mối thù nặng vai” thì cái điều trừu tượng kia đã được trọng lượng hoá một cách cụ thể. Mối thù càng nặng bao nhiêu thì lòng căm thù giặc sâu sắc bấy nhiêu.
- Hai hình ảnh “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” đối xứng và kết lại với nhau tạo nên một ý nghĩa mới mẻ, sâu xa: mối tình đoàn kết chiến đấu cùng chung gian khổ, cùng mang một mối thù thực dân là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vang dội, chiến công chói lọi.
Người kháng chiến đáp lại:
- “Những ngày” ở đây là cách nói chỉ thời gian gắn bó nhớ thương vô vàn giữa người đi kẻ ở. Đó là nỗi nhớ về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” với bao ân tình cao đẹp. Mười lăm năm ta đã cùng mình gánh vác giang sơn, chịu đựng bao gian khổ, thiếu thốn; đã cùng nhau đi qua bao biến cố; mười lăm năm ấy giờ đã thành máu thịt trong nhau rồi
- Thành ngữ “đắng cay ngọt bùi” giàu sức gợi. “Đắng cay” là để chỉ những gian khổ, mất mát, hi sinh; “ngọt bùi” chỉ niềm vui, hạnh phúc, vinh quang.
=> Ý thơ thể hiện ý nghĩa sâu xa: ta đã cùng mình trải qua những thăng trầm, trải qua bao gian khó, bao buồn vui, ngọt bùi cay đắng, cùng nhau đi qua vinh nhục… nên đã thấu hiểu, đồng cảm với nhau. Từ đây ta và mình đã mãi mãi trở thành tri kỷ
- Hình ảnh: “chia củ sắn”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng” kết hợp ba động từ “chia-sẻ-đắp” đã cụ thể hoá tình đoàn kết, hữu ái giai cấp, gắn bó sâu sắc, chân thành giữa cách mạng và nhân dân.
Nghệ thuật: Đậm đà tính dân tộc: Thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng. Cách miêu tả giàu hình ảnh. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ, liệt kê…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình).
KB: Nêu cảm nhận chung
2. ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:
Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đso rất tệ. Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng. PHẢI luôn nỗ lực. PHẢI luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó, thì hẳn là TẠI tôi, DO tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin ấy, tôi đã cố gắng bằng hết sức mình để giành lấy những vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa. Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi ngây ngô tin rằng chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể.
Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với những cảnh huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một công việc ổn định nhàn thân? Một cái nghề được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ đủ cha? Tôi ước gì ba mẹ đã dạy tôi rằng: “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.
(Cúc T, Sống như bạn đang ở sân bay, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh)
Câu 1: Khi “được gia đình và trường học gieo vần đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục”, “tôi” đã có những suy nghĩ gì? (1.0 điểm)
Câu 2: Nêu tác dụng của những câu hỏi được sử dụng trong văn bản? (1.0 điểm)
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi” Vì sao? (1.0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy ghĩ về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn.”
..................................Hết................................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Những suy nghĩ của nhân vật “tôi”: mình phải luôn cố gắng, phải luôn nỗ lực, phải luôn gồng mình, và nếu tôi không đạt được một điều gì đó, thì hẳn là tại tôi, do tôi chưa cố gắng đủ nhiều.
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Tác dụng của những câu hỏi đượ sử dụng trong văn bản:
- Gợi suy nghĩ, ấn tượng cho người đọc
- Thể hiện sự trăn trở của người viết về những áp lực, những ràng buộc tinh thần mà xã gội đặt ra cho con người là quá nhiều;
- Đưa ra những lí lẽ cụ thể làm rõ cho ý được nêu trước đó: những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ.
HS trả lời được 2/3 ý được 1 điểm.
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Khi theo đuổi mục tiêu, ước mơ, ta đã có sẵn những điều kiện, những yếu tố cần thiết để thực hiện. Ta tiêu tốn thời gian, công sức, vật chất để cố gắng về đích.
- Khi buông bỏ, ta chấp nhận mất tất cả để quay về điểm xuất phát. Buông bỏ nghĩa là ta phải thừa nhận sự kém cỏi về một mặt nào đó của bản thân, đối diện với dư luận: vì vậy, buông bỏ đòi hòi sức mạnh của lòng dũng cảm.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
3. ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc phần trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. [...] Rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố...
(2) Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất....
(Trích thư của Tống thống Mĩ Lin-Côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong Những câu chuyện về người thầy)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của phần trích trên (0,5 điểm) (nhận biết)
Câu 2: Trong đoạn văn (2) của phần trích trân, Tổng thổng Mĩ Lin-Côn muốn nhà trường dạy cho con trai mình những điều gì? (1,0 điểm) (thông hiểu)
Câu 3: Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biệp pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu sau: xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố... (1,0 điểm) (thông hiểu)
Câu 4: Từ câu nói: “Rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn”, anh/chị rút ra được bài học gì? (0,5điểm) (vận dụng)
II/ LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa này xưa...”
mẹ thường hay kể.
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó ....”
(Đất Nước - Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)
(vận dụng cao)
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ
Cách giải:
- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Câu 2:
Phương pháp: Đọc, tìm ý
Cách giải:
Tổng thống Mĩ Lin – Côn muốn nhà trường dạy cho con trai mình những điều sau đây:
- Một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố...
- Cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng.
- Tránh xa sự đố kị.
