3 dạng đề điển hình thường gặp trong bài văn thuyết minh

3 DẠNG ĐỀ ĐIỂN HÌNH TRONG BÀI LÀM VĂN THUYẾT MINH

Dạng 1: Thuyết minh về đồ vật

Mở bài: Giới thiệu về đồ vật cần thuyết minh. Học sinh phải nêu được vai trò, mức độ phổ biến, ý nghĩa của đồ vật đó trong cuộc sống. 

Thân bài: Học sinh đi vào giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử ra đời và phát triển của đồ vật. Đây là nguồn thông tin cơ bản học sinh cần tìm hiểu thêm ở các nguồn tư liệu. Ví dụ học sinh thuyết minh về chiếc bút bi, các bạn phải tìm hiểu xem ai là người phát minh, sáng chế ra nó. 

Tiếp đến là phần giới thiệu chung về đồ vật gồm có các ý: hình dạng, kích thước, màu sắc, phân loại, giá cả…Ngoài ra, học sinh phải đưa ra được thông tin về cấu tạo (các chi tiết, bộ phận cấu tạo nên đồ vật), nguyên lý hoạt động của đồ vật. Một phần không thể thiếu trong thân bài là công dụng của đồ vật trong đời sống vật chất và tinh thần. Vì nó có ý nghĩa quan trọng như đã nêu nên cần có cách sử dụng và bảo quản sao cho đúng. 

Kết bài: Đánh giá khái quát về ý nghĩa, vai trò của đồ vật với đời sống con người.

 

Dạng 2: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Danh lam thắng cảnh ở đây có thể là khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, di tích lịch sử, công trình kiến trúc nổi tiếng mang vẻ đẹp dấu ấn của một địa phương nào đó.  Sau khi xác định được đối tượng, học sinh đi qua dàn bài theo các gợi ý sau đây: 

Mở bài: Giới thiệu chung về danh lam thắng cảnh. Học sinh có thể nêu lên sự nổi tiếng hay gần gũi của danh lam thắng cảnh và nó tiêu biểu cho điều gì. 

Thân bài: Cung cấp thông tin về vị trí của danh lam thắng cảnh đó. Giống như thuyết minh về một đồ vật, học sinh nêu lên lịch sử ra đời, quá trình trùng tu và phát triển…Nếu danh lam thắng cảnh là một di tích lịch sử thì chắc hẳn sẽ có một câu chuyện xung quanh việc ra đời và sự đổi thay của nó. Ngoài ra, học sinh cần nêu đặc điểm, miêu tả cụ thể quy mô, kết cấu tổng thể, từng khu vực hợp thành của danh lam thắng cảnh đó. Bên cạnh đó, vai trò, ý nghĩa của danh lam thắng cảnh ấy với việc phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước hay ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh là yếu tố học sinh không được bỏ qua. 

Kết bài: Học sinh đặt ra vấn đề ý thức giữ gìn, bảo tồn đối với danh lam thắng cảnh. 

 

Dạng 3: Thuyết minh về một tác phẩm hoặc thể loại văn học

Đối với đề bài thuyết minh về một tác phẩm văn học, học sinh chú ý cung cấp đầy đủ các thông tin gồm: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, đặc điểm nội dung (chủ đề, đề tài, tư tưởng) và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm đó. Cuối cùng, học sinh đánh giá chung về giá trị của tác phẩm trong lịch sử văn học nói chung hay trong sự nghiệp sáng tác của tác giả nói riêng. 

Ngoài ra, nếu đề yêu cầu thuyết minh về một thể loại văn học, học sinh cần nêu được lịch sử ra đời và phát triển của nó, tên một số tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong thể loại văn học ấy. Tiếp đến, học sinh trình bày nội dung của thể loại. Nếu là văn tự sự thì nó tập trung phản ánh bức tranh hiện thực cuộc sống đi kèm với hệ thống các nhân vật và tư tưởng của tác giả. Nếu đó là tác phẩm trữ tình, nó thể hiện được những cảm xúc của con người bên cạnh cách xây dựng nhân vật trữ tình. Bên cạnh đặc điểm nội dung, học sinh quan tâm đến hình thức của thể loại văn học đó. Ví dụ bài thuyết minh về thể loại thơ lục bát, học sinh cần đưa ra thông tin luật thơ, hình thức thơ…Kết lại, học sinh nêu những thành tựu và đóng góp của thể loại cho sự phát triển của nền văn học. 

--Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?