- Bí quyết của niềm vui thầm lặng.
- Những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất.
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Tác dụng: nhấn mạnh, làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của lao động chân chính.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp và rút ra bài học
Cách giải:
Gợi ý:
- Cuộc sống rất đa dạng, phong phú, phức tạp có tốt – xấu, bạn- thù … và hãy sống lạc quan, có niềm tin, thêm một người bạn là ta bớt đi được một kẻ thù.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Tôi nhớ lúc nhỏ có lần phạm lỗi, mẹ phạt quỳ úp mặt vào tường suốt hai tiếng đồng hồ. Khi đi làm về, nghe mẹ kể lại, ba đã gọi tôi đến và nói: “Trở thành người như thế nào là tự do của con. Trở thành người tốt hay người xấu là tự do tuyệt đối của con. Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con mà vì con là con của ba mẹ, bởi vậy kể cả khi con trở thành một người xấu, một kẻ dối trá hay thậm chí trộm cắp, thì tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Nhưng ba muốn con biết rằngba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương.”
Đó là lý do đầu tiên để tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương. Thậm chí, tôi chỉ cần một lý do đó mà thôi.
Kinh Tamud viết: “Khi ngươi dạy con trai mình, tức là ngươi dạy con trai của con trai ngươi.”. Bởi thế, hiển nhiên là tôi cũng sẽ nói với con tôi những lời ba tôi đã nói.
[....] Ai cũng có thể dạy một cậu con trai mới lớn lái xe hoặc mở bugi bị ướt ra lau khi đi qua quãng đường ngập nước. Nhưng thật đặc biệt khi cậu học những điều đó từ chính cha mình.
(Trích “Nếu biết trăm năm là hữu hạn...” - Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2019, tr 15)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Lý do đầu tiên để nhân vật tôi muốn trở thành một ngươi chính trực và biết yêu thương là gì?
Câu 3: Nội dung câu Kinh Talmud: “Khi ngươi dạy con trai mình, tức là ngươi dạy con trai của con trai ngươi.” được anh/chị hiểu như thế nào?
Câu 4: Anh/chị có cho rằng việc người cha dạy một cậu con trai mới lớn lái xe hoặc mở bugi bị ướt ra lau khi đi qua quãng đường ngập nước là điều thật đặc biệt không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ ngữ liệu đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về điều bản thân cần làm để trở thành một người chính trực và biết yêu thương.
Câu 2 (5.0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
(Trích “Sóng” - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr 155)
.............................Hết.....................
ĐÁP ÁN DỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1:
Phương pháp: căn cứ vào các phương thức biểu đạt
Cách giải:
- PTBĐ: Nghị luận.
Câu 2:
Phương pháp: đọc, tìm ý
Cách giải:
- Lý do đầu tiên để nhân vật tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương đó là lời nói của ba nhân vật: “Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương.”
Câu 3:
Phương pháp: đọc, hiểu
Cách giải:
- Câu kinh đó ý nói: khi chúng ta dạy cho con cái mình những điều tốt đẹp, chúng sẽ mang những điều tốt đẹp đó để cư xử với tất cả mọi người xung quanh và dạy dỗ những thế hệ sau này. Những điều tốt đẹp ấy sẽ như một hạt giống tốt tươi được lan xa, lan rộng.
Câu 4:
Phương pháp: đọc, hiểu
Cách giải:
- Đó là điều đặc biệt. Vì khi chính cha mình – bằng tất cả tình yêu thương và tấm lòng bao la của tình phụ tử thiêng liêng, chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp và có nhiều kỉ niệm để nhớ về trên những chặng đường sau này hơn là được học từ một người khác.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1:
Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận
Cách giải:
Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Nêu vấn đề: điều bản thân cần làm để trở thành một người chính trực và biết yêu thương
2. Giải thích vấn đề
- Chính trực là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức.
=> Chính trực là một trong những yếu tốt làm nên đạo đức con người. Sống chính trực và biết yêu thương chính là một trong những phẩm chất làm nên một người thành công trong cuộc đời.
3. Bàn luận vấn đề
Ý nghĩa của thái độ sống tích cực:
- Với cá nhân:
+ Người có thái độ sống chính trực và biết yêu thương cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.
+ Sống chính trực và biết yêu thương sẽ được sự yêu thương, quý mến và tạo dựng những mối quan hệ tốt xung quanh.
+ Sống chính trực và biết yêu thương đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, có nghĩa, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống.
-Với xã hội: Thái độ sống chính trực và biết yêu thương của cá nhân góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.
* Điều bản thân cần làm để trở thành người chính trực và biết yêu thương:
+ Biết nghiêm khắc với bản thân, không làm những điều trái đạo đức.
+ Luôn có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân và hoàn thiện mình, luôn phấn đấu sống tốt, cho mình và cho mọi người.
+ Luôn biết nhìn nhận mọi sự việc trên phương diện khách quan và xem xét ở nhiều góc độ khác nhau.
+ Luôn lạc quan dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
+ Biết đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của những người xung quanh.
- Phê phán những người có thái độ tiêu cực, hay phàn nàn, dễ chán nản, dễ thỏa hiệp.
-- Nội dung đầy đủ, chi tiết của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập tải về máy----
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THCS & THPT Lạc Hồng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Huyện Bảo Lộc có đáp án
-
Bộ 2 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2020 Trường THPT Nghèn có đáp án
Chúc các em học tập tốt